Hạ tầng giao thông "đi trước mở đường"
Giao thông luôn là yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội và Cà Mau đã xác định rõ điều này khi ưu tiên đầu tư vào hạ tầng giao thông. Theo kế hoạch đầu tư công năm 2025, tỉnh tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, ước đến ngày 30/6 đạt khoảng 2.137 tỷ đồng, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dự kiến hoàn thành trong năm 2025, được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian kết nối giữa Cà Mau với các trung tâm kinh tế lớn như TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và vùng Ðông Nam Bộ". Bên cạnh đó, các dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyết mạch như U Minh - Khánh Hội, Cái Nước - Vàm Đình - Cái Đôi Vàm cũng đang được gấp rút triển khai. Dự án mở rộng, nâng cấp cảng hàng không Cà Mau dự kiến hoàn thành vào quý II/2026, hứa hẹn mở ra những cơ hội mới trong việc kết nối Cà Mau với các tỉnh thành trong nước và quốc tế.
![]() |
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau |
Không dừng lại ở đó, Cà Mau đang phối hợp với các bộ, ngành trung ương để chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, động lực như tuyến cao tốc Cà Mau - Đất Mũi, cảng Hòn Khoai và tuyến đường nối từ đất liền ra đảo Hòn Khoai, nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh và tuyến đường ven biển tỉnh Cà Mau.
Kinh tế biển: Đánh thức tiềm năng
Với đường bờ biển dài 310 km, tiếp giáp cả biển Đông lẫn Vịnh Thái Lan, Cà Mau sở hữu tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế biển. Theo Nghị quyết số 13-NQ/TW và Quy hoạch vùng Ðồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, Cà Mau được định hướng là trung tâm tiểu vùng ven biển, trung tâm năng lượng và chế biến thuỷ sản của vùng, đồng thời là trung tâm du lịch sinh thái và dịch vụ dầu khí quốc gia.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Cà Mau đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế biển, đặc biệt là nuôi và khai thác thuỷ sản, cảng biển, dịch vụ logistics, năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái biển. Tôm là mặt hàng chiến lược của tỉnh, với diện tích và sản lượng nuôi tôm dẫn đầu cả nước.
Cảng Hòn Khoai được quy hoạch thành cảng nước sâu cấp quốc gia, mở ra cơ hội lớn cho tỉnh trong phát triển logistics, thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng khu vực. Tỉnh cũng đang đề xuất phát triển cụm đảo Hòn Khoai thành vùng kinh tế trọng điểm gắn với quốc phòng - an ninh, trong đó Cảng nước sâu Hòn Khoai sẽ giữ vai trò trung tâm xuất khẩu và trung chuyển quốc tế.
![]() |
Đảo Hòn Khoai, Cà Mau |
Năng lượng tái tạo: Hướng tới tương lai xanh
Cà Mau có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Theo quy hoạch năng lượng, tiềm năng điện tái tạo của Cà Mau ước đạt 12.000 MW. Hiện đã có 14 dự án điện gió được chấp thuận chủ trương đầu tư (tổng công suất 800 MW), cùng hơn 1.200 công trình điện mặt trời mái nhà (trên 110 MWp).
Tỉnh đang tích cực thu hút đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi và điện khí LNG, đồng thời đề xuất xây dựng đề án xuất khẩu điện năng từ Cà Mau, một đòn bẩy quan trọng để đưa tỉnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng năng lượng quốc tế.
Để thu hút đầu tư, Cà Mau cũng không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Tỉnh thực hiện hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và thủ tục hành chính, áp dụng mô hình một cửa liên thông, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đầu tư.
Thông tin từ Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, tỉnh đang tập trung vào các giải pháp như cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ, và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, để kết nối với các trung tâm kinh tế lớn. Nhờ những nỗ lực này, Cà Mau đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thu hút đầu tư.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, có 302 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 1.916,4 tỷ đồng, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh cũng đã thu hút 7 dự án đầu tư mới, với tổng số vốn đăng ký 324,1 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 465 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký là 147.356 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án FDI, có tổng vốn đăng ký đầu tư là 171,5 triệu USD.
![]() |
Cà Mau được định hướng là trung tâm tiểu vùng ven biển, trung tâm năng lượng và chế biến thuỷ sản của vùng |
Hợp nhất Bạc Liêu - Cà Mau mở ra không gian phát triển mới
Một sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử phát triển của Cà Mau là việc hợp nhất với tỉnh Bạc Liêu, tạo ra một tỉnh Cà Mau mới với quy mô lớn hơn, tiềm lực mạnh hơn. Việc sáp nhập này không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo động lực bứt phá cho vùng cực Nam Tổ quốc.
Tỉnh Cà Mau (mới) đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến thủy sản, hướng tới trở thành trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, cùng với sự quyết tâm và khát vọng vươn lên, Cà Mau đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển, đảo, trở thành trung tâm kinh tế của vùng và cả nước.
Ông Nguyễn Minh Luân - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - nhấn mạnh, với lợi thế tự nhiên độc đáo, vị trí địa lý chiến lược, hạ tầng ngày càng hoàn thiện và môi trường đầu tư minh bạch, Cà Mau đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu cho các nhà đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế biển, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.