Cần phải cơ cấu lại thị trường và giảm giá bán nhà ở phù hợp với người có thu nhập thấp

10:35 26/12/2023

Làm thế nào để kéo giảm giá nhà và có nhiều nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Kéo giảm giá bán nhà ở xuống phù hợp với nhu cầu thực tế

Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, sau khi đã cơ bản giải quyết được các nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc, chữa bệnh, học hành, thì mối quan tâm lớn nhất của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, các gia đình trẻ và người nhập cư, là nhu cầu tạo lập nhà ở có mức giá vừa túi tiền (affordable housing) phù hợp với khả năng thu nhập.

Hiện nay, căn hộ trung cấp (2 phòng) có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2), cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8-12 triệu đồng/tháng, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm. Căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (25-30 triệu đồng/m2) và căn hộ nhà ở xã hội thì nguồn cung rất ít, nên hầu như vắng bóng trên thị trường TP.HCM trong hai năm qua.

Do vậy, làm thế nào để kéo giảm giá nhà và ngày càng có nhiều dự án nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhiều dự án căn hộ nhà ở thương mại giá thấp và nhiều dự án nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở rất lớn của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động, các gia đình trẻ và người nhập cư là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở lâu dài, vừa phát triển thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững. 

Tại Hội nghị “Giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: “Các chủ thể phải cùng nhau vào cuộc, chung tay, chung sức, đồng lòng hơn lúc nào hết, trách nhiệm với đất nước, nhân dân, vì nền kinh tế. Tất cả phải hành động, tư tưởng phải thông với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

Cùng với đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng phải cơ cấu lại phân khúc và giảm giá bán sản phẩm. Qua 2 hội nghị về bất động sản, Thủ tướng đã đề nghị điều này nhưng đến nay chưa được triển khai tích cực.

Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản kêu khó tiếp cận vốn, nhưng trong những năm qua, bất động sản tăng giá nói chung, nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi “một chiều” thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa? Lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc khó khăn phải có chính sách trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” thì mới là phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển”.

Mới đây, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA có đề nghị các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phải cơ cấu lại phân khúc thị trường và giảm giá bán sản phẩm nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”.

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhắc lại thông điệp trên đây như tại “Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” ngày 17/02/2023 hoặc tại “Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương” ngày 04/07/2023 và đã được thể hiện trong Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ xác định quan điểm “Tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm, chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai.

Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ cũng đã xác định mục tiêu “Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, tăng nguồn cung, đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị  trường bất động sản hợp lý hơn, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân” và khuyến nghị “các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trách nhiệm ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu; chủ động nghiên cứu tái cơ cấu lại giá cả, sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường”.

Ảnh minh họa
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA.

Ông Lê Hoàng Châu cho biết, từ năm 2022 đến nay, để tăng cường sức chống, chịu của nền kinh tế đối phó hiệu quả với “các cơn gió ngược” do tác động từ đại dịch CoViD- 19 và các xung đột địa chính trị, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát cao, giảm tổng cầu trên phạm vi toàn cầu thì tất cả các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước,Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có các chủ trương, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 2 Hội nghị để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà, nhà đầu tư và Thủ tướng cũng đã chủ trì Hội nghị chuyên đề về thực hiện Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021- 2030.

Tuy nhiên, ở “chiều” doanh nghiệp bất động sản tiếp thu, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu “phải cơ cấu lại phân khúc và giảm giá bán sản phẩm” thì các doanh nghiệp bất động sản “đến nay chưa được triển khai tích cực” như nhận xét của Thủ tướng Chính phủ và đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của doanh nghiệp bất động sản là trong tình hình thị trường bất động sản hiện nay còn “khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi “một chiều” thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa?”

Nhìn nhận về trách nhiệm này, ông Lê Hoàng Châu khẳng định, ngay từ năm 2018, khi thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu “lệch pha” phân khúc thị trường, “lệch” dần về phân khúc nhà ở cao cấp thì HoREA cũg đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư vào phân khúc thị trường “căn hộ vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền” (loại căn hộ 1-2 phòng ngủ có giá bán trên dưới 02 tỷ đồng) đáp ứng nhu cầu nhà ở thực rất lớn của đông đảo người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị để thúc đẩy phát triển loại “căn hộ vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền” trở thành phân khúc chủ đạo của thị trường bất động sản do có tính thanh khoản cao và bền vững.

“Đồng thời HoREA cũng đã khuyến nghị các doanh nghiệp tham gia các chương trình xây dựng lại nhà chung cư cũ hư hỏng, chương trình chỉnh trang, di dời nhà trên và ven kênh rạch, chương trình nhà ở xã hội của thành phố, chương trình phát triển các thiết chế công đoàn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để giải quyết nhà ở cho công nhân, lao động”, ông Châu nói.

Điều đáng quan ngại nhất, là phân khúc nhà ở bình dân năm 2020 chỉ có 163 căn hộ chỉ chiếm tỷ lệ 1% và trong các năm 2021, 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 thì không còn căn hộ nhà ở bình dân.

Nghệ Nhân