Các Hiệp hội kiến nghị về quy định tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm

15:04 11/07/2024

Để đảm bảo sức khỏe người dân và sự phát triển ổn định, bền vững của các ngành kinh tế thực phẩm, các hiệp hội ngành hàng thực phẩm bày tỏ sự quan tâm và kính đề nghị Phó Thủ tướng xem xét chỉ đạo sửa đổi quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Mới đây, 5 Hiệp hội doanh nghiệp gồm: Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hội Lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, và Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc đã gửi văn bản tới Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, cùng Ban soạn thảo xây dựng Nghị định sửa đổi NĐ 09/2016/NĐ-CP. Văn bản này đề nghị sửa đổi và thúc đẩy tiến độ sửa đổi một số nội dung của Nghị định 09/2016/NĐ-CP theo Nghị quyết 19/2018/NQ-CP của Chính phủ và một số văn bản chỉ đạo điều hành có liên quan.

Các Hiệp hội đưa kiến nghị về quy định tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm
Các Hiệp hội đưa kiến nghị về quy định tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Trong văn bản, các hiệp hội cho biết, suốt 7 năm qua, từ năm 2017, các Hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho nhiều ngành hàng chế biến thực phẩm chủ lực của Việt Nam đã nhiều lần gửi văn bản báo cáo và kiến nghị tới Thủ tướng, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan. Các Hiệp hội đặc biệt chú ý đến quy định tại điểm a và b Khoản 1 Điều 6 của Nghị định 09, yêu cầu muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt và bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm.

Theo các Hiệp hội, quy định này không chỉ đi ngược lại nguyên tắc quản lý rủi ro mà còn thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, và không tương thích với thông lệ quốc tế cùng ngành sản xuất thực phẩm xuất khẩu. Điều này gây tốn kém và khó khăn cho các doanh nghiệp, trong khi hiệu quả cho sức khỏe cộng đồng rất thấp do công nghệ chế biến thực phẩm hoặc nguy cơ gây cường giáp cho người dân ven biển và thành phố khi bị thừa i-ốt mà không có lựa chọn thay thế.

Trong suốt thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã dõi theo tiến trình này và rất cảm kích về những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, các Hiệp hội vẫn mong đợi và kỳ vọng vào tiến độ và nội dung sửa đổi của Nghị định 09.

Với tinh thần cầu thị và đồng hành cùng Chính phủ và Bộ Y tế để đảm bảo sức khỏe người dân và sự phát triển ổn định, bền vững của các ngành kinh tế thực phẩm, các Hiệp hội ngành hàng thực phẩm bày tỏ sự quan tâm và kính đề nghị Phó Thủ tướng xem xét chỉ đạo sửa đổi Nghị định này theo tinh thần Nghị quyết 19/2018/NQ-CP và văn bản 265/VPCP-KGVX.

Linh Anh