Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Tập trung gỡ các điểm nghẽn cho doanh nghiệp

10:23 24/01/2023

Mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng năm 2022 nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Nhân dịp năm mới 2023, Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong năm tới và thời gian tiếp theo.

Ảnh minh họa
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Thưa Bộ trưởng, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với thách thức như đơn hàng bị cắt giảm trong quý IV/2022 và quý I/2023, chi phí đầu vào tăng cao, diễn bị thị trường khó đoán định và rủi ro suy thoái toàn cầu.Từ góc độ người thiết kế chiến lược chính sách, Bộ trưởng nhìn nhận những khó khăn đó như thế nào và Bộ KH&ĐT tham mưu cho Chính Phủ các giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Tuy quý III/2022, Việt Nam có mức tăng trưởng cao lên đến 13,7%, nhưng tăng trưởng xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tiền tệ của các thị trường xuất khẩu chính, nhất là Mỹ và EU. Đặc biệt quý IV/2022, kinh tế Việt Nam bắt đầu bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các yếu tố trong nước và quốc tế. Nhiều nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang dần giảm tốc, các dấu hiệu bất ổn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đang dần hiện rõ. Năm 2023, dự báo thế giới sẽ tiếp tục thắt chặt chi tiêu và kịch bản mà nhiều chuyên gia dự báo là kinh tế Mỹ và các nước phát triển sẽ rơi vào suy thoái với lãi suất duy trì ở mức cao để kiềm chế lạm pháp. 

Trước tình hình đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) luôn phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức hiệp hội doanh nghiệp để kịp thời theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tổng hợp các kiến nghị đề xuất từ đó tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển. Cụ thể, hiện nay Bộ KH&ĐT đang trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2025, bao gồm nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện ngay trong ngắn hạn và nhóm giải pháp trong dài hạn. 

Chính phủ sẽ tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển, cởi trói, giải phóng tiềm lực của các doanh nghiệp khu vực tư nhân; đồng thời đổi mới các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường, cụ thể như:

Tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi như cải cách hành chính, xây dựng chính phủ - chính quyền điện tử; liên thông các thủ tục giữa các bộ ban ngành để giúp doanh nghiệp, người dân giảm thiểu thời gian, công sức, chi phí:

Có giải pháp phù hợp hỗ trợ đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.

Xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn; đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình thực tế.

Tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển bất động sản, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cho người có thu nhập thấp. Cung cấp thường kỳ các thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có các kế hoạch thích ứng phù hợp. Bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; điều hành giá xăng phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, mặt hàng xuất khẩu.

Theo báo cáo tổng hợp các khó khăn lớn của doanh nghiệp giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023 của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV), khó khăn về vốn đang là thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp. Là cơ quan đầu não thực hiện tham mưu chính sách cho Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã có những kiến nghị gì với Chính phủ, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Bộ KH&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2025, trong đó có các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho các doanh nghiệp, cụ thể: Đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Chương trình phục hồi kinh tế; hỗ trợ đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kịp thời nắm tình hình, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng; Xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình thực tế. Tăng cường năng lực quản trị tài chính, khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Có thể nói, với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, Bộ KH&ĐT liên tục tham mưu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nói chung, cho doanh nghiệp nói riêng. Thực hiện phương châm “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ giao cho các bộ, ngành liên quan thực hiện những giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất làtriển khai quyết liệt, hiệu quả, thực chất, toàn diện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho doanh nghiệp. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét cho ý kiến và chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chính sách, rà soát, điều chỉnh nguồn lực từ các chính sách khó triển khai hoặc không thực hiện hết cho các chính sách còn dư địa (như chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà,…).

Tiếp theo làtiếp tục phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thành kênh huy động vốn quan trọng, an toàn cho doanh nghiệp,…; hoàn thiện cơ chế, chính sách về trái phiếu doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ổn định và phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả thị trường trái phiếu doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp tiếp tục chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để giảm áp lực dòng tiền, hỗ trợ doanh nghiệp.

Cuối cùng là phát triển và đa dạng hóa các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp; phát triển những loại hình định chế tài chính trung gian mới; xem xét cho phép triển khai thí điểm (mô hình sandbox) tạo theo sự lực chọn cho nhà đầu tư và kênh hút vốn cho các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nghe giới thiệu về dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Công ty LuxShare ICT đầu tư tại VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nghe giới thiệu về dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Công ty LuxShare ICT đầu tư tại VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Duy.

Có ý kiến cho rằng, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam hiện thiếu vắng “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực sản xuất, công nghiệp. Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về vấn đề này? Để khắc phục thực trạng đó, xin Bộ trưởng cho biết về giải pháp căn cơ nhất?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Trong những năm qua, ngành công nghiệp đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước, tạo dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, công nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài. 

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia thực hiện công nghiệp hóa thành công đều có vai trò của hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn là những “doanh nghiệp đầu tàu” hay “sếu đầu đàn” để tạo ra hệ sinh thái dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất. Chúng ta cần có những doanh nghiệp cả trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân đủ lớn mạnh về quy mô, có năng lực quản trị chuẩn mực quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, có khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới. 

Những doanh nghiệp này cần được xem xét, đánh giá trên các yếu tố: quy mô; thị phần và thị trường; quản trị; ngành lĩnh vực hoạt động và tính bền vững của doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp quy mô lớn cần có tiềm lực về tài chính, hoạt động hiệu quả dựa trên năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và tăng khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Đồng thời, phải có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và có định hướng mở rộng sang thị trường nước ngoài (thông qua hoạt động xuất khẩu hoặc đầu tư ra nước ngoài) và có hệ thống quản trị chuyên nghiệp, hiện đại. 

Cần tập trung phát triển các doanh nghiệp đầu đàn trong những ngành, lĩnh vực mới có tác động dẫn dắt, lan tỏa như: Cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành kinh tế, kết cấu hạ tầng quốc gia quan trọng, khoa học công nghệ hiện đại, đi đầu trong tăng cường quốc phòng an ninh, công nghiệp lưỡng dụng để bảo vệ Tổ quốc… Cuối cùng, trong bối cảnh chuyển dịch xanh hướng tới phát triển bền vững, tiêu chí chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch và giảm thải khí carbon là tiêu chí quan trọng để hướng tới thực hiện cam kết giảm phát thải tại COP26.

Với góc nhìn của Bộ KH&ĐT, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới, tập trung vào R&D (nghiên cứu và phát triển), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng, tài chính…để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân (DNTN) ở những lĩnh vực khác.

Đối với “sếu đầu đàn” là các DNNN, cần phải thay đổi cách nhìn và phương thức quản lý. Đã có quan điểm cho rằng, quản lý DNNN hiện đang nặng về kiểm soát, khiến DNNN không được quyền tự chủ để đối phó với những thay đổi trong phương thức sản xuất. Do vậy, cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu, để DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường. Đồng thời, tăng cường nguồn lực cho các DNNN quy mô lớn, trên cơ sở cho phép giữ lại một phần tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn hoặc một phần lợi nhuận sau thuế để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, có ý nghĩa đối với sự phát của đất nước. Ngoài ra, các bộ, ngành, cơ quan đại diện chủ sở hữu cần đối thoại nhiều hơn với DNNN quy mô lớn, lắng nghe những tâm tư, khó khăn để  kịp thời tháo gỡ, khơi thông nguồn lực của doanh nghiệp.

Đối với “sếu đầu đàn” là DNTN, cần tập trung vào các giải pháp. Trước hết cần tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển, như: cải cách hành chính, xây dựng chính phủ - chính quyền điện tử; liên thông các thủ tục giữa các bộ, ban, ngành để giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian, công sức, chi phí; minh bạch, công khai.

Tiếp theo là trong thời gian tới cần tập trung vào các DN có tốc độ tăng trưởng cao sẽ giúp tạo ra sức bật nhanh, mang lại lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế, đồng thời giúp tạo ra các DN có quy mô vừa và lớn trong tương lai. Hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho việc tập trung kinh tế thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A). Đây là một trong những con đường ngắn nhất để giúp các DN tích tụ nguồn lực về vốn, chất xám, công nghệ và tối đa hóa lợi thế cạnh tranh. Tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các kênh huy động vốn mới cho DNTN; phát triển những loại hình định chế tài chính trung gian mới; xem xét cho phép triển khai thí điểm (mô hình sandbox) tạo thêm sự lựa chọn cho nhà đầu tư và kênh hút vốn cho các DN; tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu DN thành kênh huy động vốn quan trọng, an toàn cho DN… 

Và cuối cùng là đẩy mạnh mô hình hợp tác công – tư, cần nghiên cứu và xây dựng những mô hình hợp tác giữa nhà nước và tư nhân để hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động R&D của khu vực DN. Đây là mô hình hợp tác đã được triển khai theo nhiều hình thức khác nhau ở nhiều quốc gia trên thế giới (như Mỹ, Đức, Nhật Bản…). 

Xin cảm ơn Bộ trưởng!                                                                     

An Thảo (thực hiện)