Thứ năm 03/10/2024 07:28
Hotline: 024.355.63.010
Thời cuộc

Căng thẳng Iran-Israel làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu

02/10/2024 11:42
Các nhà quan sát thị trường dầu mỏ đang nhận thấy mối đe dọa thực sự về việc gián đoạn nguồn cung, sau khi Iran tấn công Israel bằng tên lửa đạn đạo vào tối 1/10, làm leo thang xung đột ở Trung Đông.
aa
Căng thẳng Iran-Israel làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu
Căng thẳng Iran-Israel làm gia tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu mỏ

Vào tối ngày thứ Ba (1/10), Iran đã tung ra đợt tấn công tên lửa nhằm vào Israel để trả đũa cho việc nước này đã sát hại thủ lĩnh của nhóm Hezbollah là Hassan Nasrallah, và một chỉ huy của Iran tại Lebanon.

Theo nhận định của các nhà phân tích, cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran có thể sẽ sớm trở thành mục tiêu của Israel khi nước này cân nhắc tới hành động đáp trả.

Ông Saul Kavonic, nhà phân tích năng lượng cao cấp tại MST Marquee cho biết: "Xung đột ở Trung Đông có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung dầu. Nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng đến nguồn cung dầu hiện đang cận kề". Những diễn biến mới nhất này có thể tạo ra một bước ngoặt, sau một thời gian dài khi mà các rủi ro địa chính trị không được chú ý, trong đó các nhà giao dịch đã bỏ qua các mối đe dọa về gián đoạn nguồn cung dầu bắt nguồn từ tình hình Trung Đông và Ukraine, ông cho biết thêm.

Theo đó, có tới 4% nguồn cung dầu toàn cầu đang gặp rủi ro khi cuộc xung đột hiện đang bao trùm trực tiếp lên Iran. Một cuộc tấn công hoặc các biện pháp trừng phạt quyết liệt từ Israel có thể đẩy giá dầu lên lại mức 100 USD/thùng, ông Kavonic nói thêm.

Căng thẳng Iran-Israel làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu
Diễn biến giá dầu thô WTI của Mỹ. (Ảnh: Tradingview)

Đợt tấn công bằng tên lửa mới nhất của Iran diễn ra sau khi Israel triển khai quân đội đến miền nam Lebanon, làm gia tăng căng thẳng với Hezbollah, nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn. Phần lớn trong số 200 tên lửa phóng đi đã bị lực lượng phòng vệ Israel và Mỹ đánh chặn, và không có trường hợp tử vong nào được báo cáo tại Israel sau vụ tấn công.

Giá dầu đã tăng hơn 5% trong phiên giao dịch ngay sau đợt tấn công bằng tên lửa, sau đó giảm nhẹ ở mức tăng 2%. Hiện tại, giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu đang giao dịch ở mức tăng hơn 1,44%, tương đương 74,62 USD/thùng. Trong khi đó, hợp đồng tương lai dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ tăng 1,62% lên mức 70,95 USD/thùng.

Khi Israel chuyển hướng từ Gaza sang Lebanon và Iran, cuộc chiến đang bước vào giai đoạn mới, liên quan nhiều hơn đến năng lượng.

- Ông Bob McNally, chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Rapidan -

Kể từ khi xung đột vũ trang Israel-Hamas bắt đầu vào ngày 7 tháng 10 năm ngoái, những gián đoạn trên thị trường dầu mỏ vẫn còn tương đối hạn chế. Ngoài ra, thị trường dầu mỏ cũng chịu áp lực khi Mỹ gia tăng sản lượng, trong khi nhu cầu yếu từ Trung Quốc đã khiến giá dầu giảm, ông Andy Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates, cho biết.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Iran là nhà sản xuất lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), với sản lượng gần bốn triệu thùng dầu mỗi ngày.

Giai đoạn mới của cuộc chiến?

Các nhà phân tích khác cũng đồng tình với lời cảnh báo của ông Kavonic.

"Khi Israel chuyển hướng từ Gaza sang Lebanon và Iran, cuộc chiến đang bước vào giai đoạn mới, liên quan nhiều hơn đến năng lượng," ông Bob McNally, chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Rapidan, nói với CNBC. Ông cho biết thêm rằng Israel có thể sẽ thực hiện đòn trả đũa “lớn hơn nhiều”.

"Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi mọi căng thẳng được cải thiện”, ông nói.

Ông Ross Schaap, trưởng bộ phận nghiên cứu tại GeoQuant, sử dụng dữ liệu cấu trúc và tần số cao để tạo ra các chỉ số rủi ro chính trị, cho biết mô hình phân tích rủi ro của tổ chức này về xung đột giữa Israel và Iran đã chứng kiến sự gia tăng đột biến sau các cuộc tấn công tên lửa gần đây. Những kết quả này chỉ ra rằng "các sự kiện lớn hơn nhiều" được kỳ vọng sẽ xảy ra, ông Schaap cho biết.

Ông Josh Young, CIO của Bison Interests, người cũng đang quan sát khả năng xảy ra một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran và gián đoạn nguồn cung, cho biết rằng đây là "một sự leo thang đáng kể" từ phía Iran. Nếu xuất khẩu dầu của Iran bị gián đoạn do một cuộc tấn công, ông Young dự đoán giá dầu sẽ tăng vượt mức 100 USD/thùng.

Bài liên quan
Tin bài khác
Bài VI: Hệ thống đường sắt cao tốc và những tác động tới kinh tế, xã hội ở Hàn Quốc

Bài VI: Hệ thống đường sắt cao tốc và những tác động tới kinh tế, xã hội ở Hàn Quốc

Hệ thống đường sắt cao tốc của Hàn Quốc đã trở thành biểu tượng của một nền giao thông hiện đại và hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội toàn diện đối với quốc gia này.
Kinh tế ASEAN: Từ khởi đầu chậm chạp đến kết thúc đầy triển vọng

Kinh tế ASEAN: Từ khởi đầu chậm chạp đến kết thúc đầy triển vọng

Khi năm 2024 dần khép lại, có vẻ như các nền kinh tế ASEAN sẽ kết thúc năm nay theo một cách tương đối khác biệt so với lúc khởi đầu.
Bài III: Hệ thống đường sắt cao tốc ICE - biểu tượng của nước Đức

Bài III: Hệ thống đường sắt cao tốc ICE - biểu tượng của nước Đức

Đức là một trong những quốc gia tiên phong trong việc phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc trên thế giới với thương hiệu nổi tiếng InterCity Express - Tàu tốc hành liên thành phố (ICE).
Bài II: Shinkansen - Hệ thống đường sắt cao tốc đánh dấu sự trỗi dậy của Nhật Bản

Bài II: Shinkansen - Hệ thống đường sắt cao tốc đánh dấu sự trỗi dậy của Nhật Bản

Shinkansen là hệ thống tàu cao tốc của Nhật Bản, và cũng là hệ thống ĐSCT đầu tiên trên thế giới. Đến nay, Shinkansen có 9 tuyến với tổng chiều dài hơn 2.951 km, kết nối các thành phố và khu vực khắp Nhật Bản.
Bài I: Trung Quốc và hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới

Bài I: Trung Quốc và hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới

Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc hiện chiếm hai phần ba tổng hạ tầng toàn cầu và là hệ thống lớn nhất thế giới. Sự phát triển này có tác động sâu sắc đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.