Điều gì khiến Việt Nam ngày một thu hút các ông lớn bán dẫn Hàn Quốc?

17:01 29/05/2023

Việt Nam đang nổi lên như một nguồn cầu mới đối với chất bán dẫn của các công ty Hàn Quốc khi nước này vươn lên thành cơ sở sản xuất quốc tế cho các thiết bị CNTT.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo tờ Korea Times, trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Hàn Quốc (BOK), Việt Nam đang nổi lên như một thị trường lớn cho các nhà sản xuất chất bán dẫn Hàn Quốc, vốn đang gặp khó khăn trong bối cảnh nhu câu chip ở Trung Quốc chậm lại.

BOK nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các ông lớn bán dẫn Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang.

Báo cáo viết: “Việt Nam đang nổi lên như một nguồn cầu mới đối với chất bán dẫn của các công ty Hàn Quốc, khi nước này vươn lên thành cơ sở sản xuất quốc tế cho các thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) có khả năng thay thế Trung Quốc trong tương lai".

"Đặc biệt, Việt Nam hiện là nơi đặt cơ sở sản xuất của các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn. Chất bán dẫn của Hàn Quốc được sử dụng làm hàng hóa trung gian tại Việt Nam để sản xuất hàng hóa CNTT thành phẩm" - báo cáo cho biết thêm.

Báo cáo lưu ý rằng, lực lượng lao động dồi dào với mức lương thấp và khả năng tiếp cận cao với thị trường Trung Quốc của Việt Nam đang thúc đẩy các doanh nghiệp toàn cầu, bao gồm cả những doanh nghiệp từ Hàn Quốc, xây dựng các cơ sở sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này.

Sự hồi sinh của nền kinh tế Việt Nam là một yếu tố đáng khích lệ khác. Mặc dù nền kinh tế của Việt Nam đã chậm lại trong một khoảng thời gian do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng đã phục hồi mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng 8% vào năm ngoái. Ngoài ra, quốc gia Đông Nam Á này cũng đã tạo ra thặng dư thương mại lớn nhất cho Hàn Quốc vào năm ngoái.

Trong tương lai của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam rất hứa hẹn. Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đã khai trương một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội vào tháng 12 và công bố kế hoạch sản xuất hàng loạt chip tại Việt Nam trong năm nay.

Không chỉ với Hàn Quốc mà Việt Nam cũng đang ngày một tạo được dấu ấn giữa xu thế ngành chíp bán dẫn toàn cầu tái cấu trúc. Đầu năm nay, tờ Nikkei Asia đưa tin Tập đoàn Dell, chuyên sản xuất máy tính của Mỹ, đặt mục tiêu ngừng sử dụng chíp sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2024. Ngoài chíp, Dell đã yêu cầu các nhà cung cấp linh kiện khác như mô đun điện tử và bảng mạch in, cũng như các nhà lắp ráp sản phẩm giúp chuẩn bị năng lực ở các quốc gia ngoài Trung Quốc, như Việt Nam. Truyền thông quốc tế cũng thông tin Apple có kế hoạch mở rộng một số hoạt động sản xuất sang Việt Nam.

Trong khi đó, CNBC vừa qua dẫn một số phân tích cho rằng, Việt Nam và Ấn Độ nổi lên như 2 điểm đến tiềm năng cho quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất linh kiện bán dẫn. Đến tháng 4, Bloomberg đưa tin Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Ấn Độ đang chiếm ưu thế từ các động thái của Mỹ nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn của họ.

Mỹ Linh (t/h)