Thông tin từ UBND tỉnh Gia Lai cho biết, ngày 12/6, Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Đỗ Tiến Đông đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 146 triệu đồng đối với Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Trung (có địa chỉ tại Phố 9, phường Đông Thành, TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình).
Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai quyết định xử phạt 90 triệu đồng kèm hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoáng sản (1.120m3 đất san lấp) được quy đổi bằng tiền là 56 triệu đồng. Tổng số tiền phạt vi phạm là 146 triệu đồng.
Đồng thời, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Công ty thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn. Thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.
Trước đó vào lúc 16h ngày 24/4 tại thôn Thống Nhất (xã Ia Ga, huyện Chư Prông), Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Trung đã vi phạm về khai thác khoáng sản (đất san lấp) làm vật liệu xây dựng thông thường mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện là 1.120m3 đất.
Vị trí khai thác đất nằm cách trụ sở UBND xã Ia Ga khoảng 500m. Các xe tải chở đất đến điểm là công trình thi công TL 665 (Gia Lai).
Được biết, Dự án "Nâng cấp hạ tầng đường bộ - Nâng cấp, sửa chữa và cải tạo đường TL 665" thuộc hợp phần 1 của Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, vay vốn ADB - Tiểu dự án tỉnh Gia Lai do Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai làm chủ đầu tư.
Công trình xây dựng trên địa bàn huyện biên giới Chư Prông, Gia Lai với chiều dài hơn 65km (điểm đầu xã Ia Băng, giáp QL14 đi qua 6 xã, và điểm cuối gần Đồn Biên phòng Ia Mơr). Giá trị dự toán xây dựng công trình gần 460 tỷ đồng.
Theo quy định của Điều 64 Luật Khoáng sản 2010, việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải được đăng ký và cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, trừ trường hợp chủ đầu tư khai thác tại diện tích dự án và sử dụng cho chính dự án đó. Trong mọi trường hợp, tổ chức khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Tại Phụ lục I đính kèm Nghị định 67/2019/NĐ-CP quy định nhóm khoản sản vật liệu thông thường gồm: Cát, sỏi, sạn lòng sông, suối, bãi bồi; sét gạch ngói; các loại vật liệu xây dựng thông thường còn lại (trừ nguyên liệu sản xuất cát nghiền).
Thành phần của đất san lấp thông thường không thể thiếu cát, đá trầm tích và các loại sét nên được xác định là Khoán sản làm vật liệu thông thường. Ngày 19/01/2020, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng có ý kiến khẳng định rõ nội dung này và được hiểu là đương nhiên, không cần thủ tục giám định thành phần lý hóa của đất.
Hiện nay, khi dự án có hạng mục san lấp mặt bằng, các Chủ đầu tư dự án sẽ bị Cơ quan Nhà nước truy hỏi nguồn gốc đất san lấp và trách nhiệm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường.
Phương Ngân