Sáng 24/4, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 44 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Dự luật được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý trong công tác xử lý nợ xấu, phù hợp với thực tiễn và nâng cao năng lực vận hành của hệ thống tài chính – ngân hàng.
Phát biểu tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 là cần thiết nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý bền vững và thống nhất cho hoạt động xử lý nợ xấu. Các quy định này đã chứng minh được hiệu quả trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực, giúp tháo gỡ vướng mắc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng và nhà đầu tư.
![]() |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng |
Việc xử lý hiệu quả nợ xấu và tài sản bảo đảm sẽ góp phần tăng khả năng xoay vòng vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý.
Một điểm mới đáng chú ý trong dự luật là việc sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm – từ Thủ tướng Chính phủ chuyển giao cho Ngân hàng Nhà nước. Điều này nhằm tăng tính chủ động, phân quyền hiệu quả hơn cho Ngân hàng Nhà nước, đồng thời rút ngắn quy trình, đảm bảo tính kịp thời trong xử lý các tình huống khẩn cấp, góp phần giữ ổn định hệ thống tín dụng quốc gia.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, dự thảo luật hướng đến việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về xử lý nợ xấu, đồng thời đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc bổ sung luật hóa ba chính sách lớn từ Nghị quyết 42 sẽ được thực hiện theo nguyên tắc rõ ràng, có đánh giá tác động đầy đủ và toàn diện.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh cho biết đa số ý kiến tán thành sự cần thiết của việc sửa đổi luật. Tuy nhiên, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ thêm cơ sở chính trị và pháp lý của việc luật hóa Nghị quyết 42, đặc biệt trong bối cảnh xử lý tài sản bảo đảm có thể ảnh hưởng đến quyền tài sản của công dân – một quyền được Hiến pháp bảo hộ.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị bổ sung các dẫn chiếu về kinh nghiệm quốc tế trong xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, nhằm xây dựng các giải pháp phù hợp hơn với điều kiện và hệ thống pháp lý tại Việt Nam.