Trong làn sóng chuyển đổi số lan rộng toàn ngành tài chính, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) đang nổi bật như một “người tiên phong” với chiến lược đầu tư công nghệ quy mô lớn, thúc đẩy tăng trưởng khách hàng và hướng tới mở rộng ra thị trường quốc tế. Những kiến nghị táo bạo của Chủ tịch HĐQT MBBank Lưu Trung Thái tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ vừa qua cũng phản ánh rõ khát vọng bứt phá toàn diện, không chỉ cho MB mà còn cho toàn khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Tại hội nghị diễn ra ngày 15/4, ông Lưu Trung Thái cho rằng, ngân hàng MB đã đầu tư khoảng 100 triệu USD mỗi năm liên tục trong 7 năm qua cho chuyển đổi số. Không chỉ sử dụng các công nghệ mới nhất, ngân hàng còn áp dụng mô hình vận hành của các công ty công nghệ để tiếp cận khách hàng nhanh chóng.
Kết quả là mỗi năm, MB thu hút 5–7 triệu khách hàng mới, đứng đầu thị trường về tăng trưởng giao dịch. Doanh thu từ hoạt động chuyển đổi số tăng gấp 3 lần so với thông thường, minh chứng cho hướng đi đúng đắn và hiệu quả vượt trội.
Từ thực tiễn tại Ngân hàng MB, ông Thái đề xuất hai kiến nghị quan trọng với Chính phủ:
Một là, ưu tiên chuyển đổi số cho DNNN, tạo điều kiện tiếp cận các dự án lớn về công nghệ, nền tảng dữ liệu.
Hai là, cho phép DNNN có cơ chế trả lương như doanh nghiệp tư nhân, tức linh hoạt theo năng suất, doanh thu, lợi nhuận để thu hút và giữ chân nhân tài – yếu tố then chốt trong chuyển đổi số.
![]() |
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng MB Lưu Trung Thái phát biểu, (Ảnh: VGP) |
Theo ông Thái, việc áp dụng cơ chế linh hoạt sẽ giúp DNNN thực sự phát huy vai trò dẫn dắt, thay vì chỉ duy trì hoạt động hành chính kiểu cũ.
Tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra ngày 26/4 tới tại Hà Nội, Hội đồng Quản trị MBBank sẽ trình bày kế hoạch kinh doanh năm 2025 với những chỉ tiêu tăng trưởng đầy tham vọng. Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 31.712 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2024. Tổng tài sản dự kiến tăng 21,2%, trong khi huy động vốn và dư nợ tín dụng kỳ vọng tăng lần lượt 23,3% và 23,7%, tùy theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Bên cạnh đó, MBBank cam kết kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,7% và duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II ở mức tối thiểu 9%. Các chỉ số hiệu quả hoạt động tiếp tục được giữ ở ngưỡng cao, với ROE dao động từ 20–22%, ROA khoảng 2%, và tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) được kiểm soát dưới 30%, khẳng định vị thế vững chắc của ngân hàng trong nhóm dẫn đầu ngành tài chính – ngân hàng Việt Nam.
Đặc biệt, MB đặt mục tiêu đạt 34–35 triệu khách hàng vào cuối năm 2025 và 40 triệu khách hàng vào năm 2029 – một con số ấn tượng thể hiện định hướng số hóa sâu rộng và sức hấp dẫn của hệ sinh thái tài chính công nghệ MB đang xây dựng.
Tại Đại hội cổ đông năm nay, một trong những điểm nhấn đáng chú ý là kế hoạch chi trả cổ tức với tổng tỷ lệ lên tới 35%, cho thấy cam kết chia sẻ lợi nhuận bền vững với cổ đông. Trong đó, 3% sẽ được chi trả bằng tiền mặt, tương đương khoảng 1.831 tỷ đồng, còn 32% bằng cổ phiếu, tương ứng 19.726 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào việc tăng mạnh vốn điều lệ, củng cố nền tảng tài chính cho những bước phát triển chiến lược trong tương lai.
Ngoài ra, MB sẽ trình phương án nhận chuyển giao bắt buộc (CGBB), đầu tư tối đa 5.000 tỷ đồng vào MBV – đơn vị có thể chuyển đổi thành ngân hàng liên doanh, cổ phần hoặc 100% vốn nước ngoài. MB cũng đang chuẩn bị phương án chuyển đổi pháp lý cho MBCambodia và MCredit, hướng tới không còn là công ty con, nhằm mở đường cho chiến lược tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả hoạt động.