Cuộc đua bay vào vũ trụ của các tỷ phú hàng đầu thế giới

10:54 15/03/2022

Richard Branson, Jeff Bezos và Elon Musk là những tỷ phú đã quyết định dồn một lượng lớn tài sản của mình để theo đuổi giấc mơ du hành vũ trụ, tạo nên một kỷ nguyên không gian mới.

Năm 2021 được đánh giá là năm khởi sắc của ngành Khoa học vũ trụ, khi các tập đoàn lớn đã thực hiện thành công những chuyến bay tư nhân vào vũ trụ, rồi quay trở lại Trái Đất một cách an toàn. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người, toàn bộ quá trình ngồi lên cabin, bay vào vũ trụ, sau đó trở về Trái Đất, lại dễ dàng đến thế.

Ngày 11/7/2021, tỷ phú Richard Branson - nhà sáng lập Công ty hàng không vũ trụ Virgin Galactic, dù đã 70 tuổi, nhưng đã thực hiện xuất sắc chuyến bay vào vũ trụ trên phi cơ siêu thanh của riêng mình.

Chuyến bay khá ngắn ngủi, với tổng thời gian của cả quá trình bay lên và rời khỏi không gian chỉ mất khoảng 15 phút - tương đương với chuyến bay vũ trụ đầu tiên của Alan Shepard tại Mỹ vào năm 1961, nhưng đây lại đánh dấu một cột mốc quan trọng, khi vị tỷ phú người Anh là người đầu tiên bay vào vũ trụ trên phương tiện do chính mình chế tạo.

Tỷ phú Richard Branson (thứ 4 từ trái sang) đứng cùng phi hành đoàn
Tỷ phú Richard Branson (thứ 4 từ trái sang) đứng cùng phi hành đoàn.

Ngày 20/7/2021, tức chỉ 9 ngày sau khi tỷ phú Branson lập kỷ lục với chuyến bay của mình, tỷ phú Jeff Bezos cùng 3 người trong phi hành đoàn cũng bắt đầu sứ mệnh chinh phục "rìa không gian" từ bãi phóng của Công ty Blue Origin ở Texas (Mỹ).

Không phải máy bay siêu thanh, Jeff Bezos sử dụng mô hình gồm tên lửa đẩy và cabin chứa phi hành đoàn. Đây là phương thức "truyền thống" đã đưa con người đặt chân lên vũ trụ suốt 6 thập kỷ nay, kể từ ngày phi hành gia người Nga Yuri Gagarin thực hiện chuyến bay lịch sử.

Chuyến bay được diễn ra trùng với ngày kỷ niệm phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong và Edwin "Buzz" Aldrin trở thành người đầu tiên đi bộ trên mặt trăng, ngày 20/7/1969.

Đến ngày 15/9/2021, Công ty hàng không vũ trụ SpaceX của Elon Musk đã đưa một phi hành đoàn dân sự gồm 4 người lên quỹ đạo Trái đất trong cuộc hành trình kéo dài 3 ngày.

Trong vòng hơn 1 thập kỷ qua, SpaceX đã thực hiện rất nhiều lần phóng tên lửa và các chuyến bay lên không gian. Song, đây mới là chuyến du hành dân sự hoàn toàn đầu tiên lên không gian của công ty vũ trụ do Elon Musk sáng lập.

Trước đó, Bill Gates được coi là tỷ phú đầu tiên theo đuổi giấc mơ vệ tinh. Năm 1994, ông và một đồng nghiệp đã đầu tư 5 triệu USD vào Công ty Teledesic để phóng 840 vệ tinh lên quỹ đạo để cung cấp Internet cho thế giới. Tuy nhiên, việc phóng vệ tinh được dời từ năm 2001 sang năm 2004 và số lượng vệ tinh giảm xuống còn 300. Dù kế hoạch của Teledesic không biến thành hiện thực vì họ phá sản năm 2002 nhưng nó cho thấy tiềm năng của những dự án liên quan đến không gian.

Thành công ban đầu của những dự án của Elon Musk, Jeff Bezos và Richard Branson đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tư nhân. Theo CNBC, khoản đầu tư vào các startup về không gian đã tăng gần gấp đôi từ năm 2018 đến năm 2019. Năm ngoái, các công ty vũ trụ đã huy động được số tiền kỷ lục 14,5 tỷ USD.

Cuộc chiến giữa cách tỷ phú ngành hàng không vuc trụ
Cuộc chiến giữa cách tỷ phú ngành hàng không vũ trụ.

Elon Musk và Jeff Bezos là những tỷ phú đang điều hành những công ty giá trị nhất thế giới từ trước đến nay. Không chỉ thay nhau giữ vị trí người giàu nhất hành tinh, họ còn cạnh tranh nhau trong cuộc đua vào không gian.

Trong khi SpaceX rầm rộ với các dự án tên lửa đẩy Falcon, Blue Origin hoạt động lặng lẽ đến khoảng năm 2003 và chỉ nổi lên năm 2015 khi bắt đầu thử nghiệm tàu vũ trụ New Shepard.

Năm 2012, SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên phóng tàu vũ trụ chở hàng lên Trạm không gian quốc tế (ISS). Năm 2020 trở thành dấu mốc quan trọng khi SpaceX giúp Mỹ chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga trong các chuyến bay có người lái lên ISS.

Cùng năm, SpaceX giành được hợp đồng 10 tỉ USD để chế tạo tàu vũ trụ phục vụ dự án có tên Chương trình Artemis nhằm đưa người Mỹ trở lại Mặt trăng năm 2024.

Công ty của tỉ phú Bezos quyết không để SpaceX độc chiếm các hợp đồng trong chương trình Artemis và đã đệ đơn kiện lên một ủy ban của Chính phủ Mỹ vào tháng 4-2021. Blue Origin cũng vận động hành lang mạnh mẽ, lập luận với các nhà lập pháp rằng để bảo đảm an toàn của phi hành gia và lợi ích tốt nhất cho nước Mỹ, việc chế tạo tàu đổ bộ Mặt trăng nên được giao cho ít nhất 2 doanh nghiệp.

Tại sự kiện Code Conference vào tháng 9 năm ngoái, Elon Musk đã phản ứng mạnh mẽ trước đơn kiện đến từ Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos. Ông nói với nhà báo Kara Swisher rằng “bạn không thể chinh phục Mặt Trăng bằng cách kiện cáo”.

Elon Musk có lý do riêng khi chỉ trích Blue Origin và Jeff Bezos. Musk chia sẻ với nhà báo Swisher rằng, ông tin Bezos nên “dồn nhiều sức lực hơn vào quỹ đạo, hơn là các vụ kiện” để chứng tỏ sự yêu thích với lĩnh vực này.

Con đường lập nghiệp của Musk và Bezos khá tương tự, cả 2 đều thành công tạo nên cuộc cách mạng ngành bằng các sản phẩm mang tính cách mạng. Cả Musk và Bezos đều có tầm nhìn xa, niềm tin mãnh liệt vào thứ họ làm bất chấp những lời chỉ trích hay thua lỗ ngắn hạn, tất cả vì một tương lai thành công trong dài hạn.

(t/h)