Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Hội thảo do Hiệp hội Doanh nghiệp và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hoá tổ chức. Mục đích của chương trình hướng đến sự gia tăng kết nối các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm trong và ngoài tỉnh; hình thành liên kết giữa sản xuất - cung ứng và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP. Từ đó nâng cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm của tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hóa đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP
Sau 5 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Thanh Hoá đã có 535 sản phẩm được công nhận vươn lên đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP.
Tỉnh Thanh Hoá có 43 doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xuất khẩu sang 30 thị trường nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu năm năm 2023 đạt 273 triệu USD, 9 tháng đầu năm 2024 đạt 240 triệu USD. Hiện nay nông sản Thanh Hóa đã có mặt ở 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt năm 2023 Thanh Hóa trồng và xuất khẩu thành công lô vải không hạt đi Nhật Bản và Vương Quốc Anh.
Kết quả đó là nhờ vào sự quan tâm sát sao, chỉ đạo kịp thời từ phía Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các Ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các cơ chế, chính sách pháp luật thường xuyên được cập nhật, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận.
Đặc biệt doanh nghiệp ý thức rõ được những khó khăn nên đã luôn chủ động, nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ để thích ứng linh hoạt với sự thay đổi, biến động từng ngày, từng giờ của nền kinh tế thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thích ứng trong tình hình mới, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động, sản xuất giỏi, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tạo ra nhiều sản phẩm mới, giá trị mới, chủ động tìm kiếm cơ hội từ khó khăn, thách thức; tăng cường đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến nhằm tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, khẳng định thương hiệu; tham gia tích cực các chương trình hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá, Lê Đức Giang khẳng định: “Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã góp phần không nhỏ trong việc kết nối các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm, đóng góp lớn trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội của tỉnh. Hiệp hội đã tổ chức thành công 7 đoàn xúc tiến thương mại tại 3 miền Bắc – Trung – Nam, gồm 7 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vũng Tàu, Cần Thơ và Bình Định, tạo nhiều sân chơi lành mạnh cho các doanh nhân, doanh nghiệp được giao lưu, gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng, điều hành và phát triển”.
Phát huy vai trò của doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản và OCOP
Doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập. Vì vậy, tiềm lực về tài chính, tính chuyên nghiệp trong sản xuất, kinh doanh còn chưa cao, chưa đồng đều, do đó, doanh nghiệp còn e ngại khi tham gia các chương trình xúc tiến, kết nối giao thương, hội chợ. Doanh nghiệp cũng chưa kịp thời trong đầu tư, đổi mới trang thiết bị máy móc hiện đại, mở rộng thị trường, quy chuẩn hàng hóa, sản phẩm còn chưa cao, chưa thực sự cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại trên thị trường do chưa có kỹ năng bán hàng, chiến lược kinh doanh rõ ràng...
Tổng Giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông Nguyễn Hồng Phong báo cáo tại hội thảo. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào một số nội dung quan trọng, làm rõ các vấn đề liên quan đến vai trò của doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa. Từ đó, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc cũng như giải pháp để các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP và nhiều sản vật tiềm năng của tỉnh Thanh Hóa vươn ra mạnh mẽ tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc và cả thế giới.
Ông Trần Văn Tân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp An toàn và Hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, phát biểu tham luận. |
Ông Trần Văn Tân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp An toàn và Hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, phát biểu: “Rất mâu thuẫn là sản phẩm nông nghiệp của chúng tôi đã vươn ra thế giới, gia nhập vào nhiều thị trường lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU,…nhưng lại rất khó để có mặt tại các siêu thị tỉnh nhà. Rất mong cơ quan quản lý nhà nước xem xét giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp. Bởi như doanh nghiệp chúng tôi còn không đưa sản phẩm của mình vào được Coop mart, Big C thì các HTX, các chủ thể là các bác nông dân còn khó khăn hơn nhiều. Nghịch lý ở chỗ sản phẩm của mình được mời tham gia rất nhiều sân chơi lớn của quốc gia, thậm chí quốc tế nhưng lại thất bại trên chính quê hương mình”.
Bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Vinaco - HTX Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Vinaco chia sẻ những khó khăn: “Là doanh nghiệp trẻ, siêu nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đươc 4 năm, chúng tôi đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm nông nghiệp. Chúng tôi không bỏ bán hàng truyền thống nhưng rất tích cực áp dụng chuyển đổi số để cung cấp sản phẩm trên thị trường. Tôi thấy có rất nhiều chủ thể OCOP bứt phá làm sản phẩm nông nghiệp, truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khởi nghiệp. Bên cạnh đó, còn nhiều chủ thể khá bảo thủ và duy ý chí với cách làm xưa cũ. Họ chưa khai thác truyền thông một cách triệt để. Tình trạng “dìm” và nói xấu lẫn nhau tạo văn hoá xấu trong kinh doanh. Theo tôi ai cũng có những ưu và nhược điểm nên chúng ta phải đồng hành và học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển”.
Ông Nguyễn Hữu Lựu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng (xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ tại hội thảo. |
Ông Nguyễn Hữu Lựu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng (xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có nhiều khó khăn. Ngoài rủi ro về thiên tai, sâu bệnh, giá cả, ruộng đất manh mún, nguồn vốn tiếp cận đầu tư cho nông nghiệp khó... đang là "rào cản" để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chọn nông nghiệp. Bởi, ngoài cái duyên và lòng đam mê muốn thử sức, nếm trải những khó khăn vất vả, tôi muốn góp sức mình làm một điều gì đó có ích cho quê hương nên quyết định khởi nghiệp từ chính đồng đất địa phương. Tôi mong muốn mỗi địa phương, huyện sẽ có 1 cơ sở trưng bày bán sản phẩm OCOP của đơn vị mình”.
Bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc HTX sản xuất và thương mại Vinaco (TP. Thanh Hóa) phát biểu tại hội thảo. |
Thảo luận để đưa ra giải pháp thúc đẩy, tiêu thụ các sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP, bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Công ty TNHH Vinaco cho biết: “Để phát triển sản phẩm, chủ thể OCOP phải tập trung vào chất lượng bởi không gì đánh đổi được chất lượng. Bên cạnh đó cần cải cách về mẫu mã, bao bì và khai thác kênh bán hàng online một cách triệt để. Bởi các kênh mạng xã hội chính là mỏ vàng, mỏ kim cương, chúng ta khai thác để quảng bá cho sản phẩm của mình. Thời gian tới, mong rằng được các tổ chức Hội quan tâm, lắng nghe, hợp tác để các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, HTX, người nông dân,… được phát triển hơn nữa”.
Để tiếp tục xây dựng thương hiệu, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản xứ Thanh, đưa nông sản tỉnh đến nhiều hơn nữa thị trường trong nước và xuất khẩu, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh: “Tôi mong muốn mỗi doanh nghiệp chúng ta mạnh dạn đề xuất, đưa những giải pháp hiệu quả để Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hoá có định hướng hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tôi cũng mong muốn qua hội nghị này, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong thời gian tới sẽ có những hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn trong hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp xứ Thanh”.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan phát biểu. |
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, ông Cao Tiến Đoan cho biết: Phát huy vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực để trở thành cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và các cấp chính quyền trong tỉnh, sẵn sàng đồng hành cùng với chính quyền, người dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an toàn xã hội, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người lao động.
Ông Cao Tiến Đoan khẳng định, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật một cách kịp thời đến doanh nghiệp liên quan đến sản phẩm, hàng hóa; mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức, đặc biệt là kiến thức bán hàng trên nền tảng công nghệ số, sàn thương mại điện tử; tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để doanh nghiệp có cơ hội được tham gia, giao lưu, kết nối. Ký kết các quy chế phối hợp với các tổ chức Hội/ Hiệp hội Doanh nghiệp trong toàn quốc về tiêu thụ hàng hóa...
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nền kinh tế của Thanh Hóa sẽ có những bước phát triển nhảy vọt. Đặc biệt, các thương hiệu sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa sẽ dần được khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng tỉnh Thanh phát triển, bền vững trong tương lai.