Tình trạng này ở cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; giữa các kênh phân phối khác nhau, đại lý với đại lý hoặc môi giới, doanh nghiệp với doanh nghiệp, hoặc giữa các chi nhánh của cùng doanh nghiệp với nhau.
Bên cạnh đó, hoạt động của các tổ chức đại lý, môi giới bảo hiểm chưa chuyên nghiệp, vẫn còn tình trạng tư vấn bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, tìm hiểu chính xác khả năng tham gia bảo hiểm của bên mua bảo hiểm, xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm. Thậm chí có cả những đại lý môi giới bảo hiểm vô tình hoặc “cố ý” lừa dối khách hàng dẫn đến nhiều thiệt hại mà không thể giải quyết...
Mặc dù vậy, việc khởi kiện cũng không dễ là do: Khách hàng không hiểu biết pháp luật, không hiểu thủ tục, quy trình khởi kiện nên sẽ thấy lúng túng và phức tạp; quá trình tố tụng thường kéo dài, mất thời gian đi lại nhiều lần và cũng ảnh hưởng đến chi phí theo kiện.
Bà N.T.E tại Thái Bình cho hay, mấy năm trước, bà tham gia bảo hiểm nhân thọ của một công ty bảo hiểm do một người bạn học cùng cấp 3, làm đại lý ở đây tư vấn. Giá trị bảo hiểm cho bệnh hiểm nghèo và tử vong là 200 triệu đồng. Do không có điều kiện đóng tiền hàng năm, nên bà E đã đóng tiền theo quý, nhưng không nộp vào tài khoản của công ty mà nộp thông qua đại lý tư vấn.
Cần thắt chặt quản lý các tổ chức đại lý, môi giới bảo hiểm.
Đến năm 2019, bà E phải tiến hành phẫu bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện Việt Đức, sau đó điều trị hoá chất tại bệnh viện K-Tân Triều trong một thời gian dài. Bà E và gia đình đinh ninh sẽ được công ty bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm để trang trải chi phí. Tuy nhiên, khi làm thủ tục, bà mới tá hoả vì công ty thông báo hợp đồng của bà bị mất hiệu lực do không đóng phí bảo hiểm định kỳ.
Liên hệ với người bạn là đại lý tư vấn, đại lý này xác nhận đã cầm tiền của khách hàng nhưng chưa nộp vào công ty nên hợp đồng bị cắt. Sau đó, đại lý này đã nộp tiền và được công ty bảo hiểm khôi phục lại hiệu lực hợp đồng cho bà E. Đại diện công ty giải thích, theo điều khoản đã ký kết với khách hàng, đối với hợp đồng bị mất hiệu lực, thời gian khôi phục là 90 ngày. Vì vậy, trong thời gian bà E nằm viện, điều trị bệnh sẽ không được công ty chi trả quyền lợi là đúng quy định.
“Khi đại lý tư vấn và bán bảo hiểm thì rất nhiệt tình, vì tin tưởng là bạn nên tôi thường nộp tiền thông qua đại lý mà không nộp vào tài khoản công ty. Nhưng khi mâu thuẫn xảy ra, đại lý này đã tắt điện thoại, nhiều lần tôi đến nhà gặp nhưng đều lảng tránh. Tôi cũng đành chấp nhận vì một phần lỗi do mình và cũng không biết cách giải quyết thế nào để đòi bồi thường”, bà E chia sẻ.
Trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, ông Cường cho biết, việc khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam bị lừa đảo thông qua các đại lý tư vấn là khá phổ biến, đã có nhiều vụ chiếm đoạt lên đến cả tỷ đồng, một phần do khách hàng chưa tham khảo kỹ hợp đồng và một phần do quá cả tin vào người tư vấn.
Đối với trường hợp trên, ngay sau khi xảy ra mâu thuẫn giữa khách hàng với công ty bảo hiểm, đại lý tư vấn cho bà E đã khắc phục hậu quả bằng cách nộp tiền vào công ty. Tuy nhiên, việc này cũng không giúp khách hàng được đảm bảo quyền lợi vì một phần lỗi là do khách hàng. Vì vậy, bà E có thể thoả thuận với khách hàng yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc có thể khởi kiện ra toà án dân sự để giải quyết.
“Thông qua sự việc trên, người dân trước khi tham gia bảo hiểm cần tham khảo kỹ và đọc hiểu hợp đồng để phòng tránh rủi ro đáng tiếc. Đồng thời, nâng cao các kiến thức pháp luật, quy định về lĩnh vực bảo hiểm mà Bộ Tài chính đã ban hành.
Mặt khác, giữa công ty bảo hiểm và đại lý tư vấn cũng cần có những điều lệ quán triệt, chế tài xử phạt thông qua các điều khoản khi kết hợp đồng đại lý. Khách hàng mới chính là “nguồn sống” của các công ty bảo hiểm, vì vậy, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng phải được ưu tiên hàng đầu”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo Bộ Tài chính, Luật Kinh doanh bảo hiểm được ban hành cách đây 20 năm, cùng với sự phát triển của thị trường bảo hiểm và hội nhập, hợp tác quốc tế, nên đã bộc lộ một số tồn tại và cơ chế chính sách cũng có những bất cập chưa theo kịp với thực tế. Vì vậy, việc sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm là thực sự cần thiết.
Hiện Bộ Tài chính đang dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập của cơ chế chính sách hiện tại và bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ cam kết quốc tế của Việt Nam, hướng theo các chuẩn mực quốc tế về quản lý, giám sát bảo hiểm.
P.V (tổng hợp)