Cộng hòa Liên bang Đức – Chống dịch kiên cường như một chiến binh

23:05 14/11/2021

Phản ứng Covid-19 của Đức từng được coi là hình mẫu tại châu Âu, một thước đo của sự may mắn cũng như vị thế khởi đầu vững chắc. Không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh sớm như nhiều quốc gia láng giềng gồm Ý và Tây Ban Nha, các nỗ lực ngăn chặn nhanh chóng mà Đức thực hiện như xét nghiệm rộng rãi, truyền thông công khai đã nhận được sự ủng hộ đông đảo của công chúng trong năm Covid đầu tiên.

Từng là hình mẫu lý tưởng

Một năm trước, Đức được ca ngợi hết lời nhờ phản ứng nhanh nhạy với Covid-19. Trong làn sóng đầu tiên của đại dịch, tờ Daily Telegraph đã đăng bài trên trang nhất với tiêu đề: “Virus Corona: Nhờ đâu nước Đức đi đúng hướng?”. Ngay cả New Zealand xa xôi cũng lên bài tán thưởng Đức và bà Angela Merkel trong vô số những câu chuyện vượt “bão Covid” thành công. Chỉ trong thời gian ngắn, mọi quốc gia lấy Đức làm tiêu chuẩn, tin tưởng vào những sản phẩm “Made in Germany” cũng như chờ đợi vắc xin do nước này sản xuất. Tuy nhiên, bước sang những đợt dịch kế tiếp, Đức dần mất phong độ, như tờ Financial Times đã viết vào đầu tháng 3 năm nay: “Đức mất ngôi vương chống Covid khi chiến dịch vắc xin bị đình trệ. Do nước này vốn nổi tiếng với công nghệ cao và năng lực vượt trội, dẫn đến tình trạng tiêm chủng thất bại nhanh chóng trở thành nỗi xấu hổ trên toàn quốc”.

Nhìn lại quãng thời gian chống dịch huy hoàng của cường quốc lâu đời với bốn giai đoạn: Ngăn ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Từ khi khai sinh lập địa, nước Đức chú trọng đến tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại bậc nhất, các tổ chức khoa học chuyên nghiệp đóng góp vào tiến bộ trên thế giới. Chiến lược chính của Đức không phải là triệt bỏ Covid-19 mà chính những quy trình chống dịch làm tạo cơ sở đối phó với đợt bùng phát. 

Mô hình chống Covid-19 của Đức từng rất lý tưởng.
Mô hình chống Covid-19 của Đức từng rất lý tưởng (Ảnh: Bildagentur)

Cơ quan y tế địa phương, Viện Robert Koch (RKI), Viện Y tế Công cộng cùng các tổ chức khoa học đã tạo ra bộ dữ liệu phân tích nhằm thông báo phản ứng cho đất nước. Một trong những chẩn đoán Covid-19 đầu tiên được phát triển tại bệnh viện Charitté ở Berlin và chính phủ đã nỗ lực huy động các phòng thí nghiệm công và tư nhanh chóng mở rộng năng lực xét nghiệm. Đức trở thành quốc gia tiên phong trong thử nghiệm phản ứng chuỗi polymerase PRC – điểm nổi bật trong chiến lược sau này.

Đức có nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới và chi tiêu khoảng 11% tổng GDP cho chăm sóc sức khỏe, tương đương 5119 đô la chi tiêu bình quân đầu người mỗi năm. Nhờ vậy, năng lực hệ thống y tế tại đây được đánh giá rất cao. Trong Liên minh châu Âu, Đức có nhiều giường bệnh nhất và mạng lưới phòng thí nghiệm dày đặc với gần 200 đơn vị có khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2. Sau cùng, tất cả các nỗ lực trên đã được đền đáp. Tính đến ngày 15/4/2020, khi các trường hợp mắc mới được báo cáo mỗi ngày thuyên giảm xuống còn khoảng 2000 trường hợp so với đỉnh dịch hồi tháng 3 là 6000 ca, chính phủ bắt đầu công bố nới lỏng dần các biện pháp giãn cách. Đến tháng 5, nước Đức chính thức vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhất của đợt bùng phát. Không nghi ngờ gì nữa, Đức đã thành công hạn chế mức độ bùng dịch từ rất sớm nhưng câu hỏi đặt ra liệu nước này có thể ngăn chặn làn sóng lây nhiễm lần thứ hai hay không?

Khi đoàn tàu trật bánh...

“Những sai lầm lặp đi lặp lại của chính phủ Đức đã xóa tan mọi kỳ vọng về năng lực vượt trội của nước này”, nhận định trên của tờ El Paris chính là đáp án cho câu hỏi phía trên. Tốc độ lây nhiễm tăng theo cấp số nhân lấn át nỗ lực theo dõi vi rút, triển khai vắc xin chậm chạp cùng quy định “chắp vá” đã khiến toàn quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn. Severin Opel, một cư dân tại thủ đô đã phải đợi vài ngày để đăng ký cuộc hẹn làm xét nghiệm nhanh. Anh than thở: “Các thủ tục giấy tờ đang cản trở nỗ lực chống dịch. Có quá nhiều các chi tiết vụn vặt kéo dài thời gian, nhưng điều khiến tôi bực nhất là các hướng dẫn hoàn toàn mâu thuẫn với nhau”.

Số ca nhiễm và tử vong của Đức tính theo ngày từ 27/1/2020 – 11/11/2021
Số ca nhiễm và tử vong của Đức tính theo ngày từ 27/1/2020 – 11/11/2021. (Ảnh: Đại học John Hopkins/Our World In Data)

Trước đó, bà Merkel từng là người hùng khi chèo lái nước Đức vượt qua cơn khốn đốn đầu tiên. Vào thời điểm bấy giờ, đa số người Đức đều cho rằng bà là nhà lãnh đạo phù hợp trong thời kỳ đại dịch. Xuất thân là một nhà khoa học, Merkel cung cấp các bản hướng dẫn cho công chúng và thường xuyên tham khảo ý kiến chuyên gia. Ấy vậy mà, giờ đây, chính bà Merkel đã phải thừa nhận một bước đi sai lầm. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi trên truyền hình hồi tháng 3/2021, nhà lãnh đạo lên tiếng: “Có lẽ người Đức như chúng tôi đôi khi đã quá cầu toàn. Chúng tôi luôn muốn làm mọi thứ đúng đắn bởi ở xã hội này, ai mắc lỗi sẽ bị công khai. Nhưng trong trận đại dịch, cần có sự linh hoạt và người Đức cần học cách ‘buông bỏ’”. Josh Dahmen, bác sĩ tuyến đầu kiêm người phát ngôn y tế của Đảng Xanh vốn gần gũi với phe Bảo Thủ của bà Merkel cũng chỉ ra cách tiếp cận thận trọng quá mức của chính phủ thực sự rất liều lĩnh. Dahmen chia sẻ: “Một chiến lược không có rủi ro sẽ chẳng thể nào tồn tại. Chờ đợi kế hoạch hoàn hảo sẽ dẫn đến thất bại, đặc biệt là khi đối phó với loại vi rút đang biến đổi cực kỳ nhanh chóng”. Tuy nhiên, phong cách lãnh đạo của bà Merkel chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, nguyên nhân bên trong xuất phát từ thiếu đồng nhất về quy định hạn chế chống dịch giữa các bang và những thỏa thuận như vậy chỉ mang tính nguyên tắc, rất ít nơi thực hiện một cách nghiêm ngặt.

Đôi khi quá cầu toàn cũng không phải là cách
Đôi khi quá cầu toàn cũng không phải là cách.

Niềm tin công chúng thay đổi dần theo thời gian và diễn biến dịch bệnh

Tập trung vào các chính sách rất quan trọng nhưng đóng vai trò ảnh hưởng sâu rộng không kém là những hệ quả chính trị và xã hội. Công chúng có ủng hộ các chính sách nghiêm ngặt hay không? Những hệ quả chính trị và xã hội, tâm lý phát triển ra sao? Làm thế nào để đưa ra chính sách phù hợp trong một quốc gia dân chủ. Hệ quả bắt nguồn từ sự mong đợi của công chúng: Càng nhiều người ủng hộ thì càng có nhiều người tuân thủ chính sách. Nghiên cứu “Các chính sách COVID-19 ở Đức và các hậu quả xã hội, chính trị và tâm lý” sẽ tập trung vào phản ứng của công chúng đối với chiến lược quốc gia trong sáu tuần đầu tiên, từ đó đúc kết thái độ và nhận thức rủi ro của người dân Đức.

Thứ nhất, công chúng có ủng hộ biện pháp chống dịch nghiêm ngặt không và sự ủng hộ này thay đổi như thế nào? Kế đến, nghiên cứu xem xét hậu quả tâm lý từ việc hạn chế và đóng cửa trong đại dịch, đo lường mức độ người dân cảm thấy bị đe dọa. Trên thực tế, cảm giác bị đe dọa đóng vai trò hình thành thái độ và hành vi. Nếu nhận thức về mối đe dọa quá thấp, người dân có thể không ủng hộ chính sách hoặc không tuân thủ. Mặt khác, nhận thức đe dọa quá mạnh mẽ có thể làm suy yếu niềm tin vào cuộc sống khiến người dân không dám ra khỏi nhà. Kết quả nghiên cứu cho thấy, niềm tin của công chúng vào chính phủ thay đổi dần theo thời gian và diễn biến dịch bệnh.

Niềm tin công chúng phản ánh thông qua đánh giá chính sách phòng dịch.
Niềm tin công chúng phản ánh thông qua đánh giá chính sách phòng dịch.. (Ảnh: Mannheimer Corona Survey.)
Đánh giá qua từng chính sách cụ thể
Đánh giá qua từng chính sách cụ thể. (Ảnh: Mannheimer Corona Survey)
Đo lường nỗi sợ của người dân trước sự xuất hiện của Covid-19
Đo lường nỗi sợ của người dân trước sự xuất hiện của Covid-19. (Ảnh: Mannheimer Corona Survey)

Các tác giả đã tiến hành đo lường dựa trên bảng hỏi, trong đó thang điểm 7 có nghĩa là số đông dân số cho rằng lợi ích xã hội lớn hơn chi phí kinh tế. Trong giai đoạn đầu quan sát, ở đỉnh dịch đầu tiên và thời gian ngắn sau khi các biện pháp cấm vận được đặt ra, công chúng đánh giá các chính sách khá tích cực và nhìn chung ủng hộ lợi ích xã hội. Đánh giá này vẫn ổn định trong hai tuần đầu tiên nhưng sau đó bắt đầu giảm dần vào đầu tháng 4 và tiếp tục suy thoái cho đến đầu tháng 5. Vào cuối thời kỳ quan sát, đánh giá giảm xuống dưới 4 trên thang điểm 7 do khoảng 50% dân số Đức cảm thấy biện pháp đóng cửa để lại nhiều hậu quả tiêu cực hơn là tích cực.

Có thể thấy, hầu hết các chính sách đều nhận được đồng thuận trong những tuần đầu tiên đóng cửa. Hơn 90% ủng hộ dừng hoạt động các cơ sở công cộng như trường học, đóng cửa biên giới và cấm tụ tập đông người. Thế nhưng, công chúng bỗng chỉ trích nhiều hơn khi chính phủ theo dõi điện thoại di động của những người nhiễm bệnh mà không có sự đồng ý. Theo thời gian, nhận thức về các chi phí kinh tế đã vượt lên trên sự nghiệp chống dịch toàn xã hội, làm suy giảm sự ủng hộ đối với tất cả các chính sách. Một cách chung nhất, hai nhận định hạ thấp cảm giác bị đe dọa và tăng nhận thức rủi ro có thể lý giải tại sao công chúng dần mất niềm tin vào chính phủ và các biện pháp bảo vệ. Bên cạnh đó, nhiều phân tích bổ sung cho thấy mối tương quan cũng tồn tại ở cấp độ cá nhân bởi khi một ai đó cảm thấy mối de dọa càng cao, họ càng có xu hướng đồng thuận với chính sách nghiêm ngặt và đánh giá tổng thể về lợi ích chống dịch xã hội càng tích cực hơn.

Tiến trình tiêm chủng còn thiếu sót

Theo số liệu do Statista công bố ngày 3/11/2021, Đức đã tiêm 113,348,563 lượt vắc xin kể từ khi bắt đầu chiến lịch vào cuối tháng 12/2020, người dân được tiêm vắc xin miễn phí và tự nguyện. Bất chấp nhiều bất cập nêu trên, chiến dịch tiêm chủng của nước này mang lại hiệu quả nhất định. Theo một nghiên cứu được công bố bởi RKI, chiến dịch tiêm chủng hàng loạt đã ngăn chặn hàng nghìn ca tử vong. Cụ thể, số lượt tiêm chủng trong làn sóng đại dịch lần thứ ba đã giảm được 38 nghìn cái chết, hơn 706 nghìn trường hợp lây nhiễm mới, hơn 76 nghìn bệnh nhân phải nhập viện và giúp 20 nghìn người không chuyển biến nặng phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt. RKI đồng thời phát hiện ra rằng tiêm chủng mang lại hiệu quả chống dịch cao và “mở lối thoát khỏi đại dịch”. Bộ trưởng Y tế, Jens Spahn cho biết hơn 45 triệu người Đức đã tiêm đầy đủ hai mũi và 51,6 triệu người tiêm ít nhất một liều. Dù không bắt buộc mỗi công nhân đều phải tiêm vắc xin nhưng phía nhà nước vận động tiêm chủng diện rộng vì lợi ích chung. bộ trưởng Spahn từng kêu gọi: “Tiêm vắc xin là quyết định cá nhân nhưng cũng ảnh hưởng đến tất cả chúng ta với tư cách là một cộng đồng. Mỗi cá nhân sẽ quyết định xã hội vượt qua dịch bệnh trong mùa thu và mùa đông tới như thế nào”.

Số lượng vắc xin được triển khai (Đường màu xanh thể hiện mũi 1; đường màu đen thể hiện mũi 2; đường màu xám thể hiện mũi tăng cường)
Số lượng vắc xin được triển khai (Đường màu xanh thể hiện mũi 1; đường màu đen thể hiện mũi 2; đường màu xám thể hiện mũi tăng cường). (Ảnh: Statista)

Cũng như nhiều quốc gia khác ở châu Âu, nước Đức hùng mạnh không tránh khỏi làn sóng phản đối tiêm vắc xin. Nếu như tại Pháp và Ý yêu cầu người dân chứng minh đã tiêm phòng hoặc đã khỏi bệnh để ra vào các không gian công cộng, ở Đức, những người theo phong trào Querdenker xuống đường chống lại các biện pháp hạn chế và vắc xin. Tình hình buộc các bộ trưởng y tế liên bang và tiểu bang tính đến cung cấp tiêm chủng tăng cường cho tất cả các nhóm tuổi. Theo Spahn, đây là một “tín hiệu quan trọng” bởi đất nước cần tăng tốc độ triển khai. Bất kỳ ai đã hoàn thành tiêm lần hai cách đó sáu tháng đều có thể tiêm nhắc lại. Đặc biệt, người lớn tuổi, người có bệnh nề, nhân viên y tế và điều dưỡng là đối tượng được ưu tiên. Không dừng lại ở đây, quy tắc 3-G tiêm chủng, phục hồi, xét nghiệm cũng được đưa vào áp dụng tại nhiều khu vực, thậm chí trở thành tấm vé thông hành để tham dự các sự kiện hay ra vào không gian kín. Tuy nhiên, Đức vẫn cần thống nhất trong việc thực hiện quy tắc và kiểm soát chặt chẽ hơn.

Kinh tế doanh nghiệp cần duy trì hỗ trợ

Đại dịch Covid-19 đã gây ra mức sụt giảm sản lượng kinh tế đi vào lịch sử nước Đức. Cuối tháng 7/2020, Văn phòng Thống kê Liên bang đã ghi nhận mức giảm chưa từng có 10,1% trong tổng GDP quý II. Tuy nhiên, kinh tế dần khởi sắc trở lại vào tháng 5 sau khi nới lỏng các hạn chế. Các biện pháp chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, chẳng hạn như gói kích thích kinh tế được chính phủ thông qua trị giá 130 tỷ euro đã hỗ trợ thêm cho nền kinh tế nước nhà. Khu vực công nghiệp sản xuất và bán hàng trở lại trong tháng 5 và tháng 6 nhưng công suất chỉ hơn 87% so với quý IV năm 2019. Khu vực dịch vụ cũng ghi nhận phục hồi trong bối cảnh tình hình phát triển khá thuận lợi. Giới chuyên gia chỉ ra trong quý III, GDP sẽ tăng mạnh, mặc dù vậy, sự phát triển của nền kinh tế Đức sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến đại dịch trong và ngoài nước.

Nhìn chung, nền kinh tế Đức về cơ bản đã vượt qua giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 một phần nhờ vào gói viện trợ quy mô khủng như đã đề cập phía trên nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ, sa thải hàng loạt và gia tăng nghèo đói. Nhà nước xây dựng “lá chắn” bảo vệ nhân viên, người làm việc tự do và các doanh nghiệp bao gồm nhiều biện pháp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ khủng hoảng, hỗ trợ nhanh chóng và rộng rãi cho các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân kinh doanh tự do, nâng cao năng lực hồi phục của nền kinh tế thực.

Nhằm giảm thiểu hậu quả kinh tế do khoảng 29.000 doanh nghiệp vỡ nợ gây ra, Đức đã thực hiện một số thay đổi luật, bao gồm đình chỉ nghĩa vụ nộp đơn xin phá sản, nới lỏng các quy định pháp luật cấm một số khoản thanh toán giúp nhà quản lý doanh nghiệp có thêm thời gian để duy trì hoạt động kinh doanh, tái cấu trúc. Các nhà khoa học dự đoán về một đợt lây nhiễm thứ hai có thể xảy ra vào mùa thu đông trong bối cảnh nhiều chương trình kinh tế của Đức sắp hết hạn. Quy mô can thiệp ban đầu của chính phủ Đức đã đặt ra câu hỏi về liệu những kích thích kinh tế có còn khả dụng hoặc có được tận dụng triệt để khả năng trong đợt đầu tiên hay chưa. Bộ phận mỏng manh nhất của nền kinh tế là khu vực doanh nghiệp có thể cần đến các biện pháp ổn định mạnh mẽ hơn dưới hình thức tài trợ nhà nước.

Theo đánh giá kinh tế mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Đức cần ưu tiên đặt nền kinh tế trên con đường phục hồi bền vững bằng cách đảm bảo các doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh. Nhìn xa hơn trong ngắn hạn, nước Đức cần chuẩn bị “xây dựng tốt hơn cho tương lai” thông qua hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế xanh hơn, thông minh hơn.

Cho đến nay, Đức đã tương đối thành công trong kiểm soát đại dịch nhưng cú sốc kinh tế vẫn còn hằn sâu. Phản ứng sớm và quyết liệt bảo vệ sức khỏe người dân giúp giữ tỷ lệ tử vong thấp nhất châu Âu nhưng mặt khác gây ra sụt giảm đáng kể trong hoạt động kinh doanh. Chính sách tài khóa cần được tiếp tục cho đến khi chắc chắn phục hồi bền vững. Ngoài tăng quy mô chi tiêu cho y tế, các biện pháp hỗ trợ quan trọng hướng đến hộ gia đình và doanh nghiệp thông qua chương trình mở rộng việc làm, kéo dài thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, cung cấp thanh khoản cho công ty và bảo lãnh khoản vay cũng là những giải pháp tình thế hiệu quả. Một gói kích cầu hồi tháng 6 tập trung vào thúc đẩy nhu cầu trong nước thông qua giảm thuế giá trị gia tăng tạm thời, hậu thuẫn doanh nghiệp nhỏ và tăng chi tiêu công cho đầu tư xanh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, loại bỏ dần hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian phục hồi đòi hỏi cân nhắc kỹ lưỡng. Cho đến nay, tỷ lệ phá sản doanh nghiệp không tăng nhưng không loại trừ khả năng diễn biến xấu đi khi hết hỗ trợ. Chính phủ cần đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ bằng cách tiếp tục ủng hộ doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty đóng vai trò then chốt đối với vận hành nền kinh tế.

TL