
Công bố nghị quyết đột phá kinh tế biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ: 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Sáng 5/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã công bố Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với chủ đề “Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững”, Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng đã diễn ra vào sáng 5/2, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã công bố Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Theo đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, với mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực.
Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định: Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển nhanh và bền vững; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường.
Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW theo nguyên tắc bám sát quan điểm, mục tiêu, đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của nghị quyết.

Bên cạnh đó, Chương trình hành động cũng nhằm thể hiện được định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Đồng thời, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng đảm bảo xây dựng và phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đạt các mục tiêu đề ra.
Để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Chính phủ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm:
Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông.
Cùng với đó là quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển toàn diện văn hoá - xã hội vùng; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng.
Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 34 nhiệm vụ cụ thể và 11 dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.
“Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của vùng, nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể; gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù sẽ là cơ sở và cơ hội cho vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045”, ông Dũng cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế biển là những nhóm nhiệm vụ trong tâm chính trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể và phổi hợp đổng bộ để tập trung phát triển các ngành kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng an ninh trên biển.
Cụ thể là chú trọng vào các ngành du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới,...
Trên cơ sở đó, đặt ra yêu cầu đối với các cấp và địa phương về việc xây dựng đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp trên địa bàn vùng.
Đó là là mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu, năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi đồng thời nghiên cứu và định hướng phát triển khai thác năng lượng hydrogen.
Khẳng định quyết tâm thực thi Chương trình hành động từ Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương trong vùng đã chia sẻ các mục tiêu và giải pháp triển khai trong phần tham luận của mình.
Tất cả đều hướng tới mục tiêu thực thi hiệu quả nghị quyết tạo đột phá kinh tế biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ theo 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà nghị quyết đã đưa ra.
Hoài Anh
Cùng chuyên mục


Tàu biển cao cấp Mein Schiff 5 (quốc tịch Malta) chở 2.191 du khách châu Âu du lịch tại Hạ Long

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái: Cần lan tỏa mô hình phát triển Bình Dương để thu hút nguồn lực, tích lũy hạ tầng

Kịp thời cảnh báo nguy cơ đối với giá cả, lạm phát để ứng phó

Nâng cấp ngành công nghiệp Việt Nam nhìn từ doanh nghiệp đa quốc gia

Ủy quyền cho địa phương cấp mã số các vùng trồng, cơ sở đóng gói
-
Đề xuất mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp là rất đáng hoan nghênh
-
Cải tổ chính sách visa tạo sức hút của điểm đến mang tầm quốc gia
-
VinaCapital: Không có ảnh hưởng của SVB và Credit Suisse đối với kinh tế Việt Nam
-
Cơ chế thúc đẩy hơn nữa các chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước
-
Tính “phiêu lưu” trong việc dùng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn dẫn đến tình trạng mất thanh khoản