Theo dòng phát triển của thời đại Internet, cuộc sống, học tập và công việc của con người đã xuất hiện những thay đổi to lớn. Các tập đoàn khổng lồ cũng như các nhà lãnh đạo nổi tiếng như Jack Ma của Alibaba, Mã Hóa Đằng của Tencent, Lôi Quân của Xiaomi hay Lưu Cường Đông với Jingdong lần lượt xuất hiện tại những vị trí chóp bu nhất trong giới kinh doanh.
Tính đến thời điểm đóng cửa gần nhất, giá trị thị trường của Alibaba là khoảng 4,45 nghìn tỷ đô la Hồng Kông, giá trị thị trường của Tencent là 5,62 nghìn tỷ đô la Hồng Kông, giá trị thị trường của Xiaomi là 671,745 tỷ đô la Hồng Kông và JD.com là 883,854 tỷ đô la Hồng Kông. Trong danh sách người giàu thế giới năm 2021, Mã Hóa Đằng đứng thứ 19 với 61,2 tỷ đô la Mỹ đồng thời là tỷ phú giàu thứ hai Trung Quốc. Jack Ma đứng thứ 25 thế giới và thứ ba trong nước với tài sản ròng 47,5 tỷ đô la. CEO của Xiaomi xếp thứ 72 thế giới có giá trị tài sản 24,5 tỷ đô la Mỹ. Cho dù đó là Alibaba hay JD.com hoặc bất kỳ công ty thương mại điện tử và công nghệ nào, đứng sau đó không chỉ có các nhà sáng lập mà còn là các cổ đông đầy quyền lực. Chỗ dựa của Alibaba là Softbank Nhật Bản, Tencent được hậu thuẫn bởi MIH Holdings thuộc Tập đoàn Naspers Nam Phi. Vậy còn Xiaomi và JD thì sao?
Tencent và MIH Holdings
MIH là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Tập đoàn Naspers của Nam Phi, có thể nói đây là fan hâm mộ lớn của Tencent. Cơ duyên của hai doanh nghiệp đến từ những năm 2000 khi tốc độ phát triển Internet đang ở mức thấp nhất, MIH từ phương xa chủ động ngỏ lời đầu tư và đã chi khoảng 32 triệu USD Mỹ để mua lại 46,5% cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất đứng sau chủ sở hữu Tencent. Tháng 6 năm 2004, Tencent niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông và phía tập đoàn Nam Phi nắm 33%, Mã Hóa Đằng giữ 8,73%. Tính theo giá trị thị trường hiện tại, giá trị do MIH nắm giữ đã vượt xa tổng giá trị thị trường của công ty mẹ Tencent.
Alibaba và Softbank Nhật Bản
Cổ đông chính đằng sau Tập đoàn thương mại điện tử nổi tiếng Alibaba là Softbank, Nhật Bản. Danh tiếng của Alibab đã vượt xa quy mô trong nước và vươn ra toàn cầu nhưng trên thực tế, khởi đầu của Alibaba muôn trùng khó khăn. Sau nhiều nỗ lực, Alibaba đã tìm thấy “bến đỗ” là Softbank Nhật Bản đồng ý đầu tư 40 triệu USD Mỹ. Năm 2014, Alibaba ra mắt công chúng tại Hoa Kỳ. Hiện, Softbank đang nắm giữ 28,8% cổ phần và vẫn là cổ đông lớn nhất.
Cổ đông lớn nhất của JD.com - Hóa ra là Tencent !
Không phải một tập đoàn nước ngoài, cổ đông thực sự nắm đằng chuôi của JD lại là cái tên quen thuộc Tencent. Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông năm 2020, cổ đông lớn nhất của JD là Tencent nắm giữ 17,8% cổ phần trong khi Lưu Cường Đông nắm 15,4%. Tuy nhiên tỷ phú họ Lưu vẫn sở hữu 79% quyền biểu quyết.
Trước đó năm 2014, Tencent đã mua 350 triệu cổ phiếu phổ thông từ JD.com nhằm hợp lực cạnh tranh Alibaba và thay đổi cục diện thương mại điện tử. Tháng 5 cùng năm, JD.com được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq, trong đó Tencent đã nắm giữ cổ phần dưới dạng tiền mặt và tài sản thương mại điện tử khoảng 15% cổ phần.
Xiaomi, tự thân tự lực - Cổ đông chính là người sáng lập Lôi Quân
Năm 2010, Lôi Quân và nhóm phát triển thành lập Xiaomi, trải qua hành trình 8 năm, thương hiệu này đã trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ tư trên thế giới với doanh số bán hàng chỉ đứng sau Apple, Samsung và Huawei. Người ủng hộ sớm nhất cho Xiaomi đồng thời là nhà đầu tư tổ chức lớn nhất là Morningside Group, nhưng tập đoàn này không nắm giữ nhiều cổ phần như Lôi Quân. Theo bản cáo bạch, Lôi Quân nắm giữ 31,41% cổ phần và hơn 50% quyền biểu quyết, là cổ đông chi phối lớn nhất của Xiaomi.
Vào tháng 7 năm 2018, Xiaomi được niêm yết tại Hồng Kông với giá trị thị trường là 486,6 tỷ USD Hồng Kông. Với thành công rực rỡ của Xiaomi, Lôi Quân trở thành người chiến thắng lớn nhất trong số những nhà sáng lập đình đám của Trung Quốc.
TL