Cần hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông tham gia hiệu quả vào thị trường thanh toán số

11:07 09/12/2022

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó trưởng Ban Công nghệ Thông tin, Viện chiến lược Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đề xuất, cần hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông sử dụng hiệu quả các sức mạnh về dữ liệu, kênh phân phối, tham gia hiệu quả vào thị trường thanh toán số.

Sáng 9/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị “Tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Kết quả, bài học và kiến nghị”.

Ảnh minh họa
Hội nghị “Tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Kết quả, bài học và kiến nghị”. (Ảnh: Hoài Anh). 

Để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và với mục tiêu tạo chuyển biến thực chất, rõ nét về môi trường kinh doanh, ngay sau Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Nghị quyết thể hiện rõ thông điệp về đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.

Tiếp đó, trong 10 tháng năm 2022, Chính phủ đã ban hành hơn 10 văn bản (Nghị quyết của Chính phủ) có nội dung chỉ đạo về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh; trong đó nhấn mạnh tới cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó trưởng Ban Công nghệ Thông tin, Viện chiến lược TT&TT phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Hoài Anh). 

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nỗ lực tháo gỡ rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Ở mức độ nhất định, doanh nghiệp và người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm phục hồi và phát triển.

Trên một số bảng xếp hạng năm 2022, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm 2021. Trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế) tăng 6 bậc, từ vị trí 90 lên vị trí thứ 84. Phát triển du lịch và lữ hành (theo công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới, tháng 5/2022) cải thiện 8 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 60 lên vị trí 52).

Ở trong nước, theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021), chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực so với những năm trước đây.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó trưởng Ban Công nghệ Thông tin, Viện chiến lược TT&TT, Bộ TT&TT nhấn mạnh, trong những chuyển biến tích cực đó, chỉ số phát triển trên Chính phủ điện tử (EGDI) và Chỉ số an toàn an ninh mạng (GCI) của Việt Nam cũng có bước phát triển mới.

Chỉ số GCI của Việt Nam hiện đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chỉ xếp sau Singapore, Malaysia và Indonesia.

Để các chỉ số trên được giữ vững và phát triển, theo bà Quỳnh Anh, cần có chính sách phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trong thời gian tới.

Đó là giải pháp xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý cho phát triển hạ tầng số, phục vụ các ngành công nghiệp số, các mô hình và sản phẩm kinh doanh số. Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu quốc gia, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn thông tin mạng.

Thúc đẩy thị trường công nghệ số phát triển thông qua việc xây dựng chính sách điều tiết mối quan hệ về kinh tế giữa doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp nội dung số để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nội dung số, đồng thời vẫn đảm bảo quyền lợi, động lực của doanh nghiệp cung cấp hạ tầng nền tảng.

“Cần tạo điều kiện các doanh nghiệp tham gia các sân chơi mới và nâng cao vai trò của ngành trong cách lĩnh vực khác như lĩnh vực tài chính…thông  qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông sử dụng hiệu quả các sức mạnh về dữ liệu, kênh phân phối, tham gia hiệu quả vào thị trường thanh toán số. Triển khai nhanh, kịp thời chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển trong và sau đại dịch COVID-19 có cơ chế tự vận hành trong tình huống khủng hoảng tốt hơn để tránh hoặc giảm thiểu tình trạng bị động, lúng túng khi dịch bệnh xảy ra”, bà Quỳnh Anh khuyến nghị.

Đối với các bộ, ngành, địa phương, Phó trưởng Ban Công nghệ Thông tin, Viện chiến lược TT&TT cho rằng, cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính như rà soát và nâng cao hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử.

“Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền; kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các chỉ số có tính thụ động không phải báo số liệu, chỉ báo cáo các công việc đã thực hiện để nâng hạng chỉ số”, bà Quỳnh Anh nói.

Hoài Anh