Awan sinh ra ở Pakistan và sinh sống tại thung lũng Silicon. Sau hơn một thập kỷ làm việc cho các công ty công nghệ nặng ký, anh đã trở thành một nhà đầu tư có tiếng trong giới startup Mỹ và mua được bất động sản ở San Francisco. Sau chuyến về thăm cha mẹ ở vùng Lodhran nổi tiếng trồng xoài và bông, Awan đã phát hiện nhiều cơ hội mới ngay tại quê hương. Anh bắt đầu làm quen với nhiều doanh nhân địa phương đang tìm kiếm lời khuyên về nguồn vốn và cách thúc đẩy quá trình khởi nghiệp. Đó là khi Awan, 41 tuổi, nhìn thấy tiềm năng trong không gian khởi nghiệp của Pakistan. Sau đó, anh quyết định hồi hương và bắt đầu quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu là Indus Valley Capital.
Trong khi nước láng giềng Ấn Độ từ lâu đã có một bối cảnh khởi nghiệp sôi động, các nhà đầu tư không mấy nhiệt tình với Pakistan do lo ngại về an ninh, thiếu điện, cơ sở hạ tầng kém. Tuy nhiên, theo các thước đo khác, tiềm năng trong lĩnh vực fintech và bán lẻ tại đây rất lớn nhờ hơn 2/3 dân số có độ tuổi dưới 30 vẫn đang thanh toán bằng tiền mặt. Số tiền đổ vào các công ty khởi nghiệp ở quốc gia này trong năm nay ước tính khoảng 300 triệu đô la. Theo dữ liệu của Crunchbase và Invest2Innovate, đây là con số không đáng kể trên toàn cầu nhưng là kỷ lục đối với Pakistan.
Kleiner Perkins có trụ sở tại Thung lũng Silicon, một trong những nhà đầu tư vào Alphabet Inc. và Amazon.com Inc., đã thực hiện khoản đầu tư đầu tiên trong năm nay. Defy Partners Management LLC, Wavemaker Partners LLC của Singapore và Zayn Capital Ltd ở UAE, cũng nằm trong danh sách các nhà đầu tư. Mamoon Hamid, đối tác của Kleiner Perkins, cho biết: "Pakistan có tất cả các yếu tố cần thiết để trở thành một thị trường rộng lớn phát triển nhanh chóng. Với dân số trẻ, chúng tôi tin rằng họ sẽ chóng làm quen với công nghệ mới nhanh hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia trên toàn cầu".
Theo Công ty nghiên cứu Preqin, các giao dịch toàn cầu trong năm nay đã tăng lên 524,1 tỷ USD, cao hơn 66% so với tổng số của năm ngoái và hơn gấp đôi số tiền đầu tư vào năm 2019. Trong khi đó, cuộc đàn áp công nghệ của Trung Quốc cũng đã thúc đẩy các nhà đầu tư săn tìm cơ hội mới, các công ty khởi nghiệp từ Đông Nam Á đến Ấn Độ nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng từ các công ty VC và cổ phần tư nhân. Đối với một thị trường còn yếu kém chưa Pakistan, dòng vốn hiện nay đánh dấu bước tiếp theo gia nhập cuộc đua đầu tư trên thế giới.
Ali Mukhtar, đối tác của Fatima Gobi Ventures, cho hay: “Nền kinh tế Internet đã bùng nổ trong 5-7 năm qua và tôi nghĩ đó là chất xúc tác chính". Ông nói thêm, cộng đồng người hải ngoại lớn ở những nơi như Thung lũng Silicon, London và New York cũng đã giúp cung cấp nguồn nhân tài và nguồn vốn. Nhiều người trẻ đã bỏ việc lương cao ở nước ngoài, thậm chí cơ hội trong các tập đoàn lớn như Morgan Stanley, McKinsey & Co. và BNP Paribas SA để trở thành doanh nhân ở quê nhà. Bên cạnh đó, rất nhiều người nước ngoài tìm kiếm cơ hội ở Pakistan.
Ngoài sự quan tâm ngày càng tăng từ các công ty đầu tư mạo hiểm toàn cầu, hệ sinh thái khởi nghiệp cũng đang được hưởng lợi từ mạng lưới ngày đầu tư địa phương, các cơ sở ươm tạo và không gian làm việc chung. Chỉ vài năm trước, các startup ở Pakistan đã phải vật lộn để huy động vốn. Các ngân hàng không thích rủi ro thường từ chối đơn xin vay từ các doanh nhân, trong khi hầu hết các doanh nghiệp giàu tiền mặt và các nhà đầu tư tư nhân khác thậm chí không sẵn sàng trao đổi.
Kalsoom Lakhani, đồng sáng lập Quỹ đầu tư i2i Ventures, chia sẻ: "Vào năm 2012, chúng tôi không có nguồn tài trợ đáng kể nào". Theo anh Lakhani, các nhà đầu tư có thể mất niềm tin nếu tốc độ áp dụng kỹ thuật số của Pakistan chậm hơn dự kiến và ngân hàng đã thất bại trong việc thuyết phục phần lớn người dân sử dụng tài khoản ngân hàng. Chính sách của chính phủ nhiều lần thay đổi đột ngột là mối đe dọa đối với lĩnh vực công nghệ non trẻ. Suleman Rafiq Maniya, Trưởng bộ phận Cố vấn tại Vector Securities Pvt cho biết, các nhà đầu tư cũng có thể gặp khó khăn khi rởi khỏi thị trường chứng khoán Pakistan vì định giá công ty khởi nghiệp cao hơn so với các công ty niêm yết. Pakistan nằm trong danh sách giám sát của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính, một cơ quan giám sát tài chính, cũng là mối quan tâm của các nhà đầu tư và tạo thêm nhiều rào cản cho các công ty khởi nghiệp.
TA