Vào tháng 1/2024, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan đã đưa ra cảnh báo về các vụ lừa đảo qua mạng liên quan đến sản phẩm xăng dầu. Những kẻ lừa đảo thường tạo ra các trang web giả mạo, cung cấp thông tin hoàn toàn bịa đặt. Khi các doanh nghiệp có ý định xác minh tính pháp lý, các đối tượng sẽ cung cấp thông tin thông qua các giấy tờ sao chép từ giấy phép đăng ký kinh doanh, được trích xuất từ cơ quan có thẩm quyền, hoặc mời gọi doanh nghiệp xác minh thông tin qua một bên thứ ba độc lập. Tuy nhiên, trên thực tế, bên thứ ba này là không có thật và không thể xác minh.
Đến tháng 4/2024, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cũng cảnh báo về dấu hiệu lừa đảo liên quan đến lô hàng nhập khẩu từ thị trường UAE. Một doanh nghiệp Việt Nam đã ký 3 hợp đồng mua 1.000 tấn nhựa PET từ đối tác tại UAE với tổng giá trị 665.500 USD. Sau khi nhận khoản đặt cọc 526.257 USD, đối tác UAE chỉ giao 25 container hàng cho doanh nghiệp Việt Nam, nhưng trọng lượng thực tế trong mỗi container chỉ đạt khoảng 15%-20% so với hóa đơn và chứng từ.
Gần đây, một vụ việc tương tự cũng xảy ra với đối tác tại Tây Phi, khi họ chỉ cung ứng 50% sản lượng điều thô theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp Việt Nam, hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng và bán hàng cho người khác với giá cao hơn trong bối cảnh giá cả leo thang.
Theo thông tin từ Thương vụ, Công ty A. tại Việt Nam đã có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu chế biến thủy sản. Vào tháng 5/2024, Công ty A. nhận được một thư chào hàng hấp dẫn từ một khách hàng X. tại Pakistan, người tự nhận là đại diện của Công ty Y. tại Pakistan, một công ty xuất khẩu thủy sản lớn và uy tín theo thông tin từ website. Tin tưởng vào thông tin này, Công ty A. nhanh chóng ký hợp đồng và chuyển trước 5.000 USD tiền đặt cọc. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, khách hàng X. không giao hàng đúng hẹn và cũng không trả lời rõ ràng các thắc mắc của Công ty A.
Mặc dù Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã nhanh chóng đưa ra cảnh báo, Công ty A. vẫn tiếp tục giao dịch với khách hàng X., và số tiền giao dịch đã lên tới 71.900 USD. Khả năng doanh nghiệp mất số tiền này hiện đang rất cao.
Thủ đoạn lừa đảo trong trường hợp này là các đối tượng mạo danh những công ty có thật ở nước ngoài, sau đó liên hệ với các doanh nghiệp tại Việt Nam có nhu cầu xuất nhập khẩu để giao dịch. Những kẻ lừa đảo sử dụng các chiêu trò tinh vi và tài liệu giả mạo như bản sao giấy chứng nhận chất lượng, xuất xứ, và bản sao vận đơn để lấy lòng tin của doanh nghiệp. Sau khi nhận tiền đặt cọc, các đối tượng sẽ biến mất, xóa sạch mọi dấu vết.
Mặc dù đang tiếp tục hỗ trợ Công ty A., Thương vụ Việt Nam tại Pakistan khuyến nghị các doanh nghiệp cần phải thận trọng khi thực hiện các giao dịch xuất nhập khẩu. Với các hợp đồng có giá trị lớn, doanh nghiệp nên đầu tư chi phí sang tận nơi để tìm hiểu đối tác, kết hợp khảo sát thị trường nhằm giảm thiểu rủi ro. Các chuyến đi này không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về đối tác mà còn mở ra nhiều cơ hội kết nối với các đối tác mới và tìm kiếm thêm các mặt hàng tiềm năng.
Tình trạng lừa đảo và tranh chấp thương mại vẫn diễn ra do doanh nghiệp còn chủ quan, soạn thảo hợp đồng sơ sài và thiếu cam kết chặt chẽ. Ngoài Pakistan, Ả Rập Xê-út cũng là một thị trường xuất khẩu tiềm năng, nhưng theo ông Trần Trọng Kim, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập Xê-út, khi giao dịch với doanh nghiệp tại khu vực này, doanh nghiệp cần lưu ý ký hợp đồng thanh toán qua thư tín dụng (LC) và không nên trả trước bất kỳ khoản phí nào liên quan đến phí môi giới hay phí phát hành hóa đơn, vì đây có thể là dấu hiệu của lừa đảo. Nếu có nghi ngờ, doanh nghiệp nên thận trọng và xác minh qua Đại sứ quán hoặc Thương vụ Việt Nam.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết Bộ đã phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp trong các giao dịch thương mại quốc tế. Bộ Công Thương cũng giao các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cung cấp và cập nhật thông tin thị trường, khuyến cáo cho doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ xác minh thông tin đối tác khi cần thiết.
“Các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng như chủ động làm việc với các cơ quan đối tác, hiệp hội ngành hàng nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp thương mại nếu có xảy ra, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp”, ông Chiến nêu phương hướng.
Đại diện các cơ quan Thương vụ cũng khuyến nghị, đối với các giao dịch có giá trị nhỏ, doanh nghiệp có thể chấp nhận rủi ro 100%. Nhưng riêng với những hợp đồng có giá trị lớn, doanh nghiệp cần chấp nhận bỏ ra chi phí để sang tận nơi tìm hiểu đối tác xuất, nhập khẩu kết hợp thêm khảo sát thị trường, mở rộng quan hệ, giúp giảm thiểu rủi ro. Qua những chuyến đi này doanh nghiệp có thể còn tìm thêm được nhiều mặt hàng mới, kết nối được với nhiều đối tác mới, mang lại lợi ích lớn gấp nhiều lần chi phí bỏ ra.
Quý Anh