Vị trí độc đáo
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam khởi công xây dựng vào ngày 16/7/2013 (19/6 Quý Tỵ) và hoàn thành sau 10 tháng thi công. Thiền viện được Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đề xuất xây dựng, cũng là trưởng ban vận động đóng góp xây dựng Thiền viện.
Đặc biệt một số tượng Phật của Thiền viện được các lãnh đạo cấp cao cung tiến: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cung tiến tượng Phật Thích Ca chất liệu ngọc bích Myanma (do nghệ nhân Quốc gia Đào Trọng Cường – Chủ Công ty Thần Châu Ngọc Việt chế tác); nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cung tiến tượng Bồ tát Quán Thế Âm chất liệu ngọc bích Myanma. Ngoài ra các vị quan chức cấp Trung ương Đảng, Nhà nước, đồng bào phật tử thập phương hiến tặng các phẩm vật đến Thiền viện nhằm tỏ lòng tôn kính Phật hoàng Trần Nhân Tông, người khai sáng thiền phái Trúc Lâm cùng chư vị Minh quân Thánh triết Hộ Quốc An Dân qua các thời đại.
Kiến trúc mang nhiều nét văn hóa thời Lý – Trần
Du khách khi đặt chân đến đây không khỏi ngỡ ngàng trước dáng vẻ độc đáo của ngôi chánh điện, nhà thờ Tổ được xây dựng theo kiến trúc văn hóa Lý – Trần, lợp ngói tám mái theo phong cách nhà Trần, Tổ điện lợp ngói bốn mái theo phong cách triều Lý; tháp chuông, tháp trống được xây dựng theo tháp chuông chùa Keo (ở Thái Bình).
Khuôn viên Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được bài trí cân đối với 20 hạng mục công trình như: Nhà Tổ, nhà Thủy tạ, bảo tháp 9 tầng, tháp trống, tháp chuông, khu tăng xá và nhà khách, khu trai đường, thư viện.
Đặc biệt, 4 hạng mục trên được làm bằng gỗ lim, khoảng 1.000 mét khối được nhập từ Nam Phi. Ngoài ra còn có hội trường rộng rãi, đáp ứng nhu cầu giảng đạo, tu học cho khoảng 500 phật tử.
Cổng chính của Thiền viện là những vòm mái vuốt cong với hình đầu rồng cách điệu, và cửa được làm bằng chất liệu gỗ quý, khoác lên cho mình lớp áo màu nâu bóng loáng. Hơn nữa, hai bên cổng chính đặt 2 bức tượng cao bằng đá non nước, với bên trái là tượng Long thần và bên phải là tượng Hộ Pháp bảo vệ ngôi Tam Bảo.
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam mang trong mình một thế giới nghệ thuật và tâm linh tuyệt vời. Từ cổng chính, du khách sẽ đưa bước vào một khuôn viên rộng rãi và thoáng đãng, nơi mà sự cân đối và tinh tế đã được bài trí một cách tinh xảo. Các công trình nổi bật bao gồm Quan Âm điện, Di Lặc điện (Thủy tạ), Chùa Một Cột, Giảng đường, Khách đường, Trai đường, Thư viện, và phòng chẩn trị y học cổ truyền.
Bên phải của khuôn viên là một ngôi nhà Thủy tạ độc đáo nằm sát mặt hồ tròn với các bông hoa súng khoe sắc tươi thắm dưới ánh mặt trời. Để vào nhà Thủy tạ, du khách phải băng qua một cây cầu sơn màu đỏ, với bức tượng Phật Di Lặc bằng gỗ quý, mang nét mặt hoan hỉ. Phía bên trái là nhà Thủy tạ khác, cũng có kiến trúc tương tự, với bức tượng thờ Quan Âm Bồ Tát bằng đá trắng, cao tới 2 mét, thể hiện vẻ mặt từ bi và thánh thiện.
Tiếp tục bước đi trên khoảng sân gạch rộng và thoáng, du khách sẽ đến nơi chính điện. Bên phải là tháp chuông với mái cong cao vút, bên trong là đại hồng chung nặng 1,5 tấn, toả sáng trong ánh nắng mặt trời. Bên trái là tháp trống, cũng với kiến trúc giống tháp chuông, trống được đặt trên một giá gỗ chạm trổ tinh xảo, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Cả hai công trình này được lấy cảm hứng từ kiến trúc tháp chuông của Chùa Keo ở tỉnh Thái Bình. Kế bên tháp trống là mô hình thu nhỏ của Chùa Một Cột.
Nhưng điều thú vị nhất nằm bên trong chính điện, còn được gọi là Đại Hùng Bửu Điện. Cả không gian chính điện thể hiện sự thâm nghiêm và tôn kính, với nền lót bằng gạch màu đỏ cho ra một cảm giác thoáng mát. Chính điện được xây dựng với 44 cột gỗ lim to, bào nhẵn và sơn bóng, tạo nên một bầu không khí trang trọng và uy nghiêm. Tất cả các cột được đặt trên những tấm tán bằng đá xám vân mây, được chạm trổ hình hoa sen cách điệu.
Trung tâm của chính điện là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng , cao khoảng 3,6 mét và nặng 3,5 tấn, tĩnh tọa trên một tòa sen . Phía phải chính điện là bệ thờ với tượng Bồ Tát Văn Thù và Đức Chúa Ông, phía trái là bệ thờ với tượng Bồ Tát Phổ Hiền và Đức Thánh Hiền, tất cả đều làm bằng gỗ thủy tùng, chạm trổ tinh vi khéo léo. Từng cột được trang trí những câu liễn đối bằng tiếng Việt trên nền vàng và chữ đen, khiến du khách cảm thấy sự thanh tịnh và lòng thành kính mỗi khi bước chân vào đây.
Hàng năm vào dịp lễ Xuân, Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam còn là nơi để bà con đến tu tập, tụng kinh cầu bình an, may mắn, mạnh khoẻ đầu năm mới, có những khóa lễ thu hút được 2.000 phật tử đến tham dự.
Vai trò của Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam tại Tp. Cần Thơ như một nét chấm phá về điểm du lịch tâm linh trong chuỗi các điểm đến tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, cũng là nơi kết nối các điểm du lịch của huyện Phong Điền và TP.Cần Thơ.
Bích Liên – Thu Hiền