Tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã có bài trình bày về Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với Chiến lược phòng chống dịch Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại Diễn đàn.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế - xã hội, cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp trong 2 năm liên tiếp, nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về ổn định vĩ mô, sản xuất kinh doanh, lao động, việc làm, an sinh xã hội, an ninh trật tự an toàn xã hội.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh, duy trì và ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhấn mạnh sự cần thiết của chương trình, Thứ trưởng cho biết, tính riêng trong năm 2021, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp là khoảng 138 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền được miễn giảm là 23 nghìn tỷ đồng, gia hạn là 115 nghìn tỷ đồng. Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm nhu cầu vốn vay của nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Thực hiện các chính sách hỗ trợ giá điện, tiền điện, nước, viễn thông… cho doanh nghiệp và người dân.
Trong thời gian qua, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đưa ra rất kịp thời và có ý nghĩa, nhưng chưa đủ về phạm vi, quy mô để nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch. Suy giảm kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, các Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và có nguy cơ lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Đến nay, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã phát huy ngay hiệu quả và tác động tích cực đến nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực tạo ra cơ hội tốt về thời điểm phù hợp để thực hiện các giải pháp, chính sách có tính toàn diện, mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
“Bám sát quan điểm của Đảng, Quốc hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, tham vấn các đối tác phát triển, doanh nghiệp, ngành hàng, chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời, tiếp thu ý kiến thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng cho biết.
Dự thảo Chương trình được xây dựng và thực hiện trên cơ sở các quan điểm, nguyên tắc về bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
“Bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm. Có quy mô, nguồn lực đủ lớn, xác định đối tượng hỗ trợ, thời gian, lộ trình, thời hạn thực hiện phù hợp; huy động và sử dụng hiểu quả các nguồn lực”, Thứ trưởng nêu rõ.
Chính sách, giải pháp hỗ trợ khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh; một số chính sách có tác động trong trung và dài hạn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, năng lực nội tại, hỗ trợ cơ cấu lại nền kinh tế. Bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, góp phần khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện.
Chương trình được xây dựng với 03 mục tiêu chủ yếu, bao gồm: (i) Khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5-7%/năm, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.
(ii) Phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng, chú trọng tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.
(iii) Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, dự thảo chương trình đã đề xuất các công cụ chính sách, trong đó tập trung công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ đặt trong bối cảnh tổng thể phối hợp hài hòa, chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác. Đồng thời, đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù nhằm đẩy nhanh quá trình triển khai sớm chuyển hóa tác động của chương trình tới quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một trong những diễn đàn thường niên có quy mô lớn nhất về công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra, Chương trình đưa ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Một là, giải pháp thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch, trong đó tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19; rà soát, hoàn thiện quy định phòng, chống dịch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh và tiết giảm chi phí. Thí điểm và thực hiện lộ trình mở cửa phù hợp đối với du lịch, vận tải hàng không, các dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật, gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Thực hiện thống nhất các quy định về đi lại, di chuyển của lao động, về lưu thông hàng hóa, dịch vụ và bảo đảm sản xuất an toàn. Chú trọng thúc đẩy xã hội hóa, bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống dịch; ưu tiên nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; hiện đại hóa ngành y tế.
Hai là, giải pháp về an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, trong đó trọng tâm là hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất. Tiếp tục rà soát, có chính sách hỗ trợ phù hợp với người có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh. Cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên, cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập, cho vay mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại người lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động; nâng cao năng lực các Trung tâm dịch vụ việc làm, trường nghề chất lượng cao. Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, trên các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, lao động, người có công.
Ba là, giải pháp về hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, các chính sách cơ cấu lại nợ. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp; tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; hỗ trợ lãi suất cho vay hợp lý trong một số ngành, lĩnh vực, chủ đầu tư, dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại để có dư địa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Có chính sách hỗ trợ phù hợp cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như sản xuất và chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ vận tải, du lịch, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển khu công nghiệp, khu công nghệ cao, xuất khẩu bền vững.
Bốn là, giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, trong đó tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có sức lan tỏa lớn, tác động nhanh đến phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng, địa bàn động lực tăng trưởng; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, khả năng hấp thụ vốn và giải quyết ngay những khó khăn, hạn chế của ngành, lĩnh vực, như: đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hạ tầng y tế, xã hội, nông nghiệp…
Năm là, giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, xử lý tình huống của cán bộ các cấp; đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường xử lý trên nền tảng trực tuyến; phát triển bền vững các thị trường khoa học công nghệ, lao động, bất động sản; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong đầu tư công, quản lý tài sản nhà nước. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Thực hiện điều chỉnh linh hoạt các công cụ chính sách vĩ mô để kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và các cân đối về thương mại, đầu tư, ngân sách nhà nước, kiểm soát bội chi, nợ công trong ngưỡng an toàn. Giám sát chặt chẽ, có giải pháp xử lý nợ xấu phù hợp. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về năng lượng, hạ tầng lưới điện truyền tải, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng…/.