![]() |
Chính phủ yêu cầu ngừng duy trì Cổng Dịch vụ công cấp bộ, tỉnh |
Ngày 18/5, theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Nghị quyết số 124/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành đã đưa ra chỉ đạo quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số và cải cách hành chính quốc gia. Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý là yêu cầu không duy trì Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh; thay vào đó, mọi dịch vụ công trực tuyến sẽ được tích hợp và cung cấp tập trung trên Cổng Dịch vụ công quốc gia – điểm “một cửa số” duy nhất của cả nước.
Tập trung tinh gọn tổ chức, thúc đẩy chính quyền địa phương 2 cấp
Nghị quyết nêu rõ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương cần quyết liệt tinh gọn tổ chức bộ máy, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm hoàn thành trong tháng 5 và 6/2025. Việc này nhằm đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, hướng đến bộ máy chính quyền vận hành hiệu quả, linh hoạt và hiện đại hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ giao các cơ quan chủ động rà soát, ban hành hoặc đề xuất các văn bản pháp luật phù hợp với thời điểm Hiến pháp sửa đổi năm 2013 có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1/7/2025). Điều này nhằm bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, giúp mô hình chính quyền 2 cấp hoạt động thông suốt, liên tục, hoàn thành việc chuẩn bị trước 30/6/2025.
100% dịch vụ công sẽ tập trung về Cổng Dịch vụ công quốc gia
Một trong những nội dung trọng tâm tại Nghị quyết là yêu cầu không duy trì Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, theo Thông báo số 14-TB/TGV ngày 21/4/2025 của Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương về chuyển đổi số.
Thay vào đó, tất cả dịch vụ công sẽ được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trở thành điểm truy cập tập trung duy nhất để người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để triển khai hiệu quả nền tảng này.
Đặc biệt, Chính phủ đặt mục tiêu đến tháng 6/2025, 100% dịch vụ công trực tuyến sẽ được tích hợp trên cổng này, nhằm tăng tính công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân.
Song song với việc tích hợp dịch vụ công, Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan rà soát, công bố danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Các quy trình sẽ được số hóa, tái cấu trúc theo hướng đơn giản hóa, cắt giảm giấy tờ, tái sử dụng dữ liệu đã số hóa từ các nền tảng như VNeID, cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành, kho dữ liệu cá nhân, tổ chức. Điều này giúp giảm thiểu chi phí xã hội, nâng cao trải nghiệm của người dùng và thúc đẩy chuyển đổi số thực chất.
Ngoài nội dung về dịch vụ công, Nghị quyết 124/NQ-CP còn yêu cầu các bộ, ngành xử lý 2.212 dự án khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài với tổng kinh phí gần 5,9 triệu tỉ đồng và hơn 347 nghìn ha đất.
Đồng thời, Bộ Nội vụ được giao chủ trì xây dựng 2 dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong thời gian tới. Đây là bước chuẩn bị cho việc tổ chức lại đơn vị hành chính nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Trước đó, tại Thông báo số 56/TB-VPCP ngày 23.2.2025, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận Phiên họp tổng kết hoạt động Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06. Thông báo nêu rõ mục tiêu đến hết năm 2025: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện sẽ được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 80% hồ sơ hành chính được xử lý trực tuyến; 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% cán bộ, công chức các cấp từ trung ương đến xã phải xử lý công việc trên môi trường mạng, sử dụng chữ ký số từ 30/6/2025; Tất cả hồ sơ thủ tục hành chính sẽ được gắn định danh cá nhân, giúp tăng tính liên kết và minh bạch.
Việc tập trung vào Cổng Dịch vụ công quốc gia là bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, giảm gánh nặng hành chính và cải thiện chất lượng phục vụ công dân. Việc không duy trì cổng riêng lẻ cấp bộ, cấp tỉnh giúp thống nhất, tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng, và hạn chế tình trạng manh mún, chồng chéo thông tin.