Ông Nguyễn Kim Hùng – Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam
Có một số quan điểm nhìn nhận đối với doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như: “Doanh nghiệp Việt Nam không lớn được, doanh nghiệp Việt Nam khó lớn và doanh nghiệp Việt Nam không chịu lớn”, hẳn chúng ta sẽ không thấy vui về những điều này?
Ông Nguyễn Kim Hùng: Trong một đất nước đi lên từ chiến tranh, từ nông nghiệp lạc hậu, trước năm 1945 chúng ta vẫn còn làm thế nào để chống đói và chống dốt, có được thành quả như bây giờ đã là một kì tích lớn.
Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị TW5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) khẳng định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Với mục tiêu đến năm 2035 đưa Việt Nam thành một quốc gia lớn mạnh - một “Việt Nam hùng cường” để chào mừng 100 năm nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam ra đời (năm 2045) . Một đất nước hùng cường “phải” có nhiều doanh nghiệp hùng mạnh, muốn có hệ thống doanh nghiệp hùng mạnh, phải có 1 môi trường thật sự bình đẳng để các thành phần kinh tế được “đối xử” một cách công bằng, tránh như tình trạng hiện tại.
Chủ tịch Kim Nam Group Nguyễn Kim Hùng đón tiếp và làm việc với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công thương
Doanh nghiệp tư nhân có thể chia thành 2,3 loại khác nhau. Loại doanh nghiệp sinh ra để thực hiện một sứ mệnh ngắn hạn nào đó rồi kết thúc, đây còn có thể gọi là “doanh nghiệp sân sau”, loại doanh nghiệp này tồn tại rất nhiều. Doanh thu của họ có thể đến 3000 tỷ/năm, thậm chí là còn nhiều hơn nhưng hết thời kỳ là sẽ kết thúc luôn. Như vậy đối với loại doanh nghiệp này chúng ta sẽ không thể chờ đợi được là nó sẽ trở thành một đế chế được. Bởi khi sinh ra, nó đã biết trước được ngày kết thúc sứ mệnh. Những doanh nghiệp này có những đặc quyền riêng và thật khó để cạnh tranh với họ, cũng thật khó để xóa đi sự tồn tại của nó. Vì vậy nên có những chính sách khuyến khích họ (người đứng đầu) tiếp tục ở lại cuộc chơi để, lúc đó có đủ nguồn lực (đã có thời gian tích lũy tư bản lớn trong thời gian ngắn) đủ lớn để phát triển sự nghiệp kinh doanh nghiêm túc, nhanh đóng góp nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Loại thứ hai là số lượng lớn doanh nghiệp được cổ phần hóa từ các doanh nghiệp nhà nước, có nhiều nguồn lực, nhưng những người sở hữu doanh nghiệp đấy thường lại là lãnh đạo các công ty trước cổ phần hóa. Họ cơ bản là những người ở thế hệ cũ, tư duy cũ, thế hệ của doanh nhân cũ, không dám mạo hiểm để bảo toàn tài sản của họ, đôi khi thật sự họ không muốn lớn là có thật.
Loại doanh nghiệp thứ ba, chính là doanh nghiệp tư nhân đích thực, đó là những doanh nghiệp đầy ước mơ, đầy hoài bão, doanh nhân tự thân lập nghiệp, tầng lớp này chính là tầng lớp dám nghĩ dám làm và dám thách đấu, hy sinh với chính bản thân mình. Họ có trong mình khát vọng để trở thành doanh nhân giá trị, những lại thiếu và yếu đủ thứ, muốn làm bài bản cũng khó làm nổi, bởi vì chủ yếu đi lên từ nghề (kỹ sư , bác sỹ, công nhân,..) làm doanh nghiệp; không có kiến thức quản trị doanh nghiệp, không có khả năng về quản trị nhân sự, không huy động được nguồn vốn, không biết làm thế nào là hợp tác dài lâu với cổ đông, vì thế khi mà lớn lên sẽ dễ bị đứt - gãy, phần lớn trên 90% là chết trước sinh nhật lần thứ 6.
Một điều rất kì lạ, không có một trường nào ở Việt Nam dạy bài bản, tổng thể về làm chủ doanh nghiệp, và cũng chẳng có trường nào dạy họ kinh doanh về tiền, dạy họ tiền là gì và họ cần phải sử dụng tiền thế nào, tạo giá trị gia tăng ra làm sao, mọi người thường né tránh câu chuyện như thế.
Những doanh nghiệp - doanh nhân này hơn bao giờ hết cần được hỗ trợ, được bảo vệ (trong lúc còn non trẻ) và cần một môi trường bình đẳng, an toàn để thoải mái sáng tạo, phát huy hết tiềm năng về con người, tạo ra nhiều sản phẩm, giải pháp rất giá trị và đột phá cho nền kinh tế.
Hãy cho chúng tôi một cơ hội thực sự, tôi tin thế hệ doanh nhân hiện tại và tương lai sẽ đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng cường trước mục tiêu 2035”. Ông Nguyễn Kim Hùng – Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam
Ông Nguyễn Kim Hùng tại khóa học Chìa khóa tài chính Doanh nghiệp
Vậy thì tôi có nhớ đến chi tiết đó là: đất nước Nhật, người dân Nhật tự hào có đội ngũ doanh nhân đầy dũng mãnh. Nếu nói như ông thì dường như giới doanh nhân của chúng ta còn thiếu sự dũng mãnh trên tất cả các nghĩa?
Ông Nguyễn Kim Hùng: Điều này có 2 cách nhìn khác nhau. Trong góc nhìn nội sinh của doanh nhân thì họ rất mong muốn cống hiến và họ cũng sẵn sàng đương đầu với thử thách. Ví dụ tỷ phú Phạm Nhật Vượng chẳng hạn, cũng đã minh chứng được là họ rất mạnh mẽ, đầy lòng tự hào, tự tôn của doanh nhân muốn khẳng định không chỉ ở lãnh thổ Việt Nam. Rồi rất nhiều các doanh nhân trẻ hiện bây giờ họ cũng làm về công nghệ 4.0, những chương trình về phát triển doanh nghiệp số, họ cũng rất sáng tạo, rất quyết liệt và không chỉ kinh doanh ở Việt Nam mà ngay từ lúc khởi nghiệp đã có tư duy kinh doanh toàn cầu với nhiều mô hình kinh doanh đột phá táo bạo (fintech,..). Nếu ở góc nhìn đó thì chỉ thiếu một điều là làm thế nào để đưa nội lực đấy, khát vọng đấy biến nó trở thành một vũ khí mạnh mẽ của đất nước để thúc đẩy một cách có chiều sâu hơn nữa là vài chục năm tới có thể Việt Nam cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp/doanh nhân có phạm vi ảnh hưởng toàn cầu.
Doanh nhân là chủ doanh nghiệp mà doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế thì hiện lại đang thiếu cơ chế chính sách một cách có hoạch định, bài bản để giúp cho đội ngũ tự tin phát triển sự nghiệp kinh doanh của mình. Chính sách cho doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ dừng lại ở hành lang pháp lý, là những đường dẫn, mà còn nằm ở cả sự tôn vinh ghi nhận sự đóng góp của họ. Việt Nam có nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, có hàm tướng, hàm tá,... nhưng với doanh nhân hiện tại chỉ cũng chỉ được ghi nhận trên bằng khen, giấy khen, cúp dành cho doanh nhân như hiện nay đã xứng tầm với sự cống hiến của họ chưa? Nên chăng cần có môt bộ tiêu chuẩn doanh nhân, doanh nghiệp để “phong tặng” một chức danh gì đó, hoặc là một “brand name” gì đó đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế để đưa hào khí doanh nhân, đưa nền kinh tế đi lên một cách quyết liệt, mạnh mẽ.
Còn ở một góc nhìn khác thì hiện tại Việt Nam chưa rõ ràng giữa doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Rất nhiều các chính sách ưu đãi, thậm chí trải thảm đỏ cho FDI nhưng lại chưa có nhiều thảm đỏ cho doanh nghiệp tư nhân trong nước. Rồi doanh nghiệp nhà nước cũng vậy, có những lợi thế từ ngày xưa đến giờ, từ đất đai, chính sách, tín dụng. Họ có đủ mọi thứ, họ là những cơ quan quản lý nhà nước, họ có những thông tin rất chính thống, đấy chính là những vũ khí để phát triển kinh doanh. Trong khi doanh nghiệp tư nhân, mặc dù đã có Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa,.. nhưng thật sự chưa đủ mạnh, chưa đủ rõ ràng để thật sự giúp họ cạnh tranh. Đó vô hình dung tạo ra cuộc cạnh tranh không sòng phẳng, không lành mạnh giữa các khối doanh nghiệp với nhau ngay trên cùng lãnh thổ Việt Nam.
Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Verco và Litado diễn ra vào ngày 29/9 tại Hà Nội
Như ông đã nói, hầu hết các doanh nghiệp khi gia nhập thị trường đều không hiểu về vận hành dòng tiền. Vậy ông có thể khái quát hóa và dẫn dụ những câu chuyện về điều kì diệu của dòng tiền, điều kì diệu của những CEO biết quản trị, biết tận dụng sự biến ảo của dòng tiền để tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Kim Hùng: Huyết mạch của nền kinh tế vẫn là lưu thông tiền tệ. Chúng ta nhìn lịch sử từ xưa tới giờ, những quốc gia thành công nhất trong lưu thông tiền tệ chính có thể kể tới Vương quốc Anh. Họ không có nhiều ngành công nghiệp nặng sản xuất ra các trang thiết bị công nghiệp nổi tiếng trên toàn cầu như Đức, nhưng họ vẫn là một trong nước cường quốc về tài chính. Bắt đầu từ sáng kiến quy luật tiền tệ ngày đêm. Thế giới thì có bên này ngủ bên kia thức, vậy thì nếu như có một công thức nào để dồn toàn bộ dòng tiền cho bên thức ban ngày thì nó sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho bên ngủ. Đấy chính là câu chuyện mà chúng ta nhìn như một minh chứng sống trong ngành tài chính về lưu thông tiền tệ dáng để nghiên cứu và học hỏi. Vì khả năng đó cũng giúp người Anh cũng là một trong những người khai phá và xây dựng ra nhiều quốc gia hùng mạnh về tài chính như Mỹ, Úc,…
Còn ở Việt Nam thì sao?
Ông Nguyễn Kim Hùng: Quay trở lại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chính là cái nôi chi phối và điều tiết dòng tiền của nền kinh tế. Với sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước, đã giúp chúng ta điều tiết và xây dựng được quy mô nền kinh tế từ quy mô rất nhỏ để GDP 265 tỷ USD. Tuy nhiên cơ cấu thị trường vốn và tài chính hiện tại đang phụ thuộc trên 70% vào hệ thống ngân hàng, trong khi thị trường vốn đã có nhiều bước phát triển lớn, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng của nó. Hiện chúng ta còn thiếu nhiều sản phẩm tài chính chuyên biệt, thích ứng với tình hình mới, khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới (với độ mở trên 200%), để có thể “bơm” tiền vào các thành phần kinh tế, kích thích tăng trưởng và hỗ trợ tín dụng sâu rộng hơn, bao trùm hơn với mọi thành phần kinh tế trong đó có khối doanh nghiệp tư nhân, mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm đến trên 97%).
Ông Nguyễn Kim Hùng
Cần mạnh dạn thí điểm thị trường phái sinh, thị trường cổ phiếu, trái phiếu chuyên biệt cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (gồm cả hộ kinh doanh cá thể) có thể hoạt động theo cơ chế thí điểm (SANDBOX), cấp phép cho các mô hình tài chính mới với tính linh hoạt và tiện lợi hơn nhờ áp dụng công nghệ thông tin như P2P lending, crowdfunding, … (fintech), thậm chí ngân hàng số hay mobile money. Nếu có những hành lang pháp lý kịp thời, sẽ giúp cho doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn và tối ưu hơn các nguồn vốn (dòng tiền) không chỉ giới hạn trong phạm vi trong nước và cả toàn cầu, từ đó khơi thông dòng vốn thị trường tốt hơn, đồng thời thúc đẩy phát triển và tăng trưởng nhanh hơn.
Với cú hích từ những FTA như CPTPP và EVFTA khi mà rào cản thuế quan trở về 0% trong tương lai, và chúng ta hướng đến thị trường không chỉ nội địa mà với thị trường gần 700 triệu dân khu vực ASEAN và khoảng 600 triệu dân đối với EU ngoại trừ Vương quốc Anh thì điều này sẽ kích thích tiêu dùng và đây sẽ là một cái động lực tăng trưởng kinh tế và lưu thông dòng tiền. Khi dòng tiền được lưu thông mạnh mẽ, nguồn tiền ở khắp nơi trên thế giới đổ về Việt Nam, kích thích tiêu dùng không chỉ dừng ở công dân Việt Nam ở Việt Nam (với gần 100 triệu dân thì có đến gần 63 triệu dân trong độ tuổi đi làm) mà cả công dân trên toàn cầu. Đấy là lợi thế vô cùng lớn đối với quốc gia chúng ta.
Doanh nhân và doanh nghiệp Việt nói chung, vốn dĩ được thừa hưởng sự thông minh, lanh lợi, hoạt bát, chịu thương, chịu khó, đồng cam chịu khổ và tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc rất lớn, chỉ cần có đủ môi trường, chính sách phát luật phù hợp, sẽ khơi dậy tiềm năng sẵn có mà chưa được đánh thức hết, để bứt tốc xây dựng doanh nghiệp, xây dựng đất nước phồn thịnh như những thương hiệu đã thành công như VIETTEL, VINGROUP, VIETCOMBANK, VINAMILK, TECHCOMBANK, HÒA BÌNH COP, FPT,…..
Hãy cho chúng tôi một cơ hội thực sự, tôi tin thế hệ doanh nhân hiện tại và tương lai sẽ đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng cường trước mục tiêu 2035.
Xin cảm ơn ông!
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU - CHUYÊN GIA TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG:
“Tôi đánh giá những lớp học của Chủ tịch VERCO Nguyễn Kim Hùng rất cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc tái cơ cấu cũng như sắp xếp lại bộ máy tổ chức của mình một cách bài bản, điều này rất hữu ích cho các doanh nhân trong việc điều hành một doanh nghiệp. Qua quá trình làm việc với ông Hùng, tôi thấy được ông có tâm huyết lớn cho cộng đồng doanh nhân, điều này thể hiện qua rất nhiều các khóa đào tạo của ông Hùng và qua việc ông tham gia vào Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), cũng như thể hiện qua việc ông hoạt động rất tích cực trong Tập đoàn Kim Nam. Mọi công việc mà ông tham gia điều hành đều rất tâm huyết đối với cộng đồng doanh nhân nói chung và đối với tất cả cán bộ nhân viên hoạt động ở tập đoàn Kim Nam nói riêng. Đặc biệt hơn nữa, Kim Nam là thành viên rất tích cực của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, thường xuyên tham gia các hoạt động lớn, nhỏ và cổ vũ tinh thần cho cả các thành viên khác của Hiệp hội”.
Lan Hương (thực hiện)