Nghĩa là, nếu người nộp thuế tuân thủ tốt sẽ được cấp “thẻ xanh”, được hỗ trợ đặc biệt trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế, còn nếu mức độ tuân thủ không tốt, sẽ đưa vào nhóm riêng để theo dõi, kiểm tra, giám sát.
"Thẻ xanh" đồng nghĩa với việc tuân thủ tốt nghĩa vụ thuế
Việc phân loại, đánh giá và xác định nhiệm vụ trong kế hoạch thu ngân sách của cơ quan thuế là vô cùng quan trọng. Đây là một phần của nghệ thuật quản lý, đặc biệt trong một môi trường kinh tế biến động, nơi phân tích và đánh giá các tiêu chí là chìa khóa để quản lý hiệu quả nguồn thu.
Việc cơ quan thuế áp dụng một bộ tiêu chí khoa học và có tính nhân văn trong quản lý thuế có thể đánh dấu một bước cải tiến quan trọng. Người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ của mình có thể nhận được "thẻ xanh", biểu tượng cho sự tin cậy từ cơ quan thuế.
Câu hỏi đặt ra là liệu cơ quan thuế có nên cấp "thẻ xanh" và dựa trên những tiêu chí nào. Nếu được cấp, người nộp thuế sẽ được hưởng những ưu đãi gì từ "thẻ xanh" này?
Người nộp thuế đạt đủ tiêu chí sẽ được cấp "thẻ xanh", từ đó họ sẽ nhận được một số ưu đãi, bao gồm: không bị kiểm tra hoặc thanh tra trong thời gian có hiệu lực của "thẻ xanh", ưu tiên trong quy trình hoàn thuế đơn giản hóa, và được tuyên dương về việc tuân thủ pháp luật thuế. Điều này không chỉ tích cực đối với Nhà nước mà còn đóng góp vào cộng đồng xã hội nói chung.
Nếu quyết tâm sẽ thực hiện được
Có nhiều câu hỏi đặt ra và ngành Thuế cần và phải xử lý, đặc biệt là hai câu hỏi lớn sau đây: Nếu ngành Thuế triển khai việc cấp “thẻ xanh” cho người nộp thuế “sạch” thì có thực hiện được không? Giải pháp là như thế nào?
Trả lời cho hai câu hỏi lớn trên, có thể khẳng định rằng: Nếu ngành Thuế quyết tâm, nếu hiểu rằng đây là vấn đề trọng yếu trong công tác quản lý thuế, thì chắc chắn sẽ tìm ra giải pháp để triển khai hiệu quả nội dung này, bởi hiện nay thế giới đã và đang quản lý thuế căn cứ vào tính tuân thủ pháp luật thuế của các đối tượng quản lý, dựa trên bộ tiêu chí đánh giá khách quan về tình hình hoạt động kinh doanh của người nộp thuế. Cách quản lý này căn cứ vào quá trình phân tích rủi ro, phân loại người nộp thuế theo một phương pháp khoa học. OECD, các tổ chức quốc tế đã ban hành các tài liệu hướng dẫn để cơ quan thuế các nước tham khảo, học tập kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, các nước EU, Singapore hay ngay cả Trung Quốc đã và đang áp dụng hiện nay cách quản lý này. Tại Việt Nam, cơ quan hải quan hay các ngành, lĩnh vực trong quản lý nhà nước đã áp dụng cách phân loại đối tượng quản lý thành các nhóm khác nhau để quản lý hiệu quả; đặc biệt đối với ngành dịch vụ, việc phân loại khách hàng để cung cấp dịch vụ một cách tốt nhất đã và đang được các nhà cung cấp tích cực triển khai.
Cũng phải nói thêm rằng, việc cấp “thẻ xanh” cho người nộp thuế “sạch” là một bước phù hợp và đây cũng chính là nghệ thuật trong quản lý nhà nước; điều này tác động đến tâm lý, thói quen và giúp người nộp thuế từng bước nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế theo thời gian, hướng đến lợi ích trước mắt của doanh nghiệp mình, sau đó là lợi ích chung của xã hội và cộng đồng. Phương thức quản lý này mang tính nhân văn sâu sắc và có tính bền vững cao. Điều này trả lời cho các câu hỏi trên, cũng là giải thích cho việc tại sao các nước áp dụng cách phân loại và đánh giá người nộp thuế dựa trên sự tín nhiệm của cơ quan thuế là như vậy; hình tượng cấp “thẻ xanh” cho người nộp thuế “sạch” được xem như cách thể hiện mang tính khách quan, khoa học và nghệ thuật trong quản lý thuế mà cơ quan thuế hướng tới.
Bên cạnh đó, việc đánh giá, sắp xếp và phân loại này đòi hỏi cần một bộ phận chuyên trách - là bộ phận quản lý tuân thủ về thuế - và có sự kết hợp của các bộ phận chức năng khác có liên quan, bao gồm bộ phận Tuyên truyền - hỗ trợ; Kê khai - kế toán thuế; Thanh tra - kiểm tra; Thu nợ - cưỡng chế nợ thuế… để có thể đánh giá và phân loại một cách khách quan nhất, nhằm thực hiện theo một quy chế thống nhất.
Hy vọng rằng, trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ có những nghiên cứu, đánh giá và xem xét cụ thể để có thể ban hành việc cấp “thẻ xanh ” cho người nộp thuế tuân thủ tốt nghĩa vụ về thuế và pháp luật Nhà nước, nhằm thúc đẩy quản lý thuế được tối ưu hóa, nâng tầm quản lý theo hướng nhân văn, bền vững và hướng đến quản lý tuân thủ về thuế của người nộp thuế theo mức độ tín nhiệm mà cơ quan thuế đã và sẽ triển khai.
Để cấp "thẻ xanh" cho người nộp thuế "sạch" ở Việt Nam, ngành Thuế cần xây dựng các tiêu chí đánh giá cụ thể, lấy cảm hứng từ thực tiễn quản lý thuế hiện nay và tham khảo các hệ thống tính điểm từ các quốc gia khác.
Các tiêu chí này có thể bao gồm:
Tình trạng hoạt động ổn định: Người nộp thuế cần có tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và liên tục trong ít nhất 2 năm trở lên tính đến ngày xét cấp "thẻ xanh". Họ cũng phải tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục đăng ký, cập nhật thông tin thuế, nộp tờ khai, báo cáo, quyết toán thuế, và thời hạn nộp thuế, đồng thời không vi phạm pháp luật thuế.
Tránh vi phạm: Người nộp thuế không được vi phạm các quy định về nợ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, không vi phạm quy định về báo cáo, sổ sách kế toán phục vụ cho tính thuế, và không bị phạt thuế trong 2 năm trước khi xét cấp "thẻ xanh".
Tình hình tài chính và doanh nghiệp: Đối với doanh nghiệp, họ không nên rơi vào các trường hợp như thường xuyên lỗ, không có biện pháp tài chính để khắc phục tình trạng tài chính yếu kém, lợi nhuận thấp hơn các doanh nghiệp khác trong cùng ngành, hoặc có mức biến động lớn về doanh thu và chi phí hàng năm mà số thuế nộp không tương xứng.
Ứng dụng công nghệ thông tin: Người nộp thuế nên tích cực áp dụng công nghệ thông tin trong việc kê khai và nộp thuế, cũng như thực hiện các giao dịch thanh toán qua ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác theo quy định.
Các tiêu chí này sẽ giúp đánh giá mức độ tuân thủ của người nộp thuế và từ đó cung cấp ưu đãi phù hợp thông qua việc cấp "thẻ xanh".
Lê Văn Hải (Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế)