Từ bỏ sự nghiệp trong ngành tài chính đầy triển vọng, Vũ Đình Tú đã mở một quán cà phê mà không hề báo cho bố mẹ của mình biết, và anh cũng là một ví dụ điển hình cho làn sóng các doanh nhân trẻ Việt Nam khởi nghiệp cùng những ly cà phê espresso để thách thức kỳ vọng của gia đình về một công việc ổn định.
Giới trẻ khởi nghiệp tại Việt Nam đang cách mạng hóa ngành cà phê. |
Cà phê từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Việt Nam. Một ly cà phê Việt truyền thống thường được gọi với cái tên cà phê “đen”, có thể được pha thêm với sữa đặc để thành cà phê nâu, hay thậm chí là cả món cà phê trứng. Tuy nhiên, việc mở quán và kinh doanh cà phê lại không phải là một nghề mà nhiều bậc phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu đầy tham vọng tại Việt Nam mong muốn cho con cái của mình.
"Ban đầu, gia đình tôi không biết nhiều về việc này", Đình Tú, 32 tuổi, chia sẻ. "Dần dần họ cũng phát hiện ra và đã không mấy ủng hộ".
Bố mẹ của Tú đã nhiều lần cố thuyết phục anh tiếp tục với công việc tại ngân hàng có mức thu nhập cao. Tuy nhiên, chàng trai trẻ đã kiên định với lựa chọn của mình và đã mở tới bốn chi nhánh của Refined (thương hiệu cà phê mà Tú thành lập) trong vòng bốn năm tại Hà Nội. Mỗi chi nhánh đều đông nghẹt từ sáng đến tối với những người yêu cà phê, thưởng thức hạt cà phê robusta của Việt Nam trong một không gian giống như quán bar cocktail hơn là một quán cà phê.
Đình Tú giải thích rằng, bố mẹ anh "thấy được sự vất vả khi điều hành một doanh nghiệp, khi phải xử lý mọi vấn đề từ tài chính đến nhân sự, và họ không muốn tôi phải vất vả”.
Thật vậy, Việt Nam đã từng là một nước nghèo, với nền kinh tế quan liêu bao cấp, cho đến đầu những năm 2000, khi nước ta tự vực dậy với sự bùng nổ trong lĩnh vực sản xuất. Nhiều bậc cha mẹ vẫn mong muốn con cái của mình có thể leo lên các nấc thang xã hội bằng cách theo đuổi những nghề nghiệp ổn định, hấp dẫn như trong ngành y tế hay luật pháp. Tuy nhiên, cà phê hiện đang trở thành từ khóa cho sự sáng tạo và khẳng định bản thân.
Theo bà theo Sarah Grant, Phó Giáo sư tại Đại học Bang California: “Tại Việt Nam, các quán cà phê đã trở thành một cách để phá vỡ những chuẩn mực xung quanh áp lực gia đình về việc đạt thành tích tốt ở trường, vào đại học, lấy bằng, làm việc trong những ngành quen thuộc và ổn định tài chính”.
“Các quán cà phê cũng đã trở thành không gian nơi bạn có thể tụ họp cùng những người sáng tạo trong cộng đồng, dù đó là các nhà thiết kế đồ họa, nhạc sĩ, hay nhiều kiểu nghệ sĩ khác...”, bà Grant cho biết thêm.
Cà phê lần đầu tiên đến Việt Nam vào những năm 1850 dưới thời Pháp thuộc, nhưng sự chuyển dịch vào những năm 1990 và đầu những năm 2000 sang sản xuất hạt robusta quy mô lớn, thường thấy trong cà phê hòa tan, đã biến Việt Nam thành một cường quốc sản xuất cà phê và là nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới.
Niềm đam mê với ngành cà phê thường gắn liền với lịch sử này. Những doanh nhân cà phê “thật sự tự hào rằng Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê và có nhiều ảnh hưởng trên thị trường cà phê toàn cầu”, bà Grant nói thêm.
Giới trẻ khởi nghiệp tại Việt Nam đang cách mạng hóa ngành cà phê. |
Trong một con hẻm nhỏ ở trung tâm thủ đô, Nguyễn Thị Huệ, 29 tuổi, đã thành lập một cơ sở kinh doanh "Slow Bar" cà phê, do một mình chị là người điều hành. “Khi pha cà phê, cảm giác gần như khi bạn là một nghệ sĩ". Được biết, chị Huệ lần đầu tiên được thưởng thức vị cà phê từ khi còn rất nhỏ, nhờ một người hàng xóm rang cà phê tại nhà đã cho chị uống thử.
Chị Huệ nhận xét: “Sẽ không có ai ăn mặc xuề xòa để đi uống cà phê cả”.
Thật vậy, cà phê hiện cũng đang là xu hướng thịnh hành ở Việt Nam, và các doanh nghiệp hay cơ sở kinh doanh cà phê hoàn toàn có thể thu được những khoản lợi nhuận lớn nếu như thương hiệu cà phê của họ có thể thu hút được thế hệ Gen Z, một thế hệ vốn gắn liền với trào lưu chụp ảnh và chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Hiện nay, có rất nhiều các bạn trẻ chú trọng tới không gian bày trí của một quán cà phê, hơn là thưởng thức hương vị cà phê mà quán đó phục vụ.
Theo đơn vị tư vấn thương hiệu Mibrand, ngành kinh doanh quán cà phê tại Việt Nam hiện có giá trị 400 triệu USD, và đang ghi nhận mức tăng trưởng tới 8% một năm. Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Kim Oanh, giảng viên tại Đại học RMIT Việt Nam, hiện vẫn có hàng ngàn cửa hàng cà phê chưa được đăng ký kinh doanh chính thức với chính quyền.
Ngoài ra, các thương hiệu cà phê toàn cầu cũng đã gặp khó khăn trong việc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam khi Starbucks chỉ chiếm 2% thị phần vào năm 2022, theo Euromonitor International.
Đến đầu năm nay, Starbucks thông báo đóng cửa cửa hàng duy nhất tại TP.HCM bán loại cà phê đặc sản của hãng. Không giống như hầu hết các doanh nghiệp địa phương, gã khổng lồ cà phê chỉ sử dụng hạt arabica "chất lượng cao", có hương vị hoàn toàn khác biệt so với hạt robusta của Việt Nam. Theo nhiều nhà phân tích và chuyên gia về marketing, sự thoái lui của Starbucks tại Việt Nam phần lớn là do hãng này đã không đáp ứng được đúng thị hiếu và khẩu vị thưởng thức cà phê của người Việt.
Tuy nhiên đối với Đình Tú, cuối cùng bố mẹ anh cũng đã ủng hộ quyết định của con trai mình, và anh cũng dự định mở thêm các quán cà phê khác với mong muốn tạo ra được một lực lượng lao động yêu cà phê giống như anh.
Đình Tú chia sẻ: "Tôi muốn xây dựng một tư duy rằng đây có thể là một nghề nghiệp nghiêm túc".