Riêng đối với mặt hàng sữa, tạm giữ 2.654 hộp sữa các loại và 40kg bột sữa, tổng trị giá hơn 188 triệu đồng, xử phạt trên 165 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm với các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng,... Đây là những vi phạm có thể trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em – đối tượng sử dụng sữa nhiều nhất.
![]() |
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chi Cục trưởng Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh thông tin đến báo chí trong cuộc họp báo. |
Theo ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chi Cục trưởng Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh thông tin đến báo chí trong cuộc họp báo chiều nay, ngày 24/4/2025, tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều vụ việc lớn đã được phát hiện và xem xét xử lý vi phạm trong thời gian qua liên quan đến vấn đề thực phẩm như: Đội Quản lý thị trường số 3 đã kiểm tra, phát hiện gần 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại khu vực Thành phố Thủ Đức với trị giá gần 4,5 tỷ đồng, đã xử phạt với số tiền là 315 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm; Đội Quản lý thị trường số 19 đã kiểm tra, phát hiện, xử lý gần 7 tấn đường tinh luyện nhập lậu ở huyện Củ Chi; Đội Quản lý thị trường số 12 đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 18.200 chai bia nhập lậu ở Quận 12; Đội Quản lý thị trường số 18 đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 01 tấn khô bò không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, Đội Quản lý thị trường số 6 đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra 04 vụ việc có dấu hiệu tội phạm kinh doanh hàng giả là thực phẩm (sản phẩm đào đóng hộp).
Cũng theo ông Huy, để ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là mặt hàng sữa nói riêng và các mặt hàng thực phẩm nói chung, trong năm 2025, Chi cục Quản lý thị trường tiếp tục đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên, liên tục, đột xuất, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, chú trọng công tác rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đại lý, các kênh phân phối, các nền tảng thương mại điện tử có nguy cơ cao về hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phối hợp liên ngành, tập trung tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác như: Công an, Y tế, An toàn thực phẩm, Khoa học – Công nghệ,… để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Người đại diện Chi cục QLTT Thành phố cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên mua sản phẩm tại địa chỉ, website thương mại điện tử có uy tín, hàng hóa có nhãn hàng hóa và thông tin nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng theo đúng quy định, không mua hàng hóa trôi nổi, hàng giá rẻ bất thường, bao bì sơ sài và khuyến khích người tiêu dùng tích cực tham gia tố giác các hành vi vi phạm đến các cơ quan chức năng.
![]() |
Giám sát, kiểm tra thường xuyên hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là mặt hàng sữa nói riêng và các mặt hàng thực phẩm nói chung. |
Về phía Chi cục QLTT, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm; áp dụng đúng quy định của pháp luật các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả như phạt tiền, tịch thu, tiêu hủy hàng hóa vi phạm, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng.
Chi cục Quản lý thị trường và các Đội Quản lý thị trường duy trì số điện thoại đường dây nóng, kịp thời tiếp nhận phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về các vấn đề liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm mà đặc biệt trong đó là mặt hàng thực phẩm.