Đối với hợp đồng bảo hiểm, dự thảo nêu rõ: Về hợp đồng bảo hiểm con người: Sửa đổi, bổ sung quy định về thông báo tuổi trong bảo hiểm nhân thọ, giao kết hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết để phù hợp với Bộ luật Dân sự; bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm, quy định về việc không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trừ trường hợp có thỏa thuận tại hợp đồng, về người thụ hưởng, hợp đồng bảo hiểm nhóm.
Về hợp đồng bảo hiểm tài sản và thiệt hại: Bổ sung quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị, chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn để doanh nghiệp bảo hiểm có thể chủ động thực hiện quyền thế quyền.
Về phòng chống gian lận bảo hiểm: Bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm xây dựng quy trình khai thác, thẩm định, bồi thường để xác định, đánh giá đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết về người được bảo hiểm, đối tượng được bảo hiểm, người thụ hưởng bảo hiểm, hồ sơ, tài liệu có liên quan trước khi có quyết định bảo hiểm, chi trả tiền/bồi thường bảo hiểm, phòng chống gian lận bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Về giải quyết tranh chấp: Bổ sung quy định về hình thức giải quyết tranh chấp, trọng tài bảo hiểm, tiêu chuẩn trọng tài viên bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của trọng tài bảo hiểm, phán quyết trọng tài bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm
Về cấp giấy phép thành lập và hoạt động: Bổ sung phạm vi hoạt động sang một số sản phẩm bảo hiểm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác cho doanh nghiệp bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bỏ tài liệu về quy tắc, điều khoản, biểu phí tại hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động; bỏ yêu cầu phải chấp thuận đối với đóng, mở, thay đổi địa điểm đặt chi nhánh, văn phòng đại diện và thay bằng hình thức thông báo Bộ Tài chính trước khi có thay đổi,..
Về tổ chức hoạt động: Bổ sung toàn bộ quy định tổ chức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm các hiện diện thương mại (trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện,..), cơ cấu tổ chức và về những người quản lý phải có của doanh nghiệp bảo hiểm, các nguyên tắc phân công, đảm nhiệm chức vụ nhằm tránh kiêm nhiệm nhiều, miễn nhiệm, bãi nhiệm, đình chỉ, tạm đình chỉ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Chuyên gia tính toán nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm.
Về hoạt động nghiệp vụ: Bổ sung toàn bộ các quy định về việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, Bộ Tài chính chỉ phê chuẩn phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ và phương pháp tính phí.
Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; duy trì sự công bằng, an toàn và ổn định của thị trường bảo hiểm. Tạo nền tảng để Việt Nam có thể trở thành thị trường bảo hiểm phát triển của khu vực Châu Á thông qua việc đổi mới mô hình quản lý, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh bảo hiểm, nâng cao chất lượng tăng trưởng của thị trường.
PV