Chính phủ giao Bộ Tư pháp nghiên cứu “cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội”
- Pháp luật doanh nghiệp
- 06:33 07/04/2021
DNHN - Đây là động thái nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản, trong đó có các vụ án tham nhũng, kinh tế...
Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp
Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho hay, trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, gắn liền với các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhờ đó, thời gian qua, công tác này đã có chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong đó có vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức, tỉ lệ thu hồi tài sản chưa cao.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ ra rằng “tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp”.
Ông Đỗ Đức Hiển - Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết: Một trong những thách thức chính hiện nay trong công tác tịch thu tài sản liên quan đến tội phạm nói chung, tài sản tham nhũng nói riêng là việc xác minh, thu thập chứng cứ và chứng minh mối liên hệ giữa tài sản và hành vi phạm tội. Đây là công việc đặc biệt khó khăn không chỉ đối với các cơ quan tư pháp của nước ta mà còn của hầu hết các quốc gia. Trong khi đó, những biện pháp tịch thu tài sản theo thủ tục tố tụng hình sự truyền thống (nghĩa là phải chờ đến khi có bản án, quyết định của Tòa án) sẽ khó tránh khỏi việc thất thoát tiền, tài sản do người phạm tội đã nhanh chóng che giấu, tẩu tán hoặc tẩy rửa, khiến cho công tác thu hồi tài sản ngày càng khó khăn hơn.
Ông Hiển cũng cho biết, thực hiện các cam kết quốc tế, trong đó có Khuyến nghị số 4 của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) yêu cầu các quốc gia thành viên xem xét áp dụng các biện pháp cho phép các tài sản hoặc công cụ có liên quan tới tội phạm bị tịch thu mà không cần phải có bản án hình sự hoặc yêu cầu người phạm tội phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản; Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng khuyến nghị các quốc gia “xem xét tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép tịch thu tài sản mà chưa có bản án hình sự trong trường hợp không thể truy tố người vi phạm vì họ chết, lẩn trốn, vắng mặt, hoặc trong trường hợp thích hợp khác ” (khoản 1 Điều 54).
Do đó, ngày 30/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 474/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020, trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu đề xuất xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản và đề xuất sửa đổi quy định có liên quan trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng”.
Lập Tờ trình và Báo cáo nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ
Nhằm triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch, đồng thời thành lập Tổ công tác liên ngành với sự tham gia của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện nghiên cứu này.

Ngày 25/02/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Tờ trình và Báo cáo nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Báo cáo nghiên cứu của Bộ Tư pháp tập trung đánh giá về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội của một số quốc gia; pháp luật hiện hành của Việt Nam về tịch thu tài sản, nghĩa vụ chứng minh và các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế trong hoạt động tố tụng, thi hành án cũng như thực tiễn công tác thu hồi tài sản và trên cơ sở đánh giá những thuận lợi, khó khăn, thách thức đề xuất bước đi tiếp theo.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội là một cơ chế hiệu quả được nhiều quốc gia áp dụng với nhiều cách thức, biện pháp khác nhau và điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng rõ ràng.
Tại Mỹ, quốc gia này quy định về tịch thu dân sự tại Bộ luật Hình sự; bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự, Luật Hải quan (năm 1990) của nước này còn quy định tịch thu hành chính đối với tiền không xác minh được nguồn gốc hợp pháp.
Thái Lan cũng đã ban hành đạo luật Chống rửa tiền vào năm 1999 quy định biện pháp tịch thu tài sản dân sự thông qua cơ chế giám sát các giao dịch và đạo luật cơ bản về chống tham nhũng năm 1999 quy định cơ chế tịch thu tài sản đối với công chức giàu có bất thường.
Ngoài ra, tại Australia, từ năm 2002 quốc gia này đã ban hành đạo luật Tài sản phạm tội trong đó quy định cơ chế tịch thu dân sự và tịch thu tài sản không giải thích được nguồn gốc (không cần chứng minh tội phạm nguồn).
Các cơ chế thu hồi tài sản nêu trên cũng có thể xem là giải pháp quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác thu hồi tiền, tài sản, phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng.
Phải có sự đồng bộ với các cơ chế, thiết chế khác
Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính Đỗ Đức Hiển thông tin thêm về những những khó khăn khi thực hiện cơ chế này.
Theo đó, kết quả nghiên cứu cho thấy, tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội là biện pháp phức tạp, nhạy cảm vì có thể ảnh hưởng đến một số quyền con người, quyền công dân; liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan, tổ chức; đòi hỏi phải có sự đồng bộ với các cơ chế, thiết chế khác như kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát giao dịch, hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, phòng, chống rửa tiền.
Đồng thời, cơ chế này cũng liên quan đến nhiều đạo luật khác nhau và đặt ra yêu cầu rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hiện hành, trong đó có các đạo luật như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thanh tra, Luật Phòng chống rửa tiền, các luật về tổ chức bộ máy các cơ quan tố tụng…
“Bộ Tư pháp cũng nhận thấy rằng, việc nghiên cứu, đề xuất quy định cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội cần phải hết sức thận trọng, kỹ lưỡng cả về lý luận và thực tiễn cũng như đòi hỏi phải đánh giá toàn diện về pháp luật, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực thực hiện để chuẩn bị các phương án, điều kiện cần thiết”, ông Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh.
Ngày 31/03/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã chỉ đạo giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá sâu sắc toàn diện về khả năng xây dựng cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội và đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan, với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thu hồi tài sản, đặc biệt tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, rửa tiền, đồng thời bảo đảm phù hợp lộ trình đánh giá đa phương về phòng, chống rửa tiền trong giai đoạn tiếp theo của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với Việt Nam.
Trong đó tập trung vào các cơ chế như: Tịch thu tài sản qua thủ tục tố tụng dân sự trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức mà phát hiện có nguồn tiền, tài sản kê khai không trung thực và không giải trình được nguồn gốc; tịch thu tài sản qua thủ tục tố tụng dân sự trong quá trình kiểm soát các giao dịch đáng ngờ mà phát hiện giao dịch của cá nhân thuộc danh sách đen hoặc có căn cứ liên quan đến tội phạm; tịch thu tài sản qua thủ tục dân sự trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Đáng chú ý, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu các cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội như: Tịch thu tài sản qua thủ tục dân sự trong quá trình kiểm soát giao dịch đáng ngờ mà phát hiện giao dịch của cá nhân thuộc danh sách đen hoặc có căn cứ cho rằng liên quan đến tội phạm.
Tịch thu tài sản qua thủ tục dân sự trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, nếu cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện có tài sản bất thường, có khả năng và có cơ sở cho rằng liên quan đến tội phạm nhưng không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người được cho là chủ sở hữu tài sản đó do đã chết, lẩn trốn…
Tịch thu tài sản qua thủ tục dân sự trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức mà phát hiện nguồn tiền, tài sản, thu nhập chưa được kê khai, kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế này.
Hà An (Nguồn: http://baochinhphu.vn)
Tin liên quan
Đọc thêm Pháp luật doanh nghiệp
Kiến nghị nhanh chóng thu hồi Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn
Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng (UBND huyện Ngọc Lặc) cho biết, Dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn không triển khai trong thời gian dài gây lãng phí đất sản xuất và bức xúc cho nhân dân.
Xét xử đại án TISCO: Bác đề nghị triệu tập nguyên Phó thủ tướng Chính phủ và nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương
Các luật sự đề nghị triệu tập thêm nhân chứng là nguyên Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và ông Vũ Huy Hoàng - cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương để làm rõ nhiều nội dung trong vụ án...
Cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Hàng không Việt Nam bị đưa vào diện cảnh báo
HoSE đã có quyết định đưa cổ phiếu của Tổng Công ty Cổ phần Hàng không Việt Nam (HoSE: HVN) vào diện cảnh báo kể từ ngày 15/4/2021...
Sáng nay 12/4: 19 bị cáo hầu tòa trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên
Đây là một trong năm vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng yêu cầu khẩn trương xét xử sơ thẩm trong năm 2021...
Xem xét kỉ luật nhiều cán bộ liên quan vụ Công ty Phương Đông đổ trộm đất đá xuống Vịnh
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tổ chức kỳ họp thứ 9 để xem xét, kết luận kiểm tra vi phạm đối với Đảng ủy và người đứng đầu chính quyền xã Đông Xá, huyện Vân Đồn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn do liên quan đến việc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đô Thị Phương Đông đổ đất đá xuống Vịnh Bái Tử Long.
Lâm Đồng: Dừng phân lô, bán nền, yêu cầu Công an vào cuộc
Sau khi kiểm tra, rà soát tại một số địa phương, mục đích hiến đất làm đường đi chung nhưng chủ yếu phục vụ việc tách thửa sau đó, UBND huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã có văn bản gửi Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng TNMT, UBND các xã, thị trấn yêu cầu dừng chủ trương này.
Ngăn chặn xăng dầu giả bằng cách nào?
Theo các chuyên gia, rất khó để nhận biết xăng giả bằng mắt thường, phần lớn là dựa vào cách pha màu của xăng, như RON 95 có màu vàng nhạt đến vàng và E5 RON 92 có màu xanh nhạt đến xanh.
Ngừng sử dụng hóa đơn của Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức
Quyết định ngừng sử dụng hóa đơn của Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House- mã CK: TDH) có hiệu lực thi hành trong thời gian một năm, kể từ ngày 31/3/2021 đến ngày 30/3/2022.
Doanh nghiệp cần biết: Sẽ có chuyên mục thường kỳ về thuế trên Truyền hình Thông tấn – Vnews
Tổng cục Thuế phối hợp với Truyền hình Thông tấn xây dựng chuyên mục thường kỳ về thuế trên Truyền hình Thông tấn – Vnews.
Hà Nội: Tăng cường kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
UBND Thành phố xác định rõ nguyên tắc bảo vệ rừng là trách nhiệm của mọi cơ quan tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp...