Đề xuất chuyển giao MobiFone về Bộ Công an. |
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ về phương án tinh gọn bộ máy Chính phủ, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone dự kiến sẽ được chuyển giao từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) về Bộ Công an. Tổ chức Đảng của công ty này sẽ chuyển về trực thuộc Đảng ủy Công an Trung ương.
MobiFone được thành lập ngày 16/4/1993 với tên gọi ban đầu là Công ty thông tin di động (VMS). Đây là mạng viễn thông di động đầu tiên tại Việt Nam.
Ngày 1/12/2014, Công ty được chuyển đổi thành Tổng công ty viễn thông MobiFone, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh doanh trong các lĩnh vực như dịch vụ viễn thông truyền thống, Data (dữ liệu), Internet & truyền hình IPTV/cable TV, sản phẩm khách hàng doanh nghiệp, dịch vụ công nghệ thông tin, bán lẻ và phân phối và đầu tư nước ngoài...
Đến tháng 11/2018, MobiFone được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
MobiFone nằm trong top 3 các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin - nội dung số lớn nhất Việt Nam. Năm 2024, MobiFone có doanh thu ước đạt gần 23.500 tỉ đồng. Năm nay, MobiFone đặt mục tiêu doanh thu gần 26.000 tỉ đồng và lợi nhuận ở mức gần 1.800 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, MobiFone đã nhanh chóng triển khai đồng bộ các giải pháp cả về đầu tư, kỹ thuật, kinh doanh, truyền thông với mục tiêu phủ sóng 5G trên cả nước vào tháng 3.2025.
Theo kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động và chuyển quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu Nhà nước với 19 tập đoàn, tổng công ty về bộ, ngành quản lý.
Về một số chức năng, nhiệm vụ theo đề xuất của Bộ Công an, dự kiến Chính phủ chuyển 3 nhóm chức năng, nhiệm vụ về Bộ Công an quản lý. Cụ thể là chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy và phòng, chống tệ nạn xã hội (đang giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý).
Nhiệm vụ quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp và thực hiện dịch vụ công cấp Phiếu lý lịch tư pháp (đang giao cho Bộ Tư pháp quản lý); nhiệm vụ về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (đang giao cho Bộ Giao thông vận tải quản lý) cũng được chuyển về Bộ Công an.
Bộ Nội vụ cho biết, việc chuyển 3 nhóm chức năng nêu trên về Bộ Công an quản lý sẽ không làm tăng đầu mối của đơn vị này.
Đối với 4 nhiệm vụ còn lại theo đề xuất của Bộ Công an gồm: Nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu; nhiệm vụ quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh; nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không), Bộ Nội vụ đề nghị Ban Chỉ đạo của Chính phủ cho ý kiến về nội dung này để làm cơ sở hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan.