Điện Biên: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại

22:34 18/03/2023

Thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP), đến nay (2/2023), tỉnh Điện Biên đã có 56 sản phẩm OCOP. Trong đó 04 sản phẩm đạt 4 sao, 52 sản phẩm đạt 3 sao.

Tính riêng năm 2022, tỉnh Điện Biên có 14 sản phẩm của 14 hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh thuộc 7 huyện, thị xã và TP Điện Biên Phủ đạt sản phẩm OCOP. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tập trung vào các nhóm như, thực phẩm chế biến (5 sản phẩm): Bún gạo Lứt đỏ; táo mèo khô sấy lạnh; thịt trâu sấy Lò Duyên; thịt trâu gác bếp Chung Phước; miến dong Lộc Biên. Nhóm thực phẩm thô, sơ chế gồm 2 sản phẩm: Gạo nếp nương Tâm Thiện, gạo séng cù Trường Hương Điện Biên. Nhóm chè có 3 sản phẩm: Cực Tây Hà Nhì trà; Trà Shan tuyết P.H.1.4; Đông trùng hạ thảo Huy Hùng; Cà phê Hà Chung; giấm táo mèo; thảo quả sấy khô; bưởi da xanh Mường Ảng; rượu Mông Kê Si Pa Phìn. Trong đó có 2 sản phẩm 4 sao là: Cà phê bột Hà Chung, Trà Shan tuyết P.H.1.4) và 12 sản phẩm 3 sao.

Ảnh minh họa

Sản phẩm Cà phê Hà Chung, Mường Ảng đạt sản phẩm OCOP 4 sao.

Huyện vùng cao Tủa Chùa có 03 sản phẩm OCOP là Trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa, Bạch trà Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa và Trà xanh Shan tuyết Sính Phình. Cả 3 sản phẩm trên đều do Công ty TNHH MTV Hương Linh sản xuất. Trong 56 sản phẩm OCOP, đều mang tính vùng miền, đặc trưng của địa phương, nhiều sản phẩm OCOP đã tạo được vùng nguyên liệu lớn, ổn định, có thương hiệu như: Cà phê Hà Trung Mường Ảng; gạo Séng Cù Trường Hương Điện Biên; trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa… Các sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP của tỉnh Điện Biên đã từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, sử dụng.

Ảnh minh họa
Sản phẩm OCOP 3 sao Đông trùng hạ thảo Huy Hoàng.

Tuy nhiên, do đặc thù là tỉnh miền núi, phần lớn dân số là người dân tộc thiểu số, kinh tế hàng hóa chậm phát triển, GDP bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh còn thấp. Vì vậy việc phát triển sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, thiếu bền vững. Phần nhiều các chủ thể OCOP chưa chủ động xây dựng phát triển vùng nguyên liệu, chưa đầu tư ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; chưa quan tâm xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm; quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ… Đơn cử như: Năm 2020, Sở NN&PTNN tỉnh Điện Biên liên kết mở một gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Siêu thị Hoa Ban (TP Điện Biên Phủ). Gian hàng này được trưng bày, giới thiệu và bày bán một số sản phẩm OCOP như: mật ong, bí xanh Tìa Dình, gạo Điện Biên, cà phê Mường Ảng… Tuy nhiên gian hàng chỉ tồn tại một thời gian ngắn thì dừng hoạt động, do rất ít khách hàng đến xem và mua hàng. Trong khi một số mặt hàng được người mua yêu thích như bí xanh Tà Phìn thì nguồn cung không đủ cầu vì bí xanh có thời vụ, hết vụ là hết sản phẩm. Sản phẩm gạo Điện Biên đã có tiếng thơm, ngon trên thị trường trong và ngoài tỉnh, nhưng sản phẩm OCOP này cũng chỉ mang tính thời vụ. Trong số 56 sản phẩm đạt chuẩn OCOP ở Điện Biên, phần lớn là sản phẩm mang tính thời vụ, chưa qua chế biến nên thời gian bảo quản, tiêu thụ ngắn. Điều đó cho thấy, sản phẩm OCOP của Điện Biên chưa thật phong phú, đa dạng, thị trường tiêu thụ hẹp.

Ảnh minh họa

Sản phẩm thổ cẩm Pa Thơm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Tại Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2921 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Điên Biên xác định mục tiêu tổng quát đưa đề án mỗi xã một sản phẩm trở thành chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh; góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh truyền thống của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các mục tiêu quy định. Cùng với xây dựng các sản phẩm mới, việc phát triển bền vững các sản phẩm đã được công nhận OCOP phải được quan tâm đặc biệt, phải tạo vùng liên kết bền vững, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP ra thị trường, nhất là thị trường có sức tiêu thụ lớn như thành phố, siêu thị, các trung tâm thương mại, có như vậy sản phẩm OCOP mới thực sự hiệu quả, đem lại thu nhập cao, ổn định cho ngừi dân trong vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP.

Nguyễn Hồng Bài