Châu Âu ra đề xuất quan trọng giảm rác thải trong ngành dệt may

21:12 09/07/2023

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra một đề xuất quan trọng nhằm giảm lượng rác thải và thúc đẩy tính tuần hoàn của sản phẩm quần áo trong ngành dệt may.

Ủy ban Châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), đã đưa ra một đề xuất quan trọng nhằm khuyến khích ngành hàng dệt may giảm rác thải và thúc đẩy tính tuần hoàn của sản phẩm quần áo. Theo đề xuất này, EC đề nghị áp dụng thu phí xử lý rác thải đối với các nhà sản xuất hàng dệt may trong khu vực.

Chương trình trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng bắt buộc (EPR) là trụ cột của đề xuất này, mà EC đề xuất áp dụng cho tất cả các nước thành viên EU. Theo đó, nhà sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời của sản phẩm dệt may và đồng thời hỗ trợ sự quản lý bền vững rác thải trong ngành này trên khắp EU.

Châu Âu ra đề xuất quan trọng giảm rác thải trong ngành dệt may
Châu Âu ra đề xuất quan trọng giảm rác thải trong ngành dệt may.

Theo đề xuất, các nhà sản xuất sẽ phải trả phí để chi trả các chi phí liên quan đến quản lý và xử lý rác thải dệt may. Hệ thống này được EC kỳ vọng sẽ tạo động lực cho các nhà sản xuất giảm rác thải và thúc đẩy tính tuần hoàn của sản phẩm dệt may.

"Không thể cấm mọi người mua áo quần mới nếu họ có khả năng và sự thích thú. Tuy nhiên, điều quan trọng là đảm bảo rằng các sản phẩm đã qua sử dụng được xử lý một cách tốt hơn, thay vì chỉ đơn giản là đốt cháy hoặc chuyển đi các nước châu Phi," Virginijus Sinkevičius, Cao ủy Môi trường của EU, nhấn mạnh.

Áp lực ngày càng gia tăng đối với các thương hiệu thời trang nhanh như Shein và Boohoo, cùng các công ty sản xuất thời trang đường phố như H&M và Inditex, công ty mẹ của Zara, đã khiến cho việc rời bỏ các mô hình kinh doanh chi phí thấp trở nên cấp bách. Hiện tượng này đã dẫn đến hàng triệu tấn quần áo bị vứt vào thùng rác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo EC, mỗi công dân EU trung bình mỗi năm vứt bỏ khoảng 12kg quần áo và giày dép, trong đó hơn 3/4 bị thiêu hủy hoặc chôn lấp. Dữ liệu từ Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cũng cho thấy, tiêu thụ quần áo và giày dép trong khu vực dự kiến ​​sẽ tăng 63%, từ 62 triệu tấn vào năm 2019 lên 102 triệu tấn vào năm 2030.

Theo đề xuất của EC, các công ty bán lẻ thời trang trong EU sẽ chịu trách nhiệm thanh toán cho việc xử lý rác thải dệt may, với số tiền phí phụ thuộc vào lượng rác thải cần xử lý. Các biện pháp tương tự đã được áp dụng ở nhiều nước thành viên EU, bao gồm Pháp và Tây Ban Nha. Ngoài ra, EU cũng đã yêu cầu các nước thành viên thiết lập các hệ thống thu gom rác thải dệt may vào năm 2025.

Theo ước tính của EC, chi phí mà các công ty sẽ phải trả để xử lý quần áo phế thải sẽ là khoảng 0,12 euro cho mỗi chiếc áo phông, tuy nhiên con số này sẽ thay đổi tùy thuộc vào sản phẩm và quy trình xử lý. Mức phí này có thể giảm nếu các sản phẩm dệt may được sản xuất bền vững hơn. Điều này sẽ khuyến khích các nhà bán lẻ thời trang cân nhắc kỹ hơn về khả năng tái sử dụng hoặc tái chế sản phẩm của mình.

EuroCommerce, tổ chức đại diện cho các nhà bán lẻ và bán sỉ ở châu Âu, đã hoan nghênh đề xuất thu phí này và cho rằng, quy định cần được áp dụng một cách hài hòa trên tất cả 27 nước thành viên của EU.

H&M cũng đã tuyên bố ủng hộ biện pháp thu phí xử lý rác thải và đặt mục tiêu làm từ sợi tái chế cho 30% sản phẩm quần áo của thương hiệu này vào năm 2025.

Đối với ngành dệt may châu Âu, Euratex, tổ chức đại diện cho ngành này, đang triển khai các dự án thí điểm với các nhà sản xuất vải nhỏ trong 11 khu vực sản xuất hàng dệt may, nhằm tạo ra một hệ thống khép kínđể thiết kế quần áo dễ tái chế hơn.

Tuy nhiên, các đề xuất mới của EC có thể gặp phản đối từ các nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu, vì họ đang đòi hỏi "chấm dứt thời trang nhanh" và đặt ra các mục tiêu cụ thể để ngăn ngừa, thu gom và tái chế rác thải dệt may.

Các đề xuất này sẽ cần được các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu đàm phán và thống nhất trước khi trở thành luật. Trước đó, nhiều nước EU đã đề xuất cấm các thương hiệu thời trang tiêu hủy áo quần không tiêu thụ được, nhằm giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường trong ngành công nghiệp dệt may, một ngành đóng góp 20% lượng phát thải khí nhà kính của EU.

PV (t/h)