![]() |
Bữa tối triệu đô giữa Jensen Huang và ông Trump giúp Nvidia “giải cứu” chip AI H20 |
Lệnh cấm xuất khẩu dòng chip AI H20 của Nvidia sang Trung Quốc bất ngờ bị tạm dừng sau cuộc gặp riêng giữa Giám đốc điều hành Nvidia, ông Jensen Huang, và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại dinh thự Mar-a-Lago. Bữa tối có giá trị lên tới 1 triệu USD mỗi người này không chỉ là sự kiện giao lưu kết nối đơn thuần, mà dường như đã trở thành bước ngoặt lớn giúp Nvidia giữ vững thị trường chiến lược tại Trung Quốc.
Trước đó, chính quyền ông Trump được cho là đã chuẩn bị các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với chip H20 – dòng vi xử lý AI được Nvidia điều chỉnh giảm hiệu năng nhằm tuân thủ các quy định xuất khẩu của Mỹ. Đây là con chip tiên tiến nhất mà các công ty Mỹ vẫn còn được phép bán hợp pháp cho Trung Quốc, nơi đang có nhu cầu rất lớn về công nghệ AI trong bối cảnh nước này nỗ lực đẩy mạnh khả năng tự chủ công nghệ.
Thực tế, chính quyền Trump đã lên kế hoạch cấm xuất khẩu GPU H20 sang Trung Quốc ngay trước ngày 15 tháng 5, thời điểm Quy định Phân phối AI (AI Diffusion Rule) của chính quyền Biden dự kiến có hiệu lực, ban lệnh cấm bán tất cả các vi xử lý AI của Mỹ cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Nguồn tin của NPR tiết lộ, sau cuộc gặp tại Mar-a-Lago, ông Jensen Huang đã cam kết sẽ đầu tư mạnh vào hạ tầng AI tại Mỹ, đặc biệt là xây dựng các trung tâm dữ liệu. Chính lời hứa này đã khiến Nhà Trắng quyết định tạm dừng việc siết chặt xuất khẩu chip H20.
Việc chính quyền Mỹ tạm dừng lệnh cấm được xem là thắng lợi lớn cho các công ty công nghệ Trung Quốc. Theo thống kê, trong quý đầu năm 2025, các doanh nghiệp nước này đã nhanh chóng mua vào lượng lớn chip H20 với tổng giá trị lên tới 16 tỷ USD – động thái được đánh giá là nhằm đón đầu các rủi ro siết hạn chế từ Mỹ.
Quyết định của chính quyền Trump cho phép các công ty Trung Quốc tiếp tục mua chip H20 là một chiến thắng lớn cho đất nước Châu Á, theo nhận định của ông Chris Miller - giáo sư lịch sử tại Đại học Tufts và chuyên gia về ngành bán dẫn.
“Mặc dù những con chip này đã được chỉnh sửa để giảm hiệu năng nhằm đáp ứng quy định và hợp pháp hóa việc bán cho Trung Quốc - nhưng chúng vẫn vượt trội hơn nhiều, có lẽ là hầu hết, so với các chip Trung Quốc tự sản xuất”, ông Miller nhận định.
“Trung Quốc vẫn chưa thể tự sản xuất đủ số lượng chip cần thiết trong nước, vì vậy họ vẫn phụ thuộc nghiêm trọng vào việc nhập khẩu chip từ NVIDIA”, ông nói thêm
Một số chuyên gia còn cho rằng sự xuất hiện của mô hình ngôn ngữ R1 do DeepSeek phát triển tại Trung Quốc – có sức mạnh tương đương mô hình AI hàng đầu của Mỹ dù chỉ dùng chip hiệu năng thấp – càng thúc đẩy nhu cầu sử dụng H20 tại thị trường đông dân nhất thế giới.
Tuy nhiên, động thái “bật đèn xanh” của chính quyền Trump đang vấp phải phản ứng từ giới lập pháp Mỹ. một thành viên cấp cao của Hạ viện Mỹ bày tỏ lo ngại rằng việc Trung Quốc tiếp cận các công nghệ AI tiên tiến của Mỹ có thể tạo ra nguy cơ với an ninh quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển siêu máy tính, vũ khí hạt nhân và hệ thống trí tuệ nhân tạo cho mục đích quân sự.