Cụ thể, tỉnh Bình Thuận quyết định kết thúc hoạt động 07 đảng đoàn (HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động, Liên hiệp các hội KHKT) và 03 ban cán sự đảng (UBND tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân).
Phương án nhấn mạnh yêu cầu “thực hiện nghiêm chủ trương, chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy”, gắn với rà soát thực tiễn tại địa phương, bảo đảm phù hợp chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị.
Phương án nêu rõ quan điểm, nguyên tắc, căn cứ pháp lý, thực trạng và kế hoạch triển khai sắp xếp, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương trong giai đoạn mới. Ảnh minh họa. |
Các cấp ủy Đảng, trước hết là người đứng đầu, cần xác định đây là “nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy”, thống nhất cao về nhận thức và hành động, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Một trong các nguyên tắc được đưa ra là “sáp nhập các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; kết thúc hoạt động đối với những ban, chỉ đạo không còn nhiệm vụ thực sự cần thiết”.
Đồng thời, địa phương sẽ thực hiện điều chỉnh, sắp xếp nhân sự, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm “nâng cao chất lượng đội ngũ, gắn với đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đánh giá cán bộ”.
Đồng thời, kết thúc hoạt động Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh để thành lập hai đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy gồm Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, hội đồng nhân dân, tư pháp cấp tỉnh và Đảng bộ khối chính quyền cấp tỉnh. Mô hình này được kỳ vọng sẽ khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp về tổ chức, tăng tính thống nhất trong chỉ đạo, điều hành.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ tương đồng, tỉnh quyết định sáp nhập Ban Tuyên giáo với Ban Dân vận ở cấp tỉnh, thành Ban Tuyên giáo - Dân vận Tỉnh ủy (tên gọi có thể điều chỉnh theo hướng dẫn của Trung ương).
Cùng với đó, tất cả 10 huyện, thị xã, thành phố cũng sẽ triển khai mô hình hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Huyện ủy, giảm 10 đầu mối ban chuyên môn cấp huyện. Phương án cũng đề ra giải pháp hợp nhất, tinh gọn mạnh mẽ các sở, ngành có chức năng, nhiệm vụ giao thoa.
Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính hợp nhất thành Sở Kinh tế - Tài chính; Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng hợp nhất thành Sở Xây dựng và Giao thông; Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp nhất thành Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ hợp nhất thành Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ hợp nhất thành Sở Nội vụ và Lao động, đồng thời chuyển chức năng về giáo dục nghề nghiệp sang Sở Giáo dục và Đào tạo, chức năng bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng chống tệ nạn sang Sở Y tế và công tác tín ngưỡng, tôn giáo, giảm nghèo sang Ban Dân tộc (tổ chức lại thành Ban Dân tộc - Tôn giáo).
Như vậy, số lượng sở thuộc UBND tỉnh giảm còn 13 (giảm 5 sở so với trước). Các phòng ban, chi cục, đơn vị sự nghiệp bên trong cũng được tinh gọn, sáp nhập hoặc giải thể, góp phần giảm thiểu đầu mối, tối ưu hóa nguồn lực.
Ở cấp huyện, toàn tỉnh giảm từ 109 phòng chuyên môn xuống còn 87 phòng, thực hiện mô hình “đa ngành, đa lĩnh vực” theo hướng dẫn của Trung ương và phù hợp thực tiễn.
Nhiều phòng có chức năng tương đồng được sáp nhập, ví dụ Phòng Tài nguyên và Môi trường với Phòng Nông nghiệp thành Phòng Nông nghiệp và Môi trường, hoặc Phòng Văn hóa - Thông tin với nhiệm vụ khoa học - công nghệ thành Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin.
Về đơn vị sự nghiệp công lập, đáng chú ý, tỉnh dự kiến hợp nhất Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận và một phần Trung tâm Thông tin thuộc Văn phòng UBND tỉnh (chức năng cổng thông tin điện tử) thành đơn vị sự nghiệp công lập mới, gắn kết lĩnh vực báo chí, truyền thông với cung cấp thông tin chính thống; duy trì Trường Chính trị tỉnh và Trường Cao đẳng Bình Thuận; đồng thời sáp nhập hai Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (công trình dân dụng và công nghiệp, công trình giao thông) thành một đầu mối chung.
Nhằm tránh xáo trộn lớn, Phương án yêu cầu “các cơ quan mới phải đi vào hoạt động hiệu quả ngay”. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ được thực hiện dân chủ, công khai, công bằng, có tính đến năng lực, sở trường, kinh nghiệm.
Đặc biệt, Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu các cấp, các ngành “thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức kịp thời, đúng quy định”, kiên quyết xử lý tình trạng trì trệ, thụ động. Phương án sắp xếp này sẽ được triển khai đồng bộ, gắn với việc sửa đổi, bổ sung các quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan sau khi sáp nhập. Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ thường xuyên theo dõi, đôn đốc để kịp thời khắc phục khó khăn.
Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh “đây là nhiệm vụ quan trọng, cần sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất toàn hệ thống chính trị” nhằm tạo chuyển biến rõ nét về tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực quản trị, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận trong thời gian tới.