Chi hội Nhà báo thường trú Đồng Nai dâng hương tại Chiến khu Đ

10:21 07/06/2024

Hướng đến kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), chiều 6/6, Chi hội Nhà báo thường trú Đồng Nai tổ chức lễ dâng hương tại Chiến khu Đ, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Chiều 6/6, Nhà báo Đào Văn Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đồng Nai, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh và phóng viên của các cơ quan báo chí thường trú tại Đồng Nai đã tới dâng hương tại Chiến khu Đ, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai nhân dịp hướng tới kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhà báo Đào Văn Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đồng Nai, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh và phóng viên của các cơ quan báo chí đang thường trú tại Đồng Nai đã tới dâng hương tại Chiến khu Đ
Nhà báo Đào Văn Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đồng Nai, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh và phóng viên của các cơ quan báo chí hường trú tại Đồng Nai tới dâng hương tại Chiến khu Đ.

Tại Đài tưởng niệm Trung ương cục Miền Nam, trong không khí trang nghiêm, thành kính, các thành viên trong Đoàn đã dành phút mặc niệm, dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công ơn to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh- người sáng lập, nhà báo vĩ đại của Báo chí Cách mạng Việt Nam; các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Tiếp đó, Đoàn đã thắp hương trên các mộ phần liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Mã Đà; tham quan Nhà bia Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam trong Khu Di tích Trung ương cục miền Nam.

Các Nhà báo, phóng viên nghe thuyết minh về hình thành, xây dựng, chiến đấu vô cùng gian khổ của các đơn vị thuộc Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1961-1962
Các Nhà báo, phóng viên nghe thuyết minh về sự hình thành, xây dựng, chiến đấu vô cùng gian khổ của các đơn vị thuộc Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1961-1962.

Các thành viên trong Đoàn cũng được nghe hướng dẫn viên của Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai giới thiệu một số nét khái quát về quá trình hình thành, xây dựng, chiến đấu vô cùng gian khổ của các đơn vị thuộc Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1961-1962.

Trong chuyến về nguồn, Đoàn cũng đã tìm hiểu hoạt động bảo vệ rừng, tiềm năng khai thác du lịch của Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và Khu du lịch Đảo Ó. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cho biết, đơn vị được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên lớn nhất của tỉnh với gần 68.000ha. Hệ sinh thái rừng tự nhiên đầu nguồn ở đây được đánh giá cực kỳ quan trọng, với chức năng ổn định nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai, cung cấp nước ngọt vào mùa khô và hạn chế ngập lụt vào mùa mưa cho vùng hạ lưu.

Các thành viên trong đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai
Các thành viên trong đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn hiện nay trong công tác bảo vệ rừng. Cụ thể từ khi thực hiện Nghị định số 01/2019 của Chính phủ chuyển lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thành chuyên trách bảo vệ rừng đã có nhiều viên chức xin nghỉ việc, trong khi tuyển mới gặp khó khăn, khiến đơn vị thiếu nhân lực. Theo quy định mới, lực lượng bảo vệ rừng không được trang bị vũ khí, không có thẩm quyền xử lý vi phạm và thay đổi về chế độ. Khu Bảo tồn mong muốn nguyên lực lượng kiểm lâm ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn.

Đối với thực hiện đề án phát triển du lịch sinh thái đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thông qua, Khu Bảo tồn kỳ vọng sẽ góp phần mở ra hướng đi mới trong thực hiện tốt song song nhiệm vụ bảo tồn, trồng mới và phát huy giá trị của rừng. Hiện, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan liên quan mời gọi các nhà đầu tư đủ tiềm lực, tâm huyết với việc bảo tồn, phát huy giá trị của rừng.

Vân Nguyễn