Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống
Thông tin từ Sở Công Thương cho biết, nhằm ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh Covid – 19 giai đoạn mới, Sở đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó khẩn cấp với mọi diễn biến dịch bệnh. Theo kế hoạch, Bình Dương hiện có 13 doanh nghiệp tham gia dự trữ lương thực, thực phẩm với tổng giá trị hàng hóa dự kiến gần 4.800 tỷ đồng. Ngoài ra, Bình Dương có 97 chợ truyền thống, 11 siêu thị và hơn 200 cửa hàng tiện ích đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của người dân. Riêng chợ Hàng Bông Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một có lượng lớn rau, củ, quả, trái cây lưu thông hàng ngày lên đến 120 tấn đảm bảo cung ứng đủ cho các khu công nghiệp tại khu vực này.
Sở Công Thương cũng khuyến cáo người dân thay đổi thói quen mua sắm hàng ngày chuyển sang mua sắm tập trung. Sở cũng đảm bảo xử lý nhanh việc thiếu hàng cục bộ. Ngoài ra, Sở đã phối hợp với Sở TT&TT, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đưa tin chính xác về diễn biến dịch bệnh, tình hình hàng hóa giúp người dân yên tâm không thu gom, tích trữ, ngoài ra Sở còn phối hợp với Cục QLTT, Công an tỉnh Bình Dương tăng cường kiếm tra, giám sát không để phát sinh tình trạng đầu cơ, găm hàng.
Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 200 doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp để phục vụ các khu, cụm công nghiệp, trường học. Ngành Y tế đã đề xuất 6 doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp tham gia phục vụ suất ăn cho những người đang cách ly, với công suất hơn 200.000 suất ăn/ca phục vụ. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp có khả năng cung cấp suất ăn nấu sẵn cho các hộ gia đình có nhu cầu trong trường hợp cách ly tại nhà.
Sẵn sàng các phương án “đánh chặn” tại các khu công nghiệp
Sau cuộc họp trực tuyến giữa Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid – 19 với các tỉnh, thành tổ chức chiều 11/6, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bình Dương đã tăng cường giám sát trong đợt dịch thứ 4 và chuẩn bị các kịch bản ứng phó với mọi tình huống xảy ra, khi mà tỉnh đã có 9 ca dương tính với Covid – 19.
Ưu tiên hàng đầu trong thời điểm hiện tại là tầm soát, truy vết và “đánh chặn” Covid – 19 trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các công ty lập danh sách công nhân, chuyên gia, người quản lý làm việc hàng ngày tại Bình Dương nhưng có địa chỉ lưu trú tại TP. Hồ Chí Minh để theo dõi, quản lý, đồng thời thực hiện khai báo y tế điện tử toàn dân tại các nhà máy, công sở, siêu thị, phương tiện vận tải, xét nghiệm, sàng lọc diện rộng, định kỳ tại các nơi có khả năng xảy ra nguy cơ cao.
Ưu tiên tiêm vắc xin cho các công nhân tại các khu công nghiệp với 2 phương án. Phương án 1, công ty cam kết chi trả kinh phí mua và tiêm vắc xin, lập danh sách gửi về Sở. Sau khi Bộ Y tế mua được vắc xin và phân bổ cho Bình Dương thì sẽ triển khai tiêm cho công nhân của công ty (trong trường hợp các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 đã được tiêm đầy đủ). Phương án 2, các công ty tiếp cận, mua được vắc xin phòng Covid - 19 thì ngành Y tế sẽ hỗ trợ khâu bảo quản, tiêm cho công nhân của công ty.
Thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt 6 nguyên tắc vàng trong phòng, chống dịch Covid -19: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để và điều trị hiệu quả, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Đặc biệt, chiến lược giai đoạn mới là bao vây, khoanh vùng, đón đầu, đánh chặn, để kiểm soát chặt các nguồn lây, chặt đứt chuỗi lây, cắt đứt các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài. Phân công và phối hợp theo phương pháp "Công an - truy vết, Quân đội - cách ly, Chính quyền - chỉ huy, Y tế - thực hiện". Đảm bảo tốt mục tiêu “kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Hoàng Thu