Chi ngân sách Nhà nước: Đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả!

00:00 12/10/2020

Theo ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, chi ngân sách tức là chi tiêu tiền thuế đóng góp của dân, của doanh nghiệp. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo, yêu cầu xuyên suốt của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là phải đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.

Năm 2018, nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và ngoài nước khá tích cực. Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) luỹ kế 10 tháng đạt xấp xỉ 85% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017, ước cả năm vượt 3% so dự toán, trong đó cả thu nội địa, thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều vượt dự toán. 

Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã chia sẻ với phóng viên về những vấn đề liên quan đến thu, chi NSNN.

- Có thể đánh giá là kết quả thu ngân sách Nhà nước năm nay ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết của Quốc hội. Những thách thức ở đây là gì, thưa ông?

Ông Võ Thành Hưng: Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội, đánh giá tổng thu ngân sách năm 2018 vượt dự toán 3%; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 24,5% GDP, trong đó huy động từ thuế, phí đạt 20,7% GDP. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đánh giá đạt trên 6,7% (mục tiêu là 6,7%), tiếp tục cắt gảm sâu thuế quan theo các cam kết hôi nhập...

Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính 

Tuy nhiên, xét ở các góc độ khác nhau, vẫn có những thách thức nhất định đối với thu NSNN:

Thứ nhất, thu từ 3 khu vực trọng điểm không đạt dự toán. Nguyên nhân chủ yếu do dự toán năm 2018 tính cao: khu vực DNNN tăng 13,1% so với năm 2017; khu vực FDI tăng 30,1%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,4%.

Thứ hai, thu ngân sách của một số địa phương trọng điểm cũng chưa đạt dự toán. Theo báo cáo của các địa phương thời điểm tổng hợp dự toán, một số địa phương hụt thu so với dự toán.

Lý do là các địa phương trọng điểm thu, cũng là các khu vực trọng điểm về kinh tế, có quy mô kinh tế lớn, công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng khá, có nhiều dư địa về thu ngân sách,... Do vậy, khi xây dựng dự toán thu, Chính phủ thường giao cho các địa phương này ở mức phấn đấu cao hơn mức bình quân chung, trên cơ sở yêu cầu bám sát điều kiện phát triển kinh tế trên địa bàn và đẩy mạnh công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ thuế,..

Thứ ba, tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế còn phức tạp. Thời điểm 31/12/2016, số nợ thuế là 77,3 nghìn tỷ đồng;  Thời điểm 31/12/2017, con số này là 73,1 nghìn tỷ đồng; Đến thời điểm 30/9/2018, số nợ thuế xấp xỉ 83 nghìn tỷ đồng (tăng 9,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017).

Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ trọng số nợ thuế trên tổng thu nội địa: thì xu hướng là giảm (thời điểm 31/12/2016 ở mức 8,7%; 31/12/2017 là 7,6% và 30/9/2018 là 7,5%. Nếu loại trừ số nợ thuế của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự,... (bao gồm cả số nợ gốc và nợ tiền chậm nộp), hiện chiếm khoảng 35% tổng số tiền nợ thuế, thì tỷ lệ nợ thuế  khoảng 4,4% tổng thu nội địa, là ngưỡng chấp nhận được theo thông lệ quốc tế (thấp hơn 5%).

- Vậy, Bộ Tài chính sẽ ưu tiên các giải pháp trọng tâm nào để phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm nay, thưa ông?

Để hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm nay, trong thời gian còn lại của năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt chủ trương chung của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, sửa đổi, bổ sung các chính sách đảm bảo phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, qua đó tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN.

- Chi ngân sách Nhà nước luôn là vấn đề lo ngại của dư luận xã hội, vậy trong lĩnh vực chi ngân sách Nhà nước thì những vấn đề nào đang đặt ra cho ngành tài chính, thưa ông?

Chi ngân sách tức là chi tiêu tiền thuế đóng góp của dân, của doanh nghiệp. Vì vậy, quan điểm chỉ đạo, yêu cầu xuyên suốt của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là phải đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; hỗ trợ tốt nhất cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; hướng tới mục tiêu cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển đất nước.

Đây cũng chính là vấn đề lo ngại của xã hội. Trong bối cảnh cụ thể hiện nay, hai vấn đề lớn trong chi ngân sách là : thứ nhất kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách; và thứ hai là vấn đề cơ cấu lại ngân sách đảm bảo tính bền vững của nền tài chính quốc gia.

Về kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách, đúng là còn những bất cập nhất định. Còn tình trạng phê duyệt các chương trình, dự án khi chưa cân đối được nguồn; phân bổ dàn trải, giải ngân không đạt kế hoạch, số chuyển nguồn lớn và kéo dài..., đội chi phí lên cao; việc tách bạch chi đầu tư-thường xuyên khó bảo đảm các định mức kinh tế-kỹ thuật, giảm hiệu quả, tuổi thọ của công trình, dự án đầu tư; hiệu quả đầu tư công thấp...

Về cơ cấu lại chi NSNN thời gian qua đã thực hiện tích cực và bước đầu đã đạt được các kết quả nhất định. Đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên thực hiện xuống 63% (mục tiêu là dưới 64%), tăng tỷ trọng chi đầu tư thực hiện lên 26 - 27% (mục tiêu là 25-26%); trong khi vẫn điều chỉnh tiền lương bình quân 7%/năm, cùng với triển khai chính sách nghèo đa chiều, ASXH, đảm bảo an ninh - quốc phòng,...

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại chi giữa chi thường xuyên - chi đầu tư, giữa các lĩnh vực chi và trong từng lĩnh vực chi, giữa chi cho con người và chi cho các hoạt động khác còn khó khăn do chi thường xuyên chủ yếu là chi con người (khoảng 60-70%) nên việc điều chỉnh, cơ cấu phụ thuộc nhiều vào kết quả thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công. 

- Xin cảm ơn ông!

Yến Nhi