Chủ tịch Vinasme: Sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay có đóng góp rất lớn từ Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia

09:14 07/12/2021

Sáng 7/12, Bộ Khoa học và Công nghệ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, định hướng của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2021-2025”. Chia sẻ tại Hội thảo, TS.Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) đã có ý kiến đóng góp nhằm phát huy những kết quả đã đạt được của Quỹ và cam kết luôn đồng hành và hỗ trợ Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia thực hiện thành công các nhiệm vụ đề ra.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và giới thiệu định hướng hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia trong giai đoạn 2021 – 2025.

TS.Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo
TS.Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, TS.Nguyễn Văn Thân đã chia sẻ: "Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, là chìa khóa quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của các quốc gia và nền kinh tế. Đối với Việt Nam, vai trò của khoa học và công nghệ trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với tầm nhìn đến năm 2045 như Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã đề ra là vô cùng quan trọng, được xác định là một trong những động lực thúc đẩy quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Ông Thân cũng bày tỏ niềm vui mừng khi chứng kiến Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam bắt đầu phát triển tương đối rõ nét. "Nước ta hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, với tổng mức vốn được công bố đầu tư đạt xấp xỉ 1 tỷ đô- la Mỹ liên tiếp trong 2 năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo. Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù chịu tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn nhưng vốn đầu tư vẫn đổ vào các dự án start-up, đặc biệt là vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính và đổi mới sáng tạo.  Hàng loạt start-up Việt Nam công bố gọi vốn thành công với số tiền lên đến hàng triệu đô la Mỹ, trong đó có Công ty Vnlife – chủ sở hữu dịch vụ thanh toán VNPAY đã huy động thành công hơn 250 triệu đô la Mỹ và ví điện tử Momo cũng gọi vốn thành công 100 triệu đô la", ông Thân chia sẻ. 

Theo đánh giá của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVVN), Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để đuổi kịp Indonesia và Singapore nhờ có lợi thế môi trường khởi nghiệp năng động với sự tham gia nhanh chóng, 'hết mình' của cả doanh nghiệp, người lao động và toàn xã hội.

Đánh giá về hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, ông Thân cho rằng: "Sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ở nước ta hiện nay có đóng góp rất lớn của các tổ chức trung gian, trong đó có các Quỹ hỗ trợ tài chính như Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia. Trong Báo cáo kết quả hoạt động 5 năm của Quỹ cho thấy, nhiệm kỳ vừa qua Quỹ đã xét hỗ trợ được cho 184 ý tưởng do các doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất với tổng kinh phí khoảng hơn 5.700 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước đạt khoảng 1.670 tỷ đồng và số còn lại là do doanh nghiệp tự đầu tư. Với kết quả này, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao nỗ lực và ý chí quyết tâm của toàn thể Ban Lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên Quỹ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và khai thác có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, góp phần giúp cải thiện đáng kể năng suất, chất lượng và nguồn thu nhập của cả chủ doanh nghiệp lẫn người lao động".

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được của Quỹ, TS.Nguyễn Văn Thân đã nêu ra 3 vấn đề chính như sau:

Thứ nhất, Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rất rõ các hình thức hỗ trợ và đối tượng được hưởng các hỗ trợ của Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất có thể gây ra tâm lý “nặng nề” và kìm hãm sự phát triển của Quỹ nói chung và các hoạt động của Quỹ nói riêng là nguyên tắc “bảo toàn vốn” tại khoản 3 Điều 2 của Quyết định này. Có thể nói, các đối tượng được hưởng ưu đãi của Quỹ phần lớn là “lành tính” hơn so với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hiện nay, vì các doanh nghiệp này chủ yếu thực hiện công tác chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. Ngoài ra, một phần trong số họ cũng là các doanh nghiệp đạt giải thưởng trong chương trình, cuộc thi quốc gia. Do đó, chúng tôi kiến nghị Quỹ cần có góc nhìn cởi mở và thực tế để đẩy mạnh công tác cho vay và bảo lãnh vay đối với các doanh nghiệp thuộc diện được hưởng ưu đãi.

Thứ hai, để thực hiện mục tiêu Quỹ tiếp nhận ít nhất 1000 tỷ đồng đến cuối năm 2025 thì việc kêu gọi nguồn lực xã hội và viện trợ từ nước ngoài là rất cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì cần phải có sự “bứt phá”, “khác lạ” và đâu đó có tính “mạo hiểm” trong hoạt động của Quỹ. Vậy, trong khuôn khổ tỷ lệ % rủi ro mà Quỹ có thể chấp nhận được thì các hoạt động nằm trong khuôn khổ đó phải làm sao mang tính “hấp dẫn” đối với xã hội và với các nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân nước ngoài.

Thứ ba, để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các chính sách hỗ trợ của Quỹ thì các thủ tục hành chính cần phải đơn giản hóa hơn nữa, cụ thể như các thủ tục, hồ sơ mà ngân hàng đã thẩm định thì Quỹ không cần thẩm định lại vì trách nhiệm đã được phân định rõ ràng. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa Quỹ và Ngân hàng cũng phải thật sự “nhuần nhuyễn” và thống nhất để tránh trường hợp vì sự chênh lệch trong tư duy, trình độ, năng lực của hai bên khiến cho doanh nghiệp không thể tiếp cận được với chính sách hỗ trợ.       

Và để Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia phát triển bứt phá trong nhiệm kỳ tới, ông Thân đã nhấn mạnh một quan điểm hoạt động mà Hiệp hội DNNVV Việt Nam đang hướng tới, đó là: “Đổi mới, cầu thị, hợp tác và thành công”.

Với ý nghĩa đó, ông khẳng định Hiệp hội DNNVV Việt Nam sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia thực hiện thành công các nhiệm vụ đề ra, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. 

Bảo Bảo