Cùng với các sản phẩm gốm trên cả nước như Gốm Biên Hòa, gốm Bát Tràng, gốm Vĩnh Long, gốm Bàu Trúc – Ninh Thuận giống như nét chấm phá của nghệ thuật gốm cổ và đương đại của ngành gốm Việt Nam.
![]() |
Gian hàng gốm Bàu Trúc - Ninh Thuận được giới thiệu tại Festival gốm và khinh khí cầu tỉnh Đồng Nai năm 2025 |
Làng gốm Bàu Trúc với lịch sử hơn 700 năm, được biết đến nhờ kỹ thuật thủ công độc đáo: nặn tay hoàn toàn, không dùng bàn xoay, và nung lộ thiên bằng củi rơm. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật độc bản mang dấu ấn riêng, thấm đẫm hồn cốt văn hóa Chăm Pa. Sau khi nung, sản phẩm thường có màu đỏ gạch, nâu đất hoặc đen tuyền tùy vào mức độ cháy và cách xử lý trong lúc nung
Tại Festival gốm và khinh khí cầu tỉnh Đồng Nai năm 2025, Trung Tâm Xúc Tiến Đầu Tư, Thương mại và Du Lịch Ninh Thuận đã cùng các nghệ nhân gốm Bàu Trúc giới thiệu hơn 100 tác phẩm đa dạng: từ những chiếc bình nước đơn sơ, lọ hoa, chậu hoa mộc mạc, đèn nội ngoại thất đến các bức tượng thần Shiva, tượng nữ thần Pô Nagar, phù điêu hoa văn Chăm. Màu đất nung đỏ nâu, đen ánh tro và các họa tiết truyền thống khiến khách tham quan không khỏi trầm trồ, thích thú.
![]() |
Nghệ nhân cấp 5 Châu Thị Cỏ đang trình diễn làm gốm cho du khách xem tại nơi triển lãm |
Nghệ nhân Châu Thị Cỏ - người đang “giữ lửa” cho sản phẩm Gốm Bàu Trúc – Chăm Pa cho biết: Tôi tiếp nối nghề từ cha mẹ đến nay được 30 năm, tôi là một trong 5 người nghệ nhân cấp 5 được Tỉnh Ninh Thuận phong tặng, chúng tôi cố gắng gìn giữ làng nghề độc đáo này. Hiện nay cả làng còn hơn 50 hộ chung tay gìn giữ phát triển làng nghề. Nghề này đòi hỏi rất nhiều yếu tố vừa nghệ thuật và kinh nghiệm trong khâu tạo mẫu, trộn nguyên liệu làm sao khi phối trộn đất và cát phải đều, hạt cát phải nghiền mịn nếu không sản phẩm sẽ bị nổ khi nung đốt. Mỗi ngày tôi đi khoảng 10km để xoay vòng tạo hình sản phẩm, không khuôn mẫu, không bàn xoay, nên mỗi sản phẩm có vẻ đẹp đặc thù riêng. Tuy vất vả nhưng những thế hệ Chăm chúng tôi luôn xác định xây dựng và bảo tồn làng nghề gốm độc đáo của mình.
Điểm nổi bật trong gian hàng gốm Bàu Trúc năm nay chính là sự cách tân trong mẫu mã: những chiếc bình gốm nghệ thuật được thiết kế phá cách, bộ sưu tập lộc bình, đèn gốm trang trí nội thất hiện đại, kết hợp hoa văn Chăm cổ với bố cục tối giản, phù hợp với xu hướng quốc tế. Các sản phẩm gốm Bàu Trúc vẫn giữ nguyên bản cách nung thủ công từ 700 năm trước nên giữ được màu tự nhiên của đất, sét và lửa tạo ra sản phẩm vừa thô mộc vừa gần gũi và cổ kính.
Đi cùng với sự phát triển của làng gốm Bàu Trúc phải kể đến các nhà làm thương mại, họ trực tiếp tìm thị trường, đầu ra cho sản phẩm để các nghệ nhân yên tâm sáng tạo làm nghề.
![]() |
Chị Như Ái Mộng Tuy – GĐ Công ty du lịch và Gốm Bàu Trúc đem sản phẩm gốm Bàu Trúc đến giới thiệu tại sự kiện |
Chị Như Ái Mộng Tuy – GĐ Công ty du lịch và Gốm Bàu Trúc cho biết: Hiện nay chúng tôi đang phân phối chủ yếu theo dạng trực tiếp, kết hợp với du lịch chúng tôi xây dựng các tour du lịch cộng đồng trải nghiệm đưa khách vào tận nơi sản xuất họ vừa được tham gia làm gốm và mua các sản phẩm về.
Anh Đỗ Duy Tâm – Chủ cơ sở Gốm Chăm Bàu Trúc – một người trẻ dân tộc Chăm có nhiều cách tiếp cận thị trường một phần tham gia cùng các sự kiện triển lãm hai là anh đã ứng dụng công nghệ số đưa các sản phẩm gốm này lên các nền tảng online như facebook, Tiktok, Shopee. Anh biết tận dụng mạng xã hội để tiếp thị sản phẩm, quay những video, sản xuất hàng theo yêu cầu của khách... nhờ vậy sản phẩm gốm làng anh đi xa hơn, nhiều người biết đến hơn.
Là “bà đỡ” cho sự phát triển ổn định và lâu dài của làng gốm Bàu Trúc phải kể đến Trung tâm xúc Tiến Đầu tư Thương mại Du lịch đã tìm cách gìn giữ và bảo tồn làng nghề có nguy cơ bị mai một.
![]() |
Ông Trương Văn Tiến – Giám đốc Trung Tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết trung tâm luôn đưa các sản phẩm gốm Bàu Trúc đi xúc tiến khắp cả nước |
Ông Trương Văn Tiến – Giám đốc Trung Tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết: Tỉnh và Trung tâm xác định làng nghề Gốm Bàu Trúc là một trong những danh mục bảo tồn khẩn cấp. Nên Trung tâm xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, để giới thiệu hỗ trợ các hợp tác xã, tổ chức hộ gia đình, cá nhân.. Trung tâm luôn đồng hành giới thiệu quảng bá xúc tiến đưa sản phẩm của bà con đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
![]() |
Các sản phẩm gốm Bàu Trúc được trưng bày tại Festival Gốm và Khinh khí cầu tỉnh Đồng Nai 2025 |
Thời gian qua, cùng với các hoạt động văn hóa, đầu tư, trung tâm có một phần đóng góp đưa sự phát triển của làng nghề này đi xa hơn. Tại mỗi sự kiện hội chợ, triển lãm, đầu tư Trung tâm luôn phối hợp giới thiệu sản phẩm gốm Bàu Trúc. Thông qua đó nhiều người biết đến sản phẩm gốm Bàu Trúc nhiều hơn và tăng lượng khách du lịch đến với làng nghề nhiều hơn, họ chọn làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước là điểm đến du lịch thăm quan nhiều hơn. Trao đổi và gắn với sản phẩm làng nghề. Qua Festival gốm và Khinh khí cầu tỉnh Đồng Nai 2025 này, nhiều khách thăm quan tìm đến gian hàng và đánh giá cao và tìm mia các sản phẩm gốm Bàu Trúc nhiều hơn. Bởi chúng tôi không chỉ mang đến những giá trị truyền thống mà còn muốn kể câu chuyện mới về gốm Bàu Trúc, để sản phẩm tiếp cận được với thị trường trong nước và quốc tế."
![]() |
Gian hàng cũng giành riêng một góc nhỏ cho khách thăm quan đến thăm quan trải nghiệm làm gốm |
Tại Festival năm nay Trung tâm cũng dành riêng một không gian để giới thiệu quy trình làm gốm truyền thống của người Chăm Bàu Trúc, giúp khách tham quan trải nghiệm trực tiếp từ nhào đất, tạo hình cho đến chạm khắc hoa văn. Đây là cơ hội quý báu để văn hóa gốm Chăm tiếp cận gần hơn với công chúng trong nước và quốc tế.
Sự xuất hiện nổi bật của gốm Bàu Trúc tại Festival gốm và Khinh khí cầu tỉnh Đồng Nai 2025 không chỉ là dịp quảng bá sản phẩm mà còn góp phần tôn vinh di sản "Nghề làm gốm truyền thống của người Chăm", được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2022.
Trong bối cảnh hội nhập, làng gốm Bàu Trúc đang từng bước khẳng định bản sắc độc đáo, vững vàng bước vào thị trường toàn cầu, đồng thời gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu đã hun đúc qua bao thế hệ.