Buổi họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước; báo cáo kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức diễn ra chiều ngày 1/7/2022.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, tại cuộc họp báo, Kiểm toán Nhà nước tổ chức công khai kết quả kiểm toán đối với 2 nội dung: Báo cáo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước; Báo cáo kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID -19 và các chính sách hỗ trợ”.
Việc thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ, ảnh hưởng nặng nề tới hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực. Tổng Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành kịp thời để điều chỉnh phương án tổ chức kiểm toán đảm bảo ưu tiên tối đa cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thông tin tại buổi họp báo, ông Lê Tùng Lâm - Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành III – cho biết, để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, trong 2 năm qua, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã huy động được tổng nguồn lực là 376.217 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước còn hỗ trợ các địa phương 142.017,3 tấn gạo; tổng số phân bổ, sử dụng giai đoạn 2020-2021 là 351.177 tỷ đồng. Cơ bản nguồn lực toàn xã hội (chủ đạo là nguồn lực Nhà nước) đã được phân bổ, các đơn vị quản lý, sử dụng kịp thời, phục vụ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh những nỗ lực huy động tài chính, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách như gia hạn thời gian nộp thuế, miễn, giảm lãi suất cho vay... để thiết thực hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.
Về chính sách thuế, kiểm toán đã gia hạn, giảm thu từ các gói hỗ trợ chính sách thuế năm 2020 là 111.080 tỷ đồng, năm 2021 là 72.116 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ từ lĩnh vực hải quan không thu là 201 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng 193 tỷ đồng, thuế nhập khẩu 7,9 tỷ đồng); miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng phục vụ phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp 63,3 tỷ đồng.
Về chính sách tín dụng, đến cuối năm 2021, tổng giá trị nợ lũy kế đã miễn, giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ là 91.400 tỷ đồng, trong đó tiền lãi đã miễn, giảm giữ nguyên nhóm nợ là 1.108 tỷ đồng/469.159 khách hàng, tương đương mức miễn giảm lãi bình quân 2.361.673 đồng/khách hàng; giảm lãi suất cho vay 57.724 tỷ đồng, trong đó giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 36.811 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong 2 năm phòng chống dịch COVID-19, ngoài những sai phạm, tiêu cực đã và đang được các cơ quan chức năng tập trung, quyết liệt xử lý theo quy định, qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện một số bất cập như: tồn tại nhiều tổ chức, đơn vị chi vượt định mức, sai nguồn, không đúng dự toán, không bảo đảm quy định với số tiền 30,1 tỷ đồng; chưa đủ hồ sơ quyết toán với số tiền 7,85 tỷ đồng.
Về chi phí cách ly y tế, còn tình trạng chi cách ly y tế trùng đối tượng, không đúng đối tượng, không đúng định mức, không đúng quy định; chứng từ thanh toán chưa đầy đủ theo quy định; chi trả cho các đối tượng cách ly y tế chưa kịp thời.
Kiểm toán Nhà nước thông tin thêm cho biết, nhiều địa phương chưa xây dựng giá dịch vụ xét nghiệm SAR-CoV-2 hoặc ban hành không đúng thẩm quyền, quy định của Bộ Y tế, dẫn tới chưa có cơ sở xác định giá đặt hàng từ NSNN. Có hiện tượng một số cơ sở xét nghiệm áp dụng mức thu không thống nhất, tiềm ẩn nguy cơ chỉ định sử dụng dịch vụ tùy tiện, có mức thu cao cho Bệnh viện và chi phí cao hơn cho người được xét nghiệm.
Công tác quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch còn một số vấn đề: Việc xây dựng kế hoạch tiêm chủng tại một số địa phương chưa sát thực tế, chưa ưu tiên sử dụng các lô vắc xin cận hạn; chưa bao quát đầy đủ đối tượng được ưu tiên; chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo kết quả, số lượng, hồ sơ tiêm chủng định kỳ và cập nhật số mũi tiêm lên hệ thống nền tảng quản lý tiêm chủng.
Việc tiếp nhận, sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ bằng tiền chưa đầy đủ, chặt chẽ, sử dụng kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch chưa kịp thời; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp chưa phân phối, sử dụng kịp thời các khoản hỗ trợ dẫn đến tồn quỹ cuối năm lớn; một số nội dung chi chưa có văn bản trao đổi, thống nhất với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương; chi chưa đúng nội dung và đối tượng hỗ trợ theo quy định; được phân bổ kinh phí mua sắm thiết bị, vật tư y tế hoặc hỗ trợ cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch nhưng còn sử dụng sang việc khác; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc một số tỉnh chưa nộp về Trung ương...
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước - ông Vũ Văn Hoạ cho biết việc mua sắm diễn ra theo từng thời gian, thời điểm khác nhau, với mức giá dao động rất lớn. Có nơi 300.000 đồng một kit test, nhưng có nơi lên tới 1 triệu đồng.
“Nhìn chung, ngành y tế và các đơn vị đã thực hiện tốt, giúp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, còn sai phạm của cá nhân chỉ mang tính chất cá nhân, vi phạm đến đâu xử lý đến đó và đang được các cơ quan chức năng tiếp tục xử lý”, ông Vũ Văn Hoạ nói.
Tại buổi họp báo, Kiểm toán Nhà nước đưa ra kiến nghị thực hiện việc kiểm tra, rà soát, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có sai phạm) với các trường hợp vay mượn sinh phẩm, kit test; thực hiện xét nghiệm cộng đồng bằng kit test nhanh kháng nguyên, test RT-PCR không tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật với các vụ việc như thu sai đối tượng, giá dịch vụ xét nghiệm cao hơn quy định, thu dịch vụ xét nghiệm bao gồm cả chi phí test, vật tư, sinh phẩm y tế của hàng tài trợ, viện trợ hoặc được Bộ Y tế phân bổ; các khoản chi không đúng quy định, sai chế độ; hỗ trợ cho người lao động có hộ khẩu ở địa phương đang làm việc ở tỉnh khác không đúng quy định.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, trong kế hoạch kiểm toán 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ”. Đây là cuộc kiểm toán chưa có tiền lệ, được Kiểm toán Nhà nước tập trung nguồn lực để kiểm toán ngay từ đầu năm triển khai trên phạm vi toàn Ngành với quy mô lớn, thực hiện kiểm toán tại 9 Bộ, cơ quan Trung ương và 32 tỉnh, thành.
Bảo Ngân (T/h)