![]() |
CEO Mark Zuckerberg đối mặt nguy cơ chia tách Instagram và WhatsApp |
Ngày 15/4, theo tờ The Times of Israel, Giám đốc điều hành Meta, Mark Zuckerberg, đã chính thức ra tòa làm chứng trong tuần này để bảo vệ công ty trước cáo buộc từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), cho rằng Meta đã thâu tóm các nền tảng mạng xã hội cạnh tranh nhằm củng cố vị thế độc quyền trên thị trường. Đây được xem là phiên điều trần mang tính bước ngoặt không chỉ với Meta mà còn với toàn bộ ngành công nghệ Mỹ.
Phiên tòa do Thẩm phán James Boasberg thuộc Tòa án Liên bang giám sát, tập trung vào hai thương vụ đình đám trong quá trình phát triển của Meta: mua lại Instagram vào năm 2012 và WhatsApp vào năm 2014. FTC cáo buộc rằng các thương vụ này không nhằm mục tiêu đổi mới, mà là một chiến lược dài hạn để loại bỏ cạnh tranh và xây dựng "vành đai bảo vệ" cho mảng kinh doanh cốt lõi của Meta: quảng cáo kỹ thuật số.
Hiện Meta đang sở hữu hệ sinh thái mạng xã hội khổng lồ với khoảng 3,3 tỷ người dùng hoạt động mỗi ngày, mang về hơn 160 tỷ USD doanh thu trong năm qua. Tuy nhiên, FTC lập luận rằng quy mô người dùng lớn như vậy không phản ánh sự thành công lành mạnh, mà cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng các lựa chọn thay thế cho người tiêu dùng. “Người dùng không có lựa chọn hợp lý nào khác ngoài các nền tảng của Meta,” đại diện FTC nhấn mạnh.
Một trong những bằng chứng quan trọng được FTC đưa ra là email do chính ông Zuckerberg gửi năm 2011, trong đó ông thừa nhận dự án phát triển ứng dụng ảnh “Facebook Camera” đang gặp nhiều khó khăn, và Instagram đã nổi lên như một đối thủ đáng gờm. “Trong khi chúng ta còn loay hoay để hoàn thiện, Instagram đã trở thành mối đe dọa thực sự trong lĩnh vực ảnh di động – lĩnh vực được xem là tương lai của hình ảnh số", CEO Mark Zuckerberg viết.
Trả lời chất vấn, ông Zuckerberg thừa nhận từng không hài lòng với tiến độ nội bộ nhưng khẳng định Meta đã đầu tư mạnh tay để phát triển Instagram sau khi mua lại, đồng thời phủ nhận cáo buộc cản trở cạnh tranh. Theo ông, các thương vụ này đã cải thiện trải nghiệm người dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm và góp phần thúc đẩy đổi mới trong ngành.
![]() |
Những lần CEO Mark Zuckerberg ngồi tại phiên điều trần để bảo vệ Meta trước nhà chức trách Mỹ. Ảnh: NYT |
Vụ kiện chống độc quyền chống lại Meta đã được FTC khởi xướng từ năm 2020, trong bối cảnh dư luận và chính phủ Mỹ ngày càng quan tâm đến việc giám sát quyền lực của các tập đoàn công nghệ lớn. FTC cho rằng Meta đã chủ ý chọn cách "mua để diệt" đối thủ thay vì cạnh tranh lành mạnh – một chiến lược mà ông Zuckerberg được cho là đã từng nêu ra từ năm 2008.
Trong khi đó, phía Meta phản bác mạnh mẽ khi cho rằng công ty vẫn phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ như TikTok hay YouTube. Tuy nhiên, FTC lập luận rằng các nền tảng này không thực sự là đối thủ trực tiếp do sự khác biệt về tính năng và hành vi người dùng.
Ngoài ra, CEO Meta cũng cảnh báo rằng việc chia tách WhatsApp và Instagram có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái quảng cáo kỹ thuật số hiện nay, ảnh hưởng tiêu cực tới hàng triệu doanh nghiệp phụ thuộc vào nền tảng của công ty, đồng thời làm suy yếu khả năng đổi mới công nghệ tại Mỹ.
Một điểm đáng chú ý khác trong phiên điều trần là khi CEO Mark Zuckerberg bị hỏi về xu hướng chuyển dịch nội dung trên Facebook – từ việc kết nối bạn bè sang hiển thị nội dung từ bên thứ ba. Ông thừa nhận rằng người dùng hiện nay tương tác nhiều hơn với nhóm, nội dung ngẫu nhiên và các creator (nhà sáng tạo -PV) thay vì bạn bè, và Facebook đang cố gắng “định hình lại tầm nhìn” nhằm lấy lại sức hút đã mất, nhất là trước sự trỗi dậy của TikTok.
CEO Mark Zuckerberg cũng cho rằng các tính năng nhắn tin – như Messenger, WhatsApp hay Direct Message trên Instagram – đóng vai trò “cộng sinh” với nền tảng chính và không thể tách rời khỏi hệ sinh thái sản phẩm của Meta.
Kết quả của phiên tòa này sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ ngành công nghệ Mỹ. Nếu FTC giành chiến thắng, Meta có thể bị buộc phải chia tách Instagram và WhatsApp thành các công ty độc lập – điều này không chỉ phá vỡ mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu tập trung mà còn có thể tạo tiền lệ pháp lý cho hàng loạt vụ kiện tương tự nhắm vào các “gã khổng lồ” khác như Google, Amazon hay Apple.
Ngoài Meta, hiện Google cũng đang trong giai đoạn hậu xét xử liên quan đến vi phạm luật cạnh tranh trong mảng tìm kiếm, trong khi Amazon cũng bị điều tra về cấu trúc thị trường và hành vi cạnh tranh.