Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa đã có sức lan tỏa, tác động tích cực, sâu sắc, toàn diện đến nhiều lĩnh vực của đời sống, góp phần bồi đắp chiều sâu văn hóa trên nền tảng của sự văn minh cho người Hà Nội.
Để danh hiệu đi vào thực chất
Trong năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng đặt câu hỏi: Tại sao tỷ lệ trung bình hơn 80% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, mà vấn đề lối sống, cách cư xử, bạo lực gia đình… vẫn trở thành nỗi canh cánh của nhiều người. Hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông, vẫn có những bài báo phản ánh tình trạng chồng đánh vợ, con đánh cha mẹ già; hoặc vấn đề cờ bạc, rượu chè cũng được dư luận báo động. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa của cấp T.Ư đến cấp địa phương phải làm rõ những vấn đề, nội hàm mới về đời sống văn hóa trong tình hình hiện nay. Từ đó thay đổi căn bản phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào, để ngày càng đi vào thực chất.
Cử nhân tại Văn Miếu - Quốc tử Giám. Ảnh: Văn Phúc
“Văn hóa là nền tảng của xã hội. Bên cạnh những giá trị mới, chúng ta cần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, không thể vì mưu sinh cuộc sống hằng ngày mà đánh mất đi, khi đó sẽ mất rất nhiều thời gian chưa chắc đã lấy lại được. Vì vậy, từng thành viên Ban Chỉ đạo phải rất trách nhiệm trong mọi hoạt động” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTT&DL đã xây dựng dự thảo Nghị định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, trình Chính phủ xem xét, ban hành, trong đó làm rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn bình xét, bảo đảm dễ nhớ, dễ thực hiện. Các tiêu chí bình xét ưu tiên bao trùm được tất cả các giá trị cốt lõi của văn hóa. Hà Nội là địa phương tích cực gắn kết các tiêu chí của phong trào đặc thù chiều sâu văn hóa được tích tụ từ hàng ngàn năm lịch sử.
Phát triển phong trào theo đặc thù văn hóa Thủ đô
Một Hà Nội văn minh, giàu truyền thống và tương thân tương ái không phải đong đếm bằng những thành công của con số hơn 85% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 70% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa và 7.000 đơn vị đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa; mà ở cách thức gây dựng phong trào mang tính đặc trưng của từng vùng, giúp phong trào gắn kết với đời sống người dân. Ví dụ như ở huyện Đông Anh tập trung đầu tư các nhà văn hóa ở thôn làng và đẩy mạnh các hoạt động văn hóa thể thao ở từng thôn làng. Huyện Thanh Trì cũng coi trọng công tác xây dựng hệ thống nhà văn hóa thôn làng, tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa làm nền tảng cho xây dựng làng văn hóa. Hiện nay, 100% thôn làng ở huyện đã có nhà văn hóa, phục vụ tốt các hoạt động.
"Để đạt mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội có 88% số hộ, 62% số làng, thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”; 72% tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”…, các ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa; đổi mới từ tư duy đến hành động, tạo chuyển biến cơ bản trong việc thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân." - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung "Hà Nội tập trung xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, phát huy những giá trị tốt đẹp của con người, của vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Cách triển khai bài bản, bền bỉ, linh hoạt, tôn trọng tính đặc thù của TP Hà Nội có thể là kinh nghiệm tốt để các địa phương khác học tập." - Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái |
Phong trào “Người tốt việc tốt” được phát động lồng ghép trong quá trình xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa cùng với phong trào thi đua lao động sáng tạo trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát huy tinh thần tương thân tương ái tại cộng đồng, nhiều mô hình được phát động ở các cấp, các ngành như: Mô hình “Xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa công nhân”; “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và Nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng”; “Vì sức khỏe cộng đồng nông dân Hà Nội chỉ sản xuất chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn”; “Cựu chiến binh Thủ đô tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”; hay như mô hình “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; mô hình “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Phòng chống ma túy từ gia đình”; mô hình “5 không, 3 sạch”… đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân tham gia. Qua các phong trào, các mô hình đã xuất hiện nhiều gương cá nhân và tập thể điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực sản xuất kinh tế, công tác, hoạt động xã hội.
Văn minh trong cưới, tang
Nhìn lại chặng đường đã qua, đại diện các ngành, địa phương đều chung nhận định, việc triển khai phong trào ở Hà Nội được thực hiện linh động, hiệu quả, phù hợp với đặc thù Thủ đô, thiết thực góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Đã có nhiều mô hình cưới mới như tổ chức tiệc trà, trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND xã, phường, đám cưới không thuốc lá. Quận đoàn Hoàng Mai đã xây dựng đám cưới tập thể cho 10 cặp bạn trẻ. Quận Hà Đông tổ chức đám cưới chỉ trong một ngày, không làm quá 40 mâm cỗ, không chơi cờ bạc. Quận Long Biên tổ chức cưới theo nghi thức Phật giáo cho 14 đôi tại Thiền viện Sùng Phúc… Tình trạng tổ chức tang lễ kéo dài nhiều ngày, ăn uống tràn lan ở khu vực ngoại thành được khắc phục, nhiều hủ tục trong tang lễ gần như không còn. Hoạt động lễ hội đã chú trọng phát triển hài hòa, cả phần lễ và phần hội. Nhiều lễ hội văn hóa, lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức phù hợp với nếp sống văn minh. Truyền thống tốt đẹp được duy trì bảo tồn. Các địa phương khi tổ chức lễ hội đều gắn với các sự kiện khác như: Đón nhận danh hiệu làng văn hóa, làng nghề, bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa…
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phong trào, những kết quả đạt được trong quá trình tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện việc cưới, tang theo nếp sống văn minh rất đáng ghi nhận, song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Một số đơn vị, địa phương chưa nhận thức hết vai trò, ý nghĩa của phong trào, nên chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc; một số lãnh đạo địa phương chưa gương mẫu để người dân làm theo. Bởi không thiếu người quan niệm “cả đời người chỉ có một lần, phải cưới sao cho hoành tráng”, nên việc vận động cưới tiết kiệm gặp khá nhiều cản trở. Nhờ kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng nhiều hình thức, dần dần người dân đã hiểu và tự giác thực hiện. Đặc biệt, việc cưới tang văn minh đã gắn với trách nhiệm của người đảng viên và cán bộ đứng đầu cơ quan, nên hiệu quả thực hiện công tác này ngày càng tích cực.
Sau nhiều năm bền bỉ triển khai thực hiện phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa nói chung, mô hình cưới, tang theo nếp sống văn minh nói riêng, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Thủ đô đã có nhiều thay đổi. Các phong trào này là “cái gốc” vững chắc cho việc xây dựng, bồi đắp văn hóa người Hà Nội.
Phương Anh