Với kế hoạch như trên, thành phố Cần Thơ ước giá trị giải ngân đến hết ngày 30/9/2022 là 3.772 tỷ đồng, đạt 51,6% kế hoạch, tăng 1.648 tỷ đồng so với cùng kỳ. Cụ thể như sau:
Cần Thơ sẽ khởi công 3 gói thầu xây lắp với giá trị khoảng 1.861 tỷ đồng của dự án đường vành đai phía Tây thành phố với giá trị giải ngân khoảng 200 tỷ đồng, đồng thời giải ngân 206 tỷ đồng kinh phí giải phóng mặt bằng. Khởi công 3 gói thầu xây lắp với tổng giá trị là 1.026 tỷ đồng của dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị với giá trị giải ngân khoảng 300 tỷ đồng, đồng thời giải ngân 100 tỷ đồng kinh phí giải phóng mặt bằng. Cố gắng giải ngân 2 gói thầu của dự án xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 917 và dự kiến giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm 2022 là 100 tỷ đồng. Tỉnh cũng khởi công 5 gói thầu với tổng giá trị khoảng 522 tỷ đồng của dự án đường tỉnh 921 và dự kiến giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm 2022.
Ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố đang chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công, nhất là những dự án quan trọng, những dự án có số vốn bố trí lớn, các dự án sử dụng vốn ODA.
Tính đến ngày 23/8/2022, toàn thành phố đã thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt 30,3%; trong đó, cấp thành phố giải ngân đạt 20,9% kế hoạch, cấp quận, huyện giải ngân đạt 61% kế hoạch.
Nhằm tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố lần thứ 7, Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ đã ra quyết nghị điều chỉnh vốn nội bộ của 16 dự án giữa các đơn vị chủ đầu tư với tổng số tiền là 173,9 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Phương Thủy - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố Cần Thơ đề nghị, UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá và đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án giải ngân thấp sang các dự án có tỷ lệ giải ngân cao theo thẩm quyền nhằm đảm bảo tỷ lệ giải ngân chung toàn thành phố theo kế hoạch. Cần quan tâm đánh giá, cân nhắc, xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan đơn vị chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nhiều lần vì lý do chủ quan trong khi nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế, nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.
Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ cho biết, các vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố trong thời gian qua còn chậm là do xuất phát từ đặc thù của đầu tư công và ảnh hưởng từ việc bồi hoàn, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công là chủ yếu.
Để giải quyết khó khăn, vướng mắc và tăng khối lượng, giá trị giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tập trung nhân lực phối hợp với các chủ đầu tư giải quyết triệt để theo đúng quy định đối với các trường hợp còn vướng mắc trong bồi hoàn hỗ trợ tái định cư, giao mặt bằng phục vụ thi công.
Đối với các công trình giao thông quan trọng của thành phố thì các quận, huyện tập trung thực hiện, triển khai bồi thường, thu hồi đất, đảm bảo mặt bằng thi công để khởi công các dự án trong quý III/2022.
Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư đều thực hiện cam kết bằng văn bản về tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được phân bổ với cam kết quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên.
P.V (t/h)