Cụ thể, khu đất thu hồi từ Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và dịch vụ tổng hợp Đồng Nai được đánh giá có thể cải tạo thành 10 phòng ở công vụ. Đồng thời, khu đất thu hồi từ Nhà khách 71 và Trung tâm Giáo dục thường xuyên (cũ) có khả năng chuyển đổi thành 122 phòng ở. Ngoài ra, một số dự án nhà ở xã hội hiện có trên địa bàn cũng được xem xét trưng dụng, với tiềm năng cung cấp thêm 15 căn hộ cho cán bộ, công chức.
![]() |
Đồng Nai sẽ đón khoảng 1.600 công chức từ Bình Phước sau sáp nhập |
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, nhằm tính toán phương án bố trí, sắp xếp chỗ ở cho đội ngũ cán bộ, công chức dự kiến chuyển công tác từ Bình Phước về Đồng Nai sau khi sáp nhập. Trong bối cảnh nhu cầu chỗ ở tăng cao, lãnh đạo tỉnh cũng nhấn mạnh việc tận dụng tối đa các trụ sở làm việc hiện không còn nhu cầu sử dụng, chuyển đổi tạm thời thành nhà công vụ để giảm áp lực về nơi ở cho cán bộ, công chức xa nhà.
Theo báo cáo sơ bộ, sau khi thực hiện sáp nhập, sẽ có khoảng 1.600 cán bộ, công chức từ tỉnh Bình Phước về công tác tại Đồng Nai. Hiện tại, tỉnh xác định hai nguồn lực chính để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho lực lượng này. Thứ nhất là các dự án nhà ở đang được triển khai tại TP Biên Hòa – trung tâm hành chính và kinh tế của tỉnh. Thứ hai là việc sửa chữa, cải tạo các trụ sở làm việc thành nhà công vụ, phục vụ nhu cầu lưu trú tạm thời cho đội ngũ cán bộ.
Việc chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, đặc biệt là chỗ ở ổn định, là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo quá trình tiếp nhận, bố trí công việc và sinh hoạt cho cán bộ, công chức sau sáp nhập diễn ra thuận lợi, hiệu quả. Đồng thời, đây cũng là minh chứng cho tinh thần chủ động và quyết liệt của Đồng Nai trong công tác tổ chức hành chính và quản lý nhân sự trong giai đoạn chuyển giao mang tính lịch sử này.