Đâu là khó khăn của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu hiện nay?

15:16 14/10/2022

Bộ Công Thương mới đây đã tổ chức cuộc họp với 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam – phát biểu
Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam phát biểu. 

Thẳng thắn nêu những khó khăn của doanh nghiệp

Ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay, theo Nghị định 95, trong kết cấu về tính giá cơ sở có việc tách bạch khá kỹ phần nhập khẩu từ nước ngoài và kết cấu với các mặt hàng trong nước. "Hiện quy định cũng rút ngắn lại việc xác định giá theo chu kỳ 15 ngày xuống còn 10 ngày, đây cũng đã là một bước tiến nhằm điều hành giá trong nước phù hợp với giá của thị trường thế giới. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố chúng ta chưa đánh giá được hết trong khi giá thế giới có nhiều biến động, thay đổi lớn, liên tục trong năm 2022”- ông Bùi Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bùi Ngọc Bảo: Năm 2022 là năm "dị biệt" nhất trong thời gian vừa qua và là năm rất khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh lỗ. Do lỗ triền miên, tâm lý của doanh nghiệp đảm bảo nguồn ở mức chỉ đủ hệ thống phân phối, những đại lý, thương nhân nhượng quyền, tổng đại lý có cam kết mang tính chất có hợp đồng chặt chẽ. Đâu đó, cục bộ ở những cửa hàng có hợp đồng lỏng lẻo thì khan hàng.

Đại diện doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, bà Phạm Thị Băng Trang – Tổng Giám đốc Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ cũng chia sẻ, thời gian qua, các doanh nghiệp đầu mối đều gặp khó khăn. Tại Bình Dương, các cây xăng đóng cửa có nhiều nguyên nhân, trong đó không phải chỉ có nguyên nhân do thiếu hụt xăng dầu mà còn do một số cây xăng đã đóng cửa từ trước hoặc không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu nên không được cấp lại giấy phép.

“Cùng với đó, mấy ngày nay, xảy ra tình trạng khan hiếm, nên người dân đổ dồn vào những cây xăng trên trục đường chính. Còn cây xăng trên trục đường nhỏ không xảy ra tình trạng ùn ứ, khan hàng. Tại Bình Phước, Công ty vẫn cung cấp các mặt hàng đầy đủ. Các đại lý, cửa hàng phân phối của các thương nhân phân phối khác thì Thanh Lễ có ký hợp đồng và vẫn cung cấp hàng”- bà Phạm Thị Băng Trang chia sẻ. 

Ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
Ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. 

Bà Trần Thị Tuyết Mai - Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà chia sẻ thêm, thực sự nguồn cung xăng dầu không thiếu mà do doanh nghiệp đang lỗ lớn do chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu về được. Đề nghị liên Bộ, Chính phủ, Thủ tướng xem xét, cân đối lại, chấp nhận các chi phí thực tế mà doanh nghiệp bỏ ra. Bởi công thức tính giá đã được quy định từ năm 2014 và hiện nay đang biến động rất lớn.

“2 Nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn đang cung cấp 70-80% lượng xăng dầu cho thị trường trong nước và 20% còn lại là nhập khẩu. Ngoài ra, do rủi ro bất khả kháng từ các nhà máy dẫn đến có thời điểm thị trường thiếu cục bộ khoảng 30-40%, buộc phải nhập khẩu. Nhưng chi phí nhập khẩu đang tăng cao. Đơn cử, quý 1, chi phí là 306 đồng/lít, quý 2 là 450 đồng/lít; quý 3 là 967 đồng/lít, tức là bình quân, doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít. Sang quý 4, doanh nghiệp lỗ 1.100 đồng/lít. Khoản lỗ này ai gánh cho doanh nghiệp?” – bà Mai nêu rõ.

Do đó, bà Trần Thị Tuyến Mai đề nghị các cơ quan chức năng nên điều chỉnh 6 tháng/1 lần chi phí thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong quá trình kiểm tra, nếu có sơ suất thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục.

Ông Phạm Văn Thoại – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Nhà máy lọc dầu Cát Lái - Saigon Petro chia sẻ thêm, Saigon Petro là doanh nghiệp trực thuộc Thành ủy TP HCM. Thời gian qua, xung đột giữa Nga và Ukraine cùng tác động từ cơn bão số 5 khiến việc nhập khẩu hàng không dễ. Mặc dù doanh nghiệp vẫn nỗ lực cố gắng tìm cách để nhập hàng nhưng hiện mức premium nước ngoài về và chi phí đưa hàng từ nước ngoài về cảng Việt Nam quá cao, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

“Thời điểm đầu năm đến quý 2, nhờ giá tăng nên doanh nghiệp có lãi nhưng từ quý 3 vừa rồi, đặc biệt là giai đoạn tháng 7, tháng 8, doanh nghiệp nào cũng lỗ mà không dám nói, vẫn phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thành ủy là dù thế nào cũng phải đảm bảo được nguồn hàng. Lãi của chúng tôi trong 6 tháng đầu năm không đủ bù lỗ trong 2 tháng vừa rồi, song vì trách nhiệm nên vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của đầu mối kinh doanh xăng dầu. Nhưng đến tháng 10, doanh nghiệp không thể nhập khẩu được nữa, mà chỉ dám “cắn răng” nhập khẩu 1 chuyến từ nước ngoài về để đáp ứng nhu cầu trong nước, thêm lượng hàng nhập từ Bình Sơn và Nghi Sơn để bán” – ông Phạm Văn Thoại chỉ rõ.

Đồng thời ông Thoại đề xuất, cần phải tính đúng, tính đủ chi phí cho doanh nghiệp. Mặc dù vừa rồi, Liên bộ Tài chính – Công Thương đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước, nhưng doanh nghiệp đã lỗ quá nặng, rất khó khăn cho việc vay vốn ngân hàng. Hiện nay, Sài Gòn Petro đã phải rút tiền vốn của mình ra để đáp ứng được việc mua hàng.

“Hiện nay ở các cây xăng có tình trạng có cây xăng đổ được, có cây xăng không thể đổ được. Tình trạng này là tình hình sớm muộn cũng phải xảy ra, không phải do doanh nghiệp mà là do thị trường. Do đó, liên Bộ cần hỗ trợ doanh nghiệp để làm sao tính đúng tính đủ mặt bằng chi phí để doanh nghiệp “sống được” – ông Phạm Văn Thoại đề xuất.

Là 1 trong 7 doanh nghiệp bị tạm giữ giấy phép trong 45 ngày, ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt OIL chia sẻ, sau 45 ngày tạm giữ giấy phép, việc đứt gãy nguồn cung cục bộ sẽ xảy ra.

Năm ngoái, Xuyên Việt OIL là doanh nghiệp đứng thứ 2 về mức đóng thuế ở TP HCM. Do đó, việc tạm giữ giấy phép gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất hết uy tín. Công ty đã có giải trình rất kỹ với lực lượng quản lý thị trường về những khó khăn của việc tước giấy phép sẽ xảy ra đối với doanh nghiệp, kể cả trong việc vay vốn và ký kết các hợp đồng nước ngoài.

Doanh nghiệp đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung

Dù khó khăn như vậy, nhưng các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Ông Huỳnh Nguyễn Bạch Tuyên – Phó Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn cho biết, ngoài quý I có 1 số diễn biến bất thường, sản lượng bị hụt so với phần cam kết với các đầu mối. Song quý II, III nhà máy đã sản xuất tương đối tốt, đảm bảo các yêu cầu của khách hàng đã cam kết, thậm chí quý III lượng xăng đã vượt so với ký kết. Quý IV sản lượng của nhà máy cam kết sản xuất đều vượt mức so với thời gian trước đây. “Với sản lượng này đảm bảo cung cấp sản lượng đã cam kết với hợp đồng thương nhân đầu mối”- ông Huỳnh Nguyễn Bạch Tuyên chia sẻ.

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Dương – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cho hay, trung bình 9 tháng nhà máy sản xuất vượt kế hoạch 106% mặc dù những tháng đầu năm còn thấp do nhu cầu sản phẩm trong nước rất cao. Hiện tại, nhà máy đã sản xuất 5,4 triệu, đáp ứng 83% kế hoạch. Nhà máy cũng cam kết đảm bảo cung cấp tối đa nguồn cung trong nước.

Ông Nguyễn Đăng Trình - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tín Nghĩa cho biết, trên địa bàn Đồng Nai có tình trạng hơn 70 cửa hàng xăng dầu đóng cửa, lượng khách hàng đổ dồn vào hệ thống Tín Nghĩa rất lớn, sản lượng bán lẻ có thời điểm tăng 50-60%, gây ra thiếu trong việc nhập hàng, chứ không để xảy ra tình trạng đóng cửa hàng. Hệ thống xăng dầu của Công ty Tín Nghĩa cam kết không xảy ra tình trạng đóng cửa.

Kiến nghị rà soát lại chi phí

Để tháo gỡ khó khăn, cũng như đảm bảo nguồn cung xăng dầu thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều cho rằng cần phải rà soát lại chi phí.

Ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng kiến nghị, Bộ Tài chính cần nghiên cứu định mức chi phí. Đối với định mức premium nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về, nên điều chỉnh hàng tháng để sát tình hình thị trường. Chi phí định mức trong nước đề nghị điều chỉnh 6 tháng, mặc dù đã điều chỉnh nhưng chưa đúng với thực tế. Vì đây là nền tảng cho việc tạo nguồn.

“Định mức chi phí xăng dầu đã có từ năm 2014 đến bây giờ, nhưng các chi phí khác như thuê đất, lương đều tăng, gây ra bất cập. Do vậy, mỗi năm cần phải xem xét chi phí định mức cho các cửa hàng xăng dầu, ít nhất phải tính theo CPI. Tôi đề nghị, Cục giá và Bộ Tài chính hết sức lưu ý, việc này là nền tảng cho việc tạo nguồn” - ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh đề nghị.

Cũng liên quan đến chi phí, ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho hay, chi phí vận chuyển của các thương nhân đầu mối năm nay rất cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp mong muốn liên Bộ Công Thương – Tài chính chia sẻ với khó khăn này của doanh nghiệp để có phương án tháo gỡ. Bên cạnh đó, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay. Ông cũng đề nghị, các Bộ cần tăng cường quản lý hệ thống, quản trị ứng dụng công nghệ thông tin để nắm được vùng thị trường hàng hóa, có căn cứ điều hành. Đồng thời, cần có định hướng truyền thông tốt để tránh việc nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không tốt đến thị trường.

Ông Nguyễn Đăng Trình cũng kiến nghị liên Bộ Công Thương – Tài chính về công thức tính giá cơ sở. Cần xem xét tính đúng, tính đủ các chi phí trong thời điểm hiện tại vào giá cơ sở để doanh nghiệp không bị lỗ, có điều kiện vay vốn để nhập hàng.

Không chỉ rà soát lại chi phí, ông Bùi Ngọc Bảo cũng đề nghị, cần xem xét lại cho đúng việc định giá. Với việc định giá như thế này, vô hình chung, đây vừa là giá sàn, vừa là giá trần. Doanh nghiệp trong Nghị định chỉ được quyền bán buôn nhưng không được vượt giá cơ sở nhà nước đề ra.

“Đề nghị rà soát lại 1 Quyết định và 5 Nghị định liên quan đến xăng dầu. Cụ thể, Quyết định 187/2003/QĐ-TTg ngày 15/9/2003 về việc ban hành quy chế quản lý xăng dầu cho phép Nhà nước đưa ra giá định hướng đối với mặt hàng xăng cho phép doanh nghiệp điều chỉnh xăng +-1%, dầu +- 5%. Sau đó, năm 2007 đưa ra Nghị định 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, có nhiều chế tài hơn nhưng giá vẫn theo tư tưởng thị trường hóa, cho phép doanh nghiệp điều chỉnh, xăng thả nổi và dầu bù lỗ. Đến năm 2009, ra Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu – đây là Nghị định tính toán kỹ và tương đối tiên tiến, đã đưa ra giá định hướng, doanh nghiệp được quyền tăng, giảm từ 7% - 13% và được quyền quyết định 60%, còn lại lấy từ Quỹ bình ổn. Tuy nhiên, đến năm 2014 bắt đầu ra Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, coi như giá cứng, doanh nghiệp không được quyền quyết định. Vô hình chung, xuyên suốt thị trường giai đoạn này là giá bình ổn. Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 83 cũng tương tự”- ông Bùi Ngọc Bảo nhấn mạnh và tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính nên rà soát tất cả chi phí, cùng Liên Bộ Công Thương – Tài chính đưa ra báo cáo đặt ra giá trần, trên cơ sở đó, doanh nghiệp tự điều chỉnh mức giá dưới giá trần.

Trên tinh thần cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải giao cho Vụ Thị trường trong nước xem xét các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trên tinh thần nếu trong phạm vi giải quyết của Bộ Công Thương thì cần sớm xử lý. Những nội dung không thuộc quyền hạn, chức năng của Bộ thì phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương có liên quan để giải quyết. Đối với những nội dung vượt quá thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ và có những tham mưu, đề xuất cụ thể.

P.V