Covid-19 đang làm cho ngành da giày Viejt Nam lao đao- Ảnh internet.
Tại Italy, số ca nhiễm và tử vong đã tăng chậm lại, ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Euro link hi vọng sẽ sớm nhập được nguyên phụ liệu để sản xuất những đơn hàng đã ký với đối tác EU và Mỹ.
Thông thường, nhà máy của ông Thành tràn ngập âm thanh của máy dập khuy, máy may chạy soàn soạt trên mặt vải da. Nhưng bây giờ, chỉ còn lại ông và vài nhân viên văn phòng đang cố liên hệ để may ra tìm được nguồn nguyên liệu thay thế hay một nhà mua hàng mới.
Eurolink, công ty sản xuất thời trang đồ da ca cấp một khu công nghiệp ở Hà Nội, đã dừng toàn bộ sản xuất từ cuối tháng Ba. “Tôi phải cho toàn bộ công nhân nghỉ việc vì tháng Tư không còn doanh thu”, ông Thành cho biết.
Công ty của ông Thành không còn khả năng duy trì sản xuất do doanh thu quý I/2020 sụt giảm 80%, riêng tháng 3 giảm tới 95%. Việc dừng sản xuất không chỉ loại bỏ mục tiêu tăng trưởng 120% doanh thu so với năm 2019, mà có thể dẫn công ty đến bờ vực phá sản.
Sản xuất và kinh doanh của Eurolink phụ thuộc hoàn toàn vào xuất nhập khẩu. Công ty thường nhập nguyên liệu 3 tháng/lần, nhưng năm nay, dịch Covid- 19 đã chặt đứt nguồn cung nguyên liệu từ Itali, một trong những ổ dịch lớn nhất châu Âu.
Đại dịch COVID-19 đang cướp đi nguồn thu nhập của người lao động ngành da giày, khiến 1,5 triệu lao động có thể rơi vào tình trạng thất nghiệp- Ảnh internet. |
Những đơn hàng lẻ bây giờ không còn nhiều ý nghĩa, trong khi một loạt các đàm phán mới của Eurolink với các đối tác Nga, Đức, Thụy Điển và Hongkong đã bị hoãn lại, nhiều khả năng phải qua tháng 6 mới có thể nối lại.
Eurolink đang dần rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn vốn. Ông Thành hy vọng các khoản hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp ông kịp thanh toán các khoản tiền lương, bảo hiểm, phí công đoàn và các loại phí khác cho đến khi nhà máy sản xuất trở lại.
Các doanh nghiệp da giày khác cũng tuyên bố ngừng sản xuất trong tháng Tư và tháng Năm, sau khi cuộc khảo sát quý I của Tổng cục Thống kê tiến hành xong, ghi nhận 18,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019.
Công ty Giầy Phúc Yên sẽ phải cho hơn 1.500 lao động nghỉ chờ việc vào cuối tháng Tư này. Ông Trần Quang Vinh Chủ tịch Giầy Phúc Yên nói cần một khoản rất lớn để tồn tại, bởi riêng trợ cấp lương chờ việc để giữ chân công nhân cũng đã hơn 3 tỷ đồng mỗi tháng.
Cùng tháng này, sau khi hoàn thành một vài đơn hàng lẻ cuối, ông Lê Thanh Thủy, Chủ tịch Giày Vĩnh Yên sẽ cho ngừng sản xuất toàn bộ 6 dây chuyền sản xuất giày thể thao. Xuất khẩu quý I của công ty này đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Giày Vĩnh Yên đã nhận được văn bản của tỉnh Vĩnh Phúc về việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đến tháng 12/2020, theo ông Thủy. Nhưng điều kiện được tạm dừng đóng bảo hiểm cũng không dễ dàng, doanh nghiệp phải có 50% lao động nghỉ việc, chưa kể các điều kiện khác.
Khó khăn hơn vẫn còn ở phía trước
Đã có sự suy giảm cực lớn trong quý I/2020, khi tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,85 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giầy – Túi xách Việt Nam (Lefaso), nói rằng: “Chưa phải thời kỳ tồi tệ nhất”.
90% sản phẩm da giày được dành cho xuất khẩu, nên doanh nghiệp xuất khẩu da giày đang chịu tác động rất lớn, người tiêu dùng giảm sức mua, các thị trường xuất khẩu chính đều đóng lại, chính phủ các nước áp lệnh phong tỏa và hạn chế di chuyển.
Khó khăn với ngành da giày Việt Nam vẫn còn ở phía trước- Ảnh internet.
Đơn hàng đang là “vấn đề lớn nhất” của các doanh nghiệp xuất khẩu da giày. Hiện, các nhà mua đang theo dõi diễn biến dịch bệnh để quyết định đơn hàng quý III và IV, Tổng thư ký Lefaso cho biết.
Hơn nữa, việc Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu da giày số 1 thế giới, phục hồi sản xuất sau đỉnh dịch bùng phát ở Vũ Hán, có thể làm triệt tiêu những nỗ lực sau cùng trong việc tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp da giày Việt Nam.
Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso, giá xuất khẩu giày bình quân của Việt Nam không còn rẻ. Tình trạng giành giật lao động diễn ra khốc liệt kể từ khi các thương hiệu giày quốc tế và Trung Quốc chọn Việt Nam để dịch chuyển sản xuất, tránh chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, làm cho giá nhân công tăng lên, đẩy giá thành sản xuất trong nước lên mức cao hơn.
Giá bình quân giày của Việt Nam xuất ra thế giới khoảng 17 USD/đôi, giá xuất khẩu bình quân của châu Âu là 25 USD, trong khi giá xuất khẩu giày bình quân của toàn thế giới chỉ xấp xỉ 9 USD.
Mỹ là thị trường xuất khẩu sản phẩm da giày chính của Việt Nam, nhưng xuất khẩu vào thị trường này ngày càng khó khăn hơn. Theo ông Kiệt, thời gian xuất khẩu giày sang Mỹ bình quân là 30 ngày nên chi phí vận chuyển một đôi giày xấp xỉ trên dưới 1 USD, chưa tính đến thuế nhập khẩu theo quy định.
Tốc độ suy thoái sản xuất trong ngành da giày diễn ra nhanh, phản ánh tác động của đại dịch, dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng để lại ảnh hưởng trong nhiều năm. Doanh nghiệp đang chịu tổn hại thu nhập, Lefaso không thể dự báo sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp không còn tồn tại.
Theo đánh giá mới nhất của Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu dịch kéo dài đến hết tháng Tư, có 49,2% doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động; 31,9% cắt giảm qui mô sản xuất; 18,1% tạm dừng hoạt động và 0,8% có khả năng phá sản. Nhưng nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6, tháng 9 hoặc hết năm nay, tỷ lệ phá sản sẽ lần lượt là 6,1%, 19,3% và 39,3%.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng, tình hình cực kỳ nghiêm trọng và đó là lý do Chỉ thị 11 của Chính phủ được ban hành rất nhanh, hành động của Ngân hàng Nhà nước và một số bộ ngành cũng khá kịp thời.
“Việt Nam phụ thuộc vào chống dịch bệnh và phản ứng chính sách”, TS. Thành nói. Nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc hết quý 2, phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”. Nếu bệnh dịch kéo dài hơn, đến quý 3 hoặc hết năm 2020, Chính phủ cần tính tới các biện pháp thiệp mạnh mẽ hơn mang tính “giải cứu”.
Một điểm, ông Thành lưu ý, các giải pháp chính sách đưa ra cần tính đến độ trễ trong quá trình ban hành và triển khai để đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả. Các chính sách cần hướng đến việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội.
Nguyễn Hoàng