Ngày 21/12, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã thông báo kết quả khảo sát, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023 sau quá trình tập huấn, hướng dẫn cách thực hiện đo lường từ tháng 8 để các đơn vị tự tiến hành khai báo số liệu và thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành Chuyển đổi số báo chí.
Theo Cục, Việt Nam hiện có 882 cơ quan báo chí, trong đó khối địa phương là 143, khối trung ương 347, khối các đài 72 và khối tạp chí khoa học 320. Trong đó, 339 cơ quan đạt yêu cầu tự đánh giá và 273 đơn vị đã thực hiện.
Kết quả được thực hiện tại 273 cơ quan báo chí trong nước cho thấy có 10 cơ quan báo chí đạt xếp hạng xuất sắc về mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí, chiếm 3,66%. Các mức tốt, khá, trung bình và yếu lần lượt là 8,06%, 13,19%, 2,09% và 63%.
Cụ thể, top 10 cơ quan báo chí chuyển đổi số đạt mức xuất sắc gồm có: Đài Truyền hình Việt Nam; Báo VNExpress (Bộ Khoa học và Công nghệ); Báo Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); Đài Tiếng nói Việt Nam; Báo Điện tử Vietnamplus (TTXVN); Báo Vietnamnet (Bộ Thông tin và Truyền thông); Báo Điện tử VTC News (Đài Tiếng nói Việt Nam); Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long; Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; Báo Người Lao động (Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh).
Top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối Báo chí Trung ương đạt mức xuất sắc là: Báo VNExpress; Báo Lao động; Báo Điện tử Vietnamplus; Báo Vietnamnet; Báo Điện tử VTC News.
Top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối báo chí địa phương là: Báo Người Lao động (mức xuất sắc); Báo Nghệ An, Báo Khánh Hòa, Báo Hà Nội Mới, Báo Sài Gòn giải phóng (mức tốt).
Top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối đài là: Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Long, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (mức xuất sắc); Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang (mức tốt).
Top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối tạp chí khoa học là: Tạp chí khoa học Đại học Cần Thơ (Đại học Đại học Cần Thơ) (mức tốt); Tạp chí khoa học Đại học Quốc tế Hồng Bàng (Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng); Tạp chí khoa học Đại học Mở TP Hồ Chí Minh (Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh), Tạp chí Khoa học xã hội - TP Hồ Chí Minh (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ), Tạp chí Lý luận Chính trị (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (mức khá).
Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT, năm 2023 chỉ có 30,92% cơ quan báo chí tham gia khảo sát nhưng gồm có nhiều báo đài lớn - chiếm hơn 85% thị phần người đọc, xem, nghe và chiếm hơn 90% thị phần quảng cáo trên báo đài cả nước. 63% cơ quan báo chí khảo sát đạt mức trưởng thành chuyển đổi số ở mức yếu, tập trung nhiều ở khối tạp chí khoa học (45,35%), khối báo chí ở trung ương (31,82%).
Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số báo chí của lãnh đạo không ít cơ quan báo chí còn ở mức thấp, điển hình là tỷ lệ báo chí chưa hoàn thành tập huấn 61,56%; Tỷ lệ báo chí chưa tham gia thực hiện việc tự đánh giá 69,05%; Người đứng đầu cơ quan là người chủ trì, chỉ đạo chuyển đổi số 34,8%; Cơ quan báo chí đã xây dựng chiến lược/ kế hoạch/chương trình chuyển đổi số báo chí của cơ quan: 43,59%. So với khối báo, khối đài chuyển đổi số nhanh hơn do yêu cầu về số hoá ngành truyền hình (mức độ yếu của khối các đài chỉ chiếm 12,79%). Mức độ quan tâm của chủ quản đối với việc đầu tư cho chuyển đổi số còn ở mức thấp (25,27% cơ quan báo chí được chủ quản bố trí nguồn kinh phí chuyển đổi số).
Đa số cơ quan báo chí chưa thực hiện thu phí hoặc có thu phí nhưng hiệu quả kinh tế thấp, chưa hỗ trợ lại cho hoạt động của báo (2,56% báo chí có thu phí; tỷ lệ tăng doanh thu sau chuyển đổi số còn thấp: 15,02%); Ít quan tâm đến việc nâng cao trải nghiệm cho độc giả, khán giả, thính giả (16,12%); Chưa quan tâm đúng mức đến việc đảm bảo an toàn thông tin (định kỳ kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin theo quy định chỉ chiếm 10,26%); Ít quan tâm đến bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí trên không gian mạng (chỉ có 4,03% cơ quan báo chí ứng dụng công nghệ để phát hiện, hỗ trợ ngăn chặn vi phạm bản quyền báo chí).
Tỷ lệ cơ quan báo chí ứng dụng công nghệ số để tối ưu hoá quy trình sản xuất tin bài còn ở mức thấp (ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các quy trình nghiệp vụ của tòa soạn và các bộ phận khác để tối ưu hóa hoạt động chỉ chiếm 12,82%; có ứng dụng hệ thống quản trị nội bộ CMS: 19,78%; có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung: 16,72%).
Ông Lưu Đình Phúc cho biết, các chỉ tiêu cần đạt được trong năm 2024 và năm 2025, đó là chuyển đổi số báo chí ở mức yếu, trung bình giảm từ 75% xuống còn 60% (năm 2024) và 40% năm 2025; ở mức khá, tốt từ 22% tăng lên thành 35% (năm 2024) và 50% (năm 2025); ở mức xuất sắc tăng từ 3,66% lên thành 5% (năm 2024) và 10% (năm 2025).
Chuyển đổi số báo chí được đánh giá là xu thế tất yếu tại Việt Nam với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền, đồng thời đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả, tạo nguồn thu mới.
Vào tháng 4, Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông sau đó ban hành chương trình hành động và xếp hạng mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam. Bộ Chỉ số gồm 42 tiêu chí với tổng điểm 100, thuộc năm trụ cột gồm Chiến lược (18 điểm); Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin (24 điểm); Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn (20 điểm); Độc giả, khán giả, thính giả (23 điểm); Mức độ ứng dụng công nghệ số (15 điểm).
Mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí sau đó được xếp theo năm mức, gồm Yếu (dưới 50 điểm), Trung bình (50-60 điểm), Khá (60-70 điểm), Tốt (70-80 điểm), Xuất sắc (trên 80 điểm).
Minh Phương (t/h)