Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản cơ bản đáp ứng yêu cầu của EC

17:11 04/10/2022

Trước thềm chuyến kiểm tra về chống các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU) của Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC), từ 19-28/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, việc chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản cơ bản đáp ứng yêu cầu của EC.

Báo cáo kết quả triển khai chống IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy Ban châu Âu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sau gần 5 năm EC cảnh báo “Thẻ vàng” (từ ngày 23/10/2017 đến nay), hoạt động chống IUU đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản năm 2017, Chính phủ ban hành 2 Nghị định và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 08 Thông tư hướng dẫn, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.

Ảnh minh họa
Hiệp hội ngành nghề thủy sản đã vào cuộc, tham gia tích cực vào công tác chống khai thác IUU. 

Thường trực Ban Bí thư đã Ban hành Văn bản số 81-CV/TW ngày 20/3/2020 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU; trong đó yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đề cao trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo phòng, chống khai thác IUU; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về IUU; coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách tại địa phương.

Lãnh đạo cấp cao đã tiếp xúc, trao đổi với Lãnh đạo cấp cao của EU về cam kết, nỗ lực, quyết tâm chính trị của Việt Nam trong công tác chống khai thác IUU. Các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan đã tích cực triển khai các giải pháp chống khai thác IUU theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tại địa phương đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo IUU của tỉnh theo nhiệm kỳ để tổ chức triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Tổ chức ký kết quy chế phối hợp giữa các tỉnh có liên quan để theo dõi, kiểm soát tàu cá của tỉnh thường xuyên hoạt động trên địa bàn của tỉnh khác.

Một số địa phương như Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận, Tiền Giang, Kiên Giang, Bến Tre… ban hành cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả trong công tác chống khai thác IUU như: Hỗ trợ kinh phí cho ngư dân lắp đặt thiết bị VMS, bố trí nguồn lực (trang thiết bị, nhân lực) tại cảng cá.

Cùng với đó, Hiệp hội ngành nghề thủy sản đã vào cuộc, tham gia tích cực vào công tác chống khai thác IUU; thành lập “Chương trình Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” với sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào EU; phát hành “Sách trắng về Nỗ lực chống khai thác IUU tại Việt Nam”; thực hiện chương trình Doanh nghiệp cam kết “Nói không với IUU”.

Hệ thống pháp luật về thủy sản đã được hoàn thiện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, chống khai thác IUU; hiện đang tiếp tục sửa đổi, bổ sung để tăng cường hiệu lực, hiệu quả.

Ảnh minh họa
Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản cơ bản đáp ứng yêu cầu của EC. 

Đáng chú ý, công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC.

Cụ thể, thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại vùng biển Việt Nam được kiểm soát theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác hải sản đảm bảo thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng, công tác xác nhận tại 53 cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến.

Năm 2021 cấp được 3.300 giấy chứng nhận với 43.998 tấn thủy sản sang các thị trường yêu cầu chứng nhận khai thác, trong đó xuất khẩu vào thị trường EU được 2.715 giấy với khối lượng đạt 31.881 tấn. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã cấp trên 1 nghìn 500 trăm giấy với khối lượng đạt trên 21 nghìn tấn.

Việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu từ khai thác ngoài vùng biển Việt Nam đã được tăng cường, đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng được quy định của Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng (PSMA).

Theo đó, duy trì việc quản lý, theo dõi việc cấp xác nhận cho các lô hàng thủy sản được chế biến thủy sản khai thác nhập khẩu để xuất khẩu vào EU (thiết lập biện pháp, kiểm soát hồ sơ theo dõi để đối khớp giữa khối lượng nguyên liệu đã được xác nhận đáp ứng quy định IUU và khối lượng hàng xuất khẩu của toàn bộ các Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng).

Duy trì hoạt động thẩm tra sau chứng nhận, xác nhận đối với các cơ sở chế biến đảm bảo hoạt động truy xuất trong toàn bộ quá trình sản xuất (thẩm tra, hậu kiểm tại các doanh nghiệp nhằm đối soát thông tin khai báo và thông tin thực tế sản xuất nhằm kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh theo quy định).

Trong năm 2021 đã xác nhận 1.035 lô thủy sản khai thác xuất khẩu/22.003 tấn và từ đầu năm 2022 đến nay đã xác nhận gần 500 lô thủy sản khai thác xuất khẩu với trên 7.500 tấn.

Tính đến nay, tất cả các lô hàng thủy sản khai thác được xác nhận cam kết đều được thông quan, chưa có lô hàng nào có vướng mắc hoặc trả về do nguyên nhân xác nhận cam kết IUU.

Về công tác xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU, đã được tăng cường so với trước. Năm 2020 xử phạt trên 2 nghìn vụ với tổng số tiền xử phạt trên 61 tỷ đồng. Năm 2021 là gần 1 nghìn 7 trăm vụ với tổng số trên 21 tỷ  đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay gần 1 nghìn vụ với tổng số trên 16 tỷ đồng.

Một số tỉnh đã tăng cường xử phạt hành vi khai thác IUU, đặc biệt là các vụ việc vi phạm vùng biển nước ngoài như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận…

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng thừa nhận, một số tỉnh còn hạn chế trong việc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính như Thái Bình, Hà Tĩnh, Phú Yên, Hải Phòng …

“Nhìn chung, tỉ lệ các vụ việc được xử lý còn thấp so với thực tế và chưa đồng đều giữa các địa phương, đặc biệt là các hành vi vi phạm khai thác IUU như không ghi, nộp nhật ký khai thác, không duy trì hoặc ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, khai thác sai vùng, sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm…”, báo cáo cho biết.

Hà Anh