Chương trình nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về ứng dụng ChatGPT; khả năng ứng dụng ChatGPT trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế (KDQT) và Logistics về tra cứu mã số hồ sơ, tra cứu thông tin thị trường xuất nhập khẩu, đề xuất một số phần mềm số hóa chuyên sâu trong lĩnh vực Logistics…
Làm thế nào mà một ứng dụng gây sốt trên toàn thế giới trong gần 3 tháng qua, một ứng dụng đã xô ngã nhiều kỷ lục của nhiều ứng dụng nổi tiếng trước đó? Điều này đã được chia sẻ qua diễn giả Phạm Ngọc Duy Liêm - CGO, Co-Founder Go Stream về chức năng, ưu nhược điểm, hướng dẫn cách thức sử dụng, một số lưu ý về ChatGPT. Ông cho rằng, đây là một công nghệ đột phá mới tạo được sức hút lớn trong thời gian ngắn vì đã thay đổi cách thức giao tiếp giữa con người với máy tính như một cuộc hội thoại. Bên cạnh đó, về công nghệ lõi của ChatGPT là công nghệ Transformer, xử lý thông tin đồng thời nên giúp tốc độ xử lý của ChatGPT rất nhanh. Song, diễn giả cũng cho biết, sự hạn chế của ChatGPT là phải có data và chỉ trả lời những dữ liệu được huấn luyện, công nghệ này cũng có chi phí tốn kém. Với sự thu hút của ChatGPT, ông Liêm nhấn mạnh “tiềm năng sử dụng ChatGPT là vô tận và góp phần cách mạng hóa cách chúng ta tương tác với máy tính và máy móc”.
Bên cạnh độ hot về tính năng của ChatGPT, cộng đồng mạng và các chuyên gia công nghệ thông tin vẫn đang tranh luận rất sôi nổi về mức độ tin cậy và khả năng ứng dụng rộng rãi ChatGPT trong các lĩnh vực của cuộc sống. Lĩnh vực KDQT và Logistics cũng không là ngoại lệ, hầu hết trên các diễn đàn thảo luận về xuất nhập khẩu, Logistics các doanh nghiệp đều đặt ra các câu hỏi: “Liệu có thể tra cứu và xác định mã HS code chính xác, hiệu quả bằng ChatGPT? Tìm kiếm thông tin thị trường, quy định về xuất nhập khẩu hàng hoá thông qua công cụ này? Ứng dụng hiệu quả trong việc soạn thảo email báo giá dịch vụ logistics? Hay hàng loạt những ứng dụng hữu ích khác mà ChatGPT sẽ mang lại?”
Vậy ChatGPT làm được gì cho doanh nghiệp Logistics? Để ứng dụng, ông Phí Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội tin học TP. Hồ Chí Minh cho rằng, công nghệ này phải tích hợp nhiều yếu tố và xử lý được các hình thức dữ liệu của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp sử dụng được công nghệ của ChatGPT để xử lý dữ liệu thực tế thì đó thật sự là một cuộc cách mạng. Ông cũng đưa ra bức tranh về logistics và những nhu cầu ứng dụng CNTT trong ngành logistics Việt Nam, trong đó có các bài toán tối ưu của chuỗi cung ứng nội bộ, tiết kiệm thời gian, chi phí tối ưu, bài toán đặt hàng – giao nhận và thời gian giao hàng. Có rất nhiều yếu tố để tạo nên hệ thống logistics chất lượng: hệ thống giao hàng tốt, hệ thống phương tiện vận tải tốt – linh hoạt, hệ thống kho bãi tốt, hệ thống mạng lưới thu gom – đóng hàng – nhận hàng tốt, hệ thống điều hành tốt với sự tham gia tối đa của công nghệ, con người vận hành chuyên nghiệp – chất lượng cao…
“Hiểu để khai thác là một điểm thú vị khi ứng dụng ChatGPT và nó có hiệu năng với những khả năng tổng hợp trên cơ sở data đã học của ứng dụng này. Về tương lai, để đi vào thực tiễn thì còn cần phải bổ sung thêm rất nhiều để ChatGPT mới có thể thực sự đi vào cuộc sống của doanh nghiệp” - ông Tuấn nói.
Cũng trong buổi tọa đàm, ông Trương Tấn Lộc và ông Trương Nguyên Linh cũng đã mang đến góc nhìn thực tế về bức tranh và thực trạng CĐS tại doanh nghiệp ở lĩnh vực logistics và kinh doanh quốc tế. Quá trình chuyển đổi công nghệ số trong lĩnh vực logistics đang diễn ra khá mạnh mẽ tại các doanh nghiệp Việt Nam nên việc dần thay thế các hoạt động thủ công cần nhiều yếu tố về con người bằng máy móc, số hóa khâu hành chính giấy tờ và việc có nhiều hơn các công cụ thì sẽ là một bước chuyển lớn trong sự phát triển của chuỗi hoạt động về logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Ở phần thảo luận, các diễn giả đã chia sẻ quan điểm về vấn đề vai trò của con người trong logistics có bị thay thế bởi công nghệ hay không, đặc biệt là ChatGPT. “Chatbot” thông minh này có thể thay đổi cách thức làm việc của con người như chăm sóc khách hàng, soạn thảo nội dung, PR thương hiệu hay xử lý thông cáo báo chí, đơn hàng,… nhưng vẫn có rủi ro khi phụ thuộc hoàn toàn vào ChatGPT. Đôi khi, công cụ này hỗ trợ cho hành vi có mục đích xấu.
Nhấn mạnh với các doanh nghiệp, TS. Nhan Cẩm Trí – Phó Hiệu trưởng UEF đã nói: “Câu chuyện ChatGPT sau buổi tọa đàm với mong muốn các doanh nhân nhìn lại doanh nghiệp của mình ứng dụng công nghệ đến mức độ nào, chúng ta đã đang ở đâu trên bản đồ công nghệ thế giới, để từ đó mỗi chúng ta sẽ có một kế hoạch là CĐS trong doanh nghiệp của mình cũng như trong lĩnh vực logistics, giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng hiện đại, tiệm cận với thế giới và phát triển vươn mình ra toàn cầu”.
Thông qua buổi tọa đàm, chương trình giúp các bạn sinh viên có thêm nhiều góc nhìn đa dạng về ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực logistics và kinh doanh quốc tế, đặc biệt là sự tác động của ChatGPT. Dù AI hay ChatGPT phát triển mạnh mẽ, con người sẽ không hoàn toàn bị thay thế, nhưng con người cũng cần phải chú trọng trong việc thay đổi và thích ứng bối cảnh để phát triển, không bị phụ thuộc vào công nghệ mà hãy để công nghệ hỗ trợ công việc tốt hơn.
Uyển Nhi