Dệt may Thành Công (TCM): Lãi ròng tăng gấp 5 lần, có tín hiệu tín cực từ thị trường Hoa Kỳ, EU

15:26 18/08/2023

Dệt may Thành Công vừa cho biết, lãi ròng trong tháng 7/2023 cao gấp 5 lần so với tháng 6 trước đó và ghi nhận tín hiệu tích cực từ thị trường Hoa Kỳ và EU. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có đủ đơn hàng cho quý 3 và quý 4/2023.

Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã cổ phiếu TCM – sàn HoSE) vừa thông báo tình hình kinh doanh tháng 7/2023 với các kết quả khởi sắc. Cụ thể, doanh thu tháng 7/2023 của doanh nghiệp dệt may này ước đạt 12,5 triệu USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng ước lãi ròng đạt 0,79 triệu USD, tăng gấp 5,1 lần so với tháng 6/2023 và giảm 25% so với tháng 7/2022.

Ảnh minh họa

Ghi nhận tín hiệu khởi sắc từ thị trường Hoa Kỳ và EU.

Xét về cơ cấu doanh thu, mảng may chiếm đến 76% tổng doanh thu của Dệt may Thành Công trong tháng 7/2023, theo sau đó là mảng vải (chiếm 16%) và mảng sợi (chiếm 6%). Luỹ kế 7 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu ước đạt 79 triệu USD và lãi ròng 5,2 triệu USD, lần lượt giảm 27% và giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022.

Xét về cơ cấu thị trường, hơn 95% doanh thu của Dệt may Thành Công đến từ kênh xuất khẩu trong tháng 7 vừa qua. Trong đó, khu vực châu Á chiếm đến 65,7% tổng doanh thu (Hàn Quốc chiếm 24,54%; Nhật Bản chiếm 21,42%, Trung Quốc chiếm 6,82%). Khu vực châu Mỹ chiếm 31,7% (Hoa Kỳ chiếm 28,13%, Canada chiếm 3,59%). Khu vực châu Âu chiếm 1,93% tổng doanh thu của doanh nghiệp này

Đáng chú ý, Dệt may Thành Công cho biết, tình hình kinh doanh đã khả quan hơn và bắt đầu có dấu hiệu phục hồi khi thị trường Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, hai thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành dệt may Việt Nam, đã khởi sắc trở lại với tín hiệu tốt hơn so với các tháng trước.

Ảnh minh họa
Doanh thu tháng 7/2023 (triệu USD) và cơ cấu doanh thu trong tháng 7/2023 của Dệt may Thành Công.

Về tình hình đơn hàng, Dệt may Thành Công cho biết, hiện vẫn chưa nhận đủ đơn hàng cho cuối năm và hoạt động chưa tối đa công suất. Theo dự báo, mặc dù tình hình mua sắm tốt hơn trước đó nhưng vẫn còn chậm do kinh tế thế giới phục hồi chậm cho đến hết năm 2023. Tính tới thời điểm hiện tại, Dệt may Thành Công mới nhận được khoảng 76% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý 3 và 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 4/2023.

Thị giá cổ phiếu TCM liên tục giảm, cổ đông lớn vẫn liên tục gom mua

Theo Báo cáo tài chính quý 2/2023, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu thuần 715 tỷ đồng và lãi ròng chưa đến 2 tỷ đồng, lần lượt giảm 32% và giảm 97% so với quý 2/2022. Đây cũng là quý có mức lợi nhuận thấp nhất của Công ty kể từ quý 4/2021.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp dệt may này ghi nhận doanh thu thuần 1.591 tỷ đồng và lãi ròng hơn 56 tỷ đồng, lần lượt giảm 27% và giảm 56% so với nửa đầu năm 2022, và chỉ thực hiện được 23% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày hôm nay 18/8, cổ phiếu TCM có giá tham chiếu tại mức 49.300 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu TCM đã liên tục giảm kể từ cuối tháng 6 đến nay, mất hơn 15% trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Dệt may Thành Công nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung đối mặt nhiều thách thức.

Đáng chú ý, mặc dù thị giá cổ phiếu TCM liên tục trượt dốc, cổ đông lớn nhất của Dệt may Thành Công là Công ty E-land Asia Holdings vừa chi hơn 14 tỷ đồng để mua vào 258.260 cổ phiếu TCM vào ngày 04/08/2023 với mức giá gần 54.800 đồng/cổ phiếu (cao hơn 7% so với thị giá trong ngày 04/08).

Trước đó, ngày 05/07, E-land Asia Holdings cũng mua thỏa thuận thành công gần 1,4 triệu cổ phiếu TCM với cùng mục đích đầu tư tài chính với tổng giá trị giao dịch đạt 83,4 tỷ đồng, tương đương 60.400 đồng/cổ phiếu TCM.

Tính đến thời điểm hiện tại, E-land Asia Holdings đang nắm 46,96% vốn điều lệ của Dệt may Thành Công. Được biết, doanh nghiệp này thuộc tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc E-Land. E-land Asia Holdings là tổ chức có liên quan đến ông Lee Eun Hong - Thành viên HĐQT Dệt may Thành Công. Ông Lee Eun Hong hiện đang sở hữu 9 triệu cổ phiếu TCM.

Theo tạp chí Công Thương.