Bài liên quan |
Hải Phòng: Triển khai khung giá thuê nhà ở xã hội |
Khung giá cho thuê nhà ở xã hội tại Hà Nội từ ngày 14/4 |
Chiều 25/4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm tháo gỡ các rào cản pháp lý, tạo động lực cho lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong thời gian tới.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Tư pháp của Quốc hội Hoàng Văn Liên khẳng định sự đồng thuận cao về tính cần thiết của việc ban hành nghị quyết. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng dự thảo hiện tại đã bổ sung ba nội dung chính sách mới chưa từng được đề cập trong Kết luận của Bộ Chính trị. Do đó, ông đề nghị cần báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị để đảm bảo sự nhất quán trong hoạch định và thực thi chính sách.
![]() |
Đề xuất chính sách thuê nhà ở xã hội cho công chức |
Bên cạnh đó, ông Liên nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát và hậu kiểm đối với các nội dung mới trong dự thảo. Điều này nhằm thực hiện nghiêm túc tinh thần của Bộ Chính trị về việc “tăng cường cơ chế giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, triệt để phòng, chống lãng phí”.
Một nội dung gây nhiều tranh luận tại phiên họp là đề xuất Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư trong trường hợp họ đã có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để phát triển nhà ở xã hội. Nhiều đại biểu cho rằng chính sách này có thể gây tác động lớn đến nguồn lực ngân sách nhà nước, nhưng lại chưa được đánh giá tác động đầy đủ. Ngoài ra, nội dung này chưa được báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị và cũng không xác định rõ thời điểm thực hiện hoàn trả, tiềm ẩn nguy cơ bị lạm dụng, tạo ra sơ hở và tiêu cực trong triển khai.
Làm rõ hơn về đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong thực tế, chính sách miễn tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội đã được quy định. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp doanh nghiệp có sẵn quyền sử dụng đất nhưng khi chuyển đổi mục đích sang phát triển nhà ở xã hội thì không được miễn, dẫn đến chi phí bị đội lên, làm tăng giá bán và ảnh hưởng trực tiếp đến người thu nhập thấp. Ông Sinh khẳng định, ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo chính sách thực sự có tính hỗ trợ và phù hợp thực tiễn.
Liên quan đến đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội, dự thảo cũng đề xuất mở rộng cho phép các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập được thuê để bố trí cho chuyên gia. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị không đưa đối tượng “chuyên gia” vào nhóm được ưu tiên, bởi đây không phải là nhóm người thu nhập thấp và đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thay vào đó, Ủy ban Pháp luật – Tư pháp đề xuất cho phép cơ quan nhà nước được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho cán bộ, công chức của mình – đặc biệt tại các địa phương đang triển khai việc sáp nhập đơn vị hành chính. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc thực thi công vụ của đội ngũ công chức trong bối cảnh mới.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh bày tỏ sự đồng tình với đề xuất này. Ông cho rằng trong thời gian tới, nhu cầu về nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua sẽ tăng mạnh trong nhóm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị ảnh hưởng bởi quá trình sáp nhập hành chính, nên cần nghiên cứu, bổ sung quy định phù hợp vào dự thảo.
Về cơ chế chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với giao chủ đầu tư đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang không sử dụng vốn đầu tư công, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật – Tư pháp lưu ý cần thiết lập cơ chế giám sát, kiểm soát hiệu quả nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả trong triển khai thực tế.