“Cơn điên loạn” của giá vàng chưa có điểm dừng!

16:26 11/04/2024

Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có biện pháp nào can thiệp vào thị trường vàng. Giá vàng SJC còn tăng và chênh lệch vẫn rất cao so với giá thế giới, khiến người mua vàng chịu rủi ro…

Cho đến những ngày giữa tháng 4/2024 giá vàng vẫn tăng liên tục. Báo chí hình như không còn ngôn từ để diễn tả được đủ tính chất “cơn điên cuồng” của giá vàng như hiện nay: tăng “phi mã”, tăng “cao nhất mọi thời đại”, tăng “phá đỉnh lịch sử”, tăng “không tưởng”… Theo các chuyên gia trong nước và thế giới, giá vàng thế giới và trong nước sẽ còn tăng nữa, thì không biết các cơ quan truyền thông sử dụng từ ngữ như thế nào để mô tả sự tăng giá điên cuồng của giá vàng!

Vàng trang sức được bày bán tại cửa hàng ở California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vàng trang sức được bày bán tại cửa hàng ở California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Giá vàng vẫn tăng liên tục

Thử lấy giá vàng ngày 11/4 để phân tích. Giá vàng nhẫn ngày 11/4 thực sự tăng điên cuồng, mỗi lượng vàng nhẫn 9999 thương hiệu DOJI và Bảo Tín Minh Châu tăng thêm hơn 3,1 triệu đồng/lượng và chạm mốc 78,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng cũng tăng mạnh, cả triệu đồng so với ngày trước đó. Công ty SJC niêm yết giá bán vàng miếng SJC ngày 10/4 ở mức 84,4 triệu đồng/lượng, mua vào 82,4 triệu đồng/lượng. Cách biệt giá mua - bán lên đến 2 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn 9999 niêm yết tại Công ty PNJ ngày 10/4 cũng lên ngang ngửa giá bán tại Công ty SJC.

Trong khi đó giá vàng thế giới chiều 10-4 tăng trở lại, lên mức 2.356,4 USD/ounce, quy đổi tương đương 71,39 triệu đồng/lượng. Như vậy so với giá bàn ra của vàng SJC (84,4 triệu đồng/lượng), giá vàng SJC chênh lệch so với vàng thế giới lên đến 13 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn trước đây thường tiệm cận với giá vàng thế giới nhưng gần đây vẫn chênh lệch cao so với vàng thế giới, ví dụ so sánh giá trong ngày 10/4 thì giá vàng nhẫn trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới gần 7 triệu đồng/lượng. 

Giới kinh doanh vàng cho rằng, giá vàng trong nước những ngày gần đây đang tăng quá nhanh so với đà tăng của giá thế giới, làm cho người giữ tiền đang có cảm giác sốt ruột khi giá vàng tăng liên tục không có điểm ngừng.

Sau 10 văn bản của Thủ tướng và mấy cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới có báo cáo tổng kết Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và đi đến thống nhất đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.

Trong khi đó giá vàng vẫn trong cơn tăng giá điên cuồng. Ngày 9/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu NHNN thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24 về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.

Vàng miếng được bày bán tại Sàn giao dịch ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Vàng miếng được bày bán tại Sàn giao dịch ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN).

Nếu Nhà nước không vào cuộc, giá vàng vẫn còn “điên loạn”

Lý giải như thế nào trong khi giá vàng trong nước tăng liên tục? Trước hết giá vàng thế giới tăng, dù giá vàng trong nước liên thông hạn chế với giá vàng thế giới và luôn cao hơn, rất cao so với giá vàng thế giới.

Cũng có thể nguồn cung vàng (không chính ngạch) có phần hạn chế hơn khi xuất hiện thông tin NHNN đề xuất có thể cho nhập vàng theo đường chính ngạch và bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Tuy nhiên nên nhớ rằng, đó chỉ mới là đề xuất.

Một yếu tố khác làm cho giới kinh doanh vàng e dè hơn khi nhìn cơ quan chức năng đang dồn dập ra quân kiểm tra đồng loạt các điểm kinh doanh vàng, bạc trên nhiều địa bàn.

Một chuyên gia kinh tế nhận xét, việc giá vàng tăng tới vài triệu đồng/lượng chỉ sau chưa đầy 10 ngày chứng tỏ cơn "điên loạn" của giá vàng chưa có điểm dừng.

Chuyên gia này cho rằng, nếu các cơ quan quản lý không sớm vào cuộc và có động thái can thiệp để kiềm chế đà tăng, ổn định thị trường thì giá vàng sẽ còn “điên loạn”. Theo phân tích của chuyên gia này, trong lúc đang chờ sửa Nghị định 24, cơ quan quản lý vẫn cần có động thái ổn định giá vàng đang rất nóng hiện nay.

Phải quản lý, đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tài chính - kinh tế. Tất nhiên chấp nhận giá vàng phải theo thị trường nhưng cũng không có nghĩa là buông không quản lý, mà phải dùng những công cụ như thuế chẳng hạn, để điều tiết. Ví dụ, người ta mua vàng miếng là để đầu cơ, chứ không ai mua vàng miếng để đeo cả, nên cần phải đánh thuế. Sao lại bỏ một loại thuế như vậy?

Vấn đề khác: Tại sao không cho phép giao dịch vàng tài khoản để dễ quản lý? Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính còn đề xuất, trong bối cảnh tình hình thị trường hiện nay, phương thức giao dịch vàng cũng cần đa dạng hơn, NHNN có thể phát hành chứng chỉ vàng (hay còn gọi là “vàng giấy), giảm bớt nhu cầu mua vàng vật chất và giảm sự luân chuyển dòng ngoại hối. Cơ chế chứng chỉ vàng hiện Trung Quốc và một số quốc gia khác đã áp dụng, kể cả trên sàn vàng, thay vì người mua nhận vàng vật chất thì nhận “vàng giấy” phù hợp với xu thế, dễ cất giữ và giúp giảm sự luân chuyển dòng ngoại hối, qua đó giảm sức ép lên tỷ giá.

Cho đến nay, trên thực tế NHNN vẫn chưa có biện pháp nào can thiệp vào thị trường vàng. Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cho rằng, khi NHNN chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC còn tăng và chênh lệch cao so với giá thế giới.

Ông Khánh nêu ý kiến: Nếu sửa Nghị định 24, nguồn cung vàng sẽ tăng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, có thể kéo giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng. VGTA từng có đề xuất NHNN cho phép lưu hành một vài thương hiệu vàng miếng khác như PNJ, DOJI, thay vì chỉ có SJC, để tăng tính cạnh tranh về mặt giá cả và đa dạng hóa nguồn cung, nhưng NHNN vẫn chưa cho phép, dù trong cuộc họp ngày 28/3 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, đã thống nhất đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Phó Chủ tịch VGTA - ông Nguyễn Thế Hùng cũng cho rằng, NHNN phải sửa gấp Nghị định 24 cho phép nhập khẩu vàng. Nếu tăng nguồn cung, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường thì giá vàng SJC có thể sẽ giảm nhiệt, thay vì tăng không ngừng như hiện nay.

Các chuyên gia cho rằng, giá vàng tăng những ngày qua cho thấy sự bất thường, nhất là chênh lệch giá vàng Việt Nam với thế giới đang rất lớn, khiến người mua vàng sẽ rủi ro. Đặc biệt, gây áp lực lên tỷ giá USD, khi có thể kích thích các hoạt động buôn lậu vàng như đã xảy ra trong thời gian qua, làm “chảy máu” ngoại tệ…

Buôn lậu vàng, "chảy máu" hàng trăm triệu USD

Ảnh minh họa Vàng thỏi bị thu giữ. (Tang vật trong một vụ buôn lậu vàng. Ảnh: Bộ Công an)
 Vàng thỏi bị thu giữ. (Tang vật trong một vụ buôn lậu vàng. Ảnh: Bộ Công an).

Trong khi giá vàng độc quyền SJC hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, "nhảy múa" liên tục, từng đạt đỉnh "mọi thời đại", đặc biệt chênh lệch cao so với vàng thế giới, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như buôn lậu, khiến việc quản lý ở các cửa khẩu phức tạp, đặc gây áp lực lên tỷ giá ngoại tệ, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Các chuyên gia từng cảnh báo, giá vàng chênh lệch trong nước và thế giới cao như vậy, làm sao ngăn cản được những hoạt động buôn lậu vàng rất phức tạp, gây áp lực làm USD tăng giá?

Cảnh báo này đã là hiện thực. Ngày 02/4, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hoàn tất cáo trạng, chuyển cho TAND TPHCM xét xử Nguyễn Thị Kim Phượng (39 tuổi, chủ tiệm vàng Kim Oanh Hằng tại Tây Ninh) và Nguyễn Thị Ngọc Giàu (44 tuổi, chị ruột Phượng), cùng 21 đồng phạm về tội "buôn lậu".

Theo cáo trạng, trong 2 tháng đầu năm 2022, Nguyễn Thị Minh Phụng và đồng phạm giấu tổng cộng 6 tấn vàng (trị giá 8.500 tỷ đồng) trong ngăn bí mật của xe ba gác chở nước đá từ Campuchia về Tây Ninh, từ đó phân phối đi trên cả nước.

6 tấn vàng buôn lậu này trị giá 8.500 tỷ đồng, nhưng tất cả được mua bằng USD. Tính riêng một vụ buôn lậu này, nước ta đã "chảy máu" ngoại tệ gần 370 triệu USD (nếu tính theo tỷ giá 1USD = 23.000 đồng).

Đâu chỉ có vụ này, tháng 8/2023, TAND tỉnh An Giang đã tuyên phạt "trùm buôn lậu" Mười Tường (Nguyễn Thị Kim Hạnh) 23 năm tù về tội "buôn lậu" và "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", trong vụ án buôn lậu 51kg vàng năm 2020.

Ngày 4/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang tạm giữ hình sự Nguyễn Thành Phi (48 tuổi, ngụ ở TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) để điều tra vụ vận chuyển 150.000 USD từ An Giang qua Campuchia...

Và còn nữa, khi mà giá vàng trong nước - thế giới còn chênh lệch, còn tạo nên "siêu lợi nhuận" thì còn buôn lậu vàng, còn làm cho tỷ giá USD bị áp lực...

Vĩnh Hy